Sức mạnh chữa lành bênh của thiên nhiên

GD&TĐ - Đắm mình trong không gian thanh thoát, xanh tươi của thiên nhiên là cách chữa bệnh tốt nhất. Đó không chỉ là niềm tin của dân gian, các triết gia, học sĩ ẩn cư mà còn được xác tín bởi thử nghiệm, nghiên cứu khoa học. Y tế lý giải hiện tượng này thế nào? Tại sao “tắm rừng”, một truyền thống của Nhật Bản, đang lan rộng khắp thế giới?

Thiên nhiên chữa lành cho tất cả
Thiên nhiên chữa lành cho tất cả

Không ngoại lệ

Theo nhà địa chất học Peter Winn, người dẫn dắt các cuộc thám hiểm dọc sông Colorado, Grand Canyon, Mỹ kể từ thập niên 1960, “Sự chữa lành từ thiên nhiên đến với mọi người, không trừ một ai”.

Biến đổi mạnh mẽ nhất mà Winn quan sát được trong cuộc đời hướng dẫn du sông của mình là sự phục hồi của các cựu chiến binh bị thương tổn nặng nhờ du sông bằng xuồng kayak (xuồng gỗ nhẹ bọc da chó biển của người Eskimo) dài 16 ngày trên sông Colorado, do tổ chức Team River Runner thực hiện. (Team River Runner thành lập vì mục tiêu tạo ra môi trường lành mạnh, thân thiện nhằm chữa trị cho khách du lịch vốn là cựu chiến binh và gia đình của họ thông qua đi xuồng kayak).

“Có một chuyên viên thông tin của quân đội trở về từ Iraq với vô số thương tích. Anh mất khả năng thực hiện các phép toán đơn giản, không nói được gì ngoài câu nguyền rủa ‘Mẹ kiếp’”, Winn kể.

Song, “Khi chuyến đi kết thúc, anh có thể thuyết minh dài và hùng hồn. Vợ anh sau đó viết thư cảm ơn đoàn hướng dẫn và con sông đã đưa chồng chị trở về”.

Một khách khác của Team River Runner là cựu nữ phi công trực thăng trở về từ Iraq với mảnh đạn không thể gỡ bỏ trong đầu. Cô tới bờ sông với ý muốn kết thúc cuộc sống.

Mất cả ba năm điều trị trong và ngoài bệnh viện, tình hình của cựu nữ phi công vẫn không khá lên. Đó là lý do cô mất hoàn toàn sự tin tưởng vào cuộc sống. Khi được Winn đề nghị đi xuồng kayak, cô từ chối.

Không bỏ cuộc, Winn chuyển sang dạy cựu phi công chèo bè. Cuối cùng, người phụ nữ từng muốn từ bỏ tất cả đã thuận lợi vượt qua mọi thác ghềnh, vui vẻ về nhà trên xe đạp đường trường. Cô thậm chí chiến thắng một cuộc đua xe đạp lớn ở Châu Âu.

Là nhà địa chất học đồng thời là hướng dẫn viên du sông thập niên 1970, 1980, Rebecca Lawton cũng chứng kiến nhiều kỳ tích trong những chuyến đi 14 ngày do cô dẫn dắt.

Trong các chuyến thong dong trên bè tại Lees Ferry, Arizona (không bao gồm mùa hạn), không ít người thật sự quên hết đớn đau, bệnh tật trong khi ào xuống dòng sông tinh khiết huyền thoại hay chui vào các hang động và phía sau thác nước.

Khung cảnh chữa lành vùng Grand Canyon
Khung cảnh chữa lành vùng Grand Canyon

Louise Teal, nhà văn và hướng dẫn viên sông Colorado từng nói “Ở đó (trên dòng sông), mọi người không chỉ được chữa lành về mặt thể xác. Đôi khi, họ còn thay đổi luôn cách sống của mình. Họ có thể tìm hoặc bỏ việc, kết hôn hoặc li dị, hay trở thành một hướng dẫn viên của dòng sông”.

Cả Teal và Rebecca đều là khách tham quan trước khi trở thành người hướng dẫn. Lý do rất đơn giản, “Tôi tìm thấy ở con sông vẻ đẹp và sự mạnh liệt, địa điểm hoàn hảo cho một cuộc sống mới”.

Với hoàng hôn rực rỡ trên những bức tường đá như thôi miên và dòng chảy bất tận, Grand Canyon thật sự mang đến khung cảnh giúp phục hồi.

Các hướng dẫn viên đều nói, họ không làm gì nhiều ngoài việc đưa khách du sông, cảm thông với khách và chỉ cho họ những tảng đá nghìn tuổi xếp nếp như các tầng bánh kếp ngon lành.

“Tắm rừng”

Thiên nhiên chữa lành thế nào, rất hiếm nghiên cứu chỉ ra, chí ít là cho đến năm 1928, khi Tomohide Akiyama, thư ký Cục Lâm nghiệp Nhật Bản sáng tạo và giới thiệu thuật ngữ “tắm rừng” (shinrin-yoku). Shinrin-yoku đại diện cho hành động vào rừng để cơ thể và tâm trí được đổi mới, chống lại các vấn đề sức khỏe liên quan đến lối sống.

Truyền thống “tắm rừng” có ở Nhật Bản từ lâu song nó chỉ được gọi thành tên sau khi Akiyama lập từ vựng. Kể từ đó, “tắm rừng” đi liền với các bài tập hữu ích như đi bộ, ngồi thiền, tập thể dục giữa rừng cây, ăn uống với các thực phẩm hữu cơ cân bằng, có nguồn gốc địa phương, ngâm mình trong suối nước nóng (nếu thuận tiện).

Để nâng cao chất lượng của việc chữa bệnh bằng “tắm rừng”, cả năm giác quan phải tham gia tích cực. Tại xứ Phù Tang, “tắm rừng” được xem như một liệu pháp điều trị chính thức, được công nhận bởi y khoa.

Khi nghiên cứu về “tắm rừng”, Akiyama cũng biết về nghiên cứu phytoncides đầu tiên. Phytoncides là một loại tinh dầu cay do nhà khoa học Liên Xô, Boris P Tokin, chế tạo trong thập niên 1920-1930.

Nó là hợp chất dễ bay hơi chiết xuất từ các loại cây lá kim và một số thực vật khác, rất dễ bay hơi, có tác dụng giảm huyết áp, tăng chức năng miễn dịch cho cơ thể.

Truyền thống “tắm rừng” Nhật Bản được y tế xác nhận có lợi cho sức khỏe

Truyền thống “tắm rừng” Nhật Bản được y tế xác nhận có lợi cho sức khỏe

Tác dụng y tế

Trong những năm gần đây, một loạt các tác dụng chữa bệnh từ “tắm rừng” được xác nhận và thông báo.

Theo Tạp chí Frontiers in Psychology, nó có tổng cộng 21 tác dụng cải thiện sức khỏe, đặc biệt lưu ý ánh sáng và ion âm trong không khí có thể giảm bớt bệnh trầm cảm, tăng khả năng tự kiểm soát nhịp tim, huyết áp. Ngay cả âm thanh của thiên nhiên cũng giúp giảm căng thẳng, phục hồi sự thư thái.

Xét nghiệm máu cho thấy một loạt các nhân tố sinh lý giúp bảo vệ sức khỏe được sinh sôi nảy nở ở mức cao trong môi trường thiên nhiên hoang dã trong khi vô cùng nghèo nàn tại môi trường thành thị.

Một trong những hormon và phân tử này là dehydroepiandrosterone. Theo nhóm nghiên cứu tại Trường Y Nippon, Nhật Bản, dehydroepiandrosterone giúp ngăn ngừa bệnh tim, béo phì, tiểu đường, chữa chứng xơ vữa động mạch.

Trong các nghiên cứu khác, y tế cũng chỉ ra các tế bào chống ung thư, virut của hệ miễn dịch xuất hiện với mật độ cao khi chúng ta ở trong rừng. Tại Trung Quốc, khoa học tự nhiên chỉ ra đi bộ trong rừng giúp giảm chứng viêm cũng như các nguy cơ mắc bệnh miễn dịch.

Khoa Y trường Đại học Hokkaido, Nhật Bản phát hiện “tắm rừng” làm giảm lượng đường trong máu, từ đó chống béo phì, tiểu đường.

Chỉ cần 3 ngày 2 đêm sống giữa thiên nhiên là đủ để cảm giác hạnh phúc kéo dài đến 7 ngày. Với “tắm rừng”, cơ thể, tâm trí được thả lỏng, từ đó dễ dàng phục hồi các thương tổn, tăng cường hệ miễn dịch, giảm các bệnh về tim mạch, đau nửa đầu, stress…

Theo nhà nghiên cứu Frances Ming Kuo của đất nước hoa anh đào, “Lợi ích tích lũy có thể khá lớn ngay cả khi tác dụng riêng lẻ chỉ rất nhỏ”.

Phần lớn bằng chứng khoa học về lợi ích của thiên nhiên đều đến từ “tắm rừng”. Bên cạnh đó, con người phản ứng tự phục hồi khá tốt với nước, ví dụ tại đài phun nước, sông ngòi, ao hồ, biển cả. Môi trường nhiệt đới và sa mạc có giúp chữa lành không, điều này chưa được xác nhận.

Tầm quan trọng

“Thiên nhiên rất quan trọng với tôi”, Susan Karle, hướng dẫn viên “tắm rừng” tại California nói. Cô chọn nghề nghiệp này vì thật sự quan tâm đến sức khỏe và sự phục hồi cho các nạn nhân bị chấn thương và lạm dụng. Karle cũng phát hiện chỉ cần ngồi dưới bóng cây cổ thụ cũng đủ để được thư giãn.

“Cách đây vài năm, tôi tham gia một hành trình ‘tắm rừng’ và bị cuốn hút mạnh mẽ. Hai tuần sau đó, tôi đăng ký vào lớp đào tạo 5 ngày để trở thành hướng dẫn viên trị liệu rừng theo phong cách đi bộ ‘tắm rừng’ Nhật Bản được chứng nhận”.

Trong chuyến đi bộ “tắm rừng” dưới sự hướng dẫn của Karle, nhiều du khách hy vọng có thể trở về thời vô ưu của tuổi thơ.

Cuộc sống thường nhật khiến họ căng thẳng và họ cần thoát ra khỏi cảm giác ngột ngạt. Karle chỉ cho họ tìm những hòn đá vừa phải và ném nó vào con lạch gần đó. M Amos Clifford, thầy hướng dẫn của Karle cẩn thận dọn sạch trước những viên đá có vẻ “nguy hiểm” để không có bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Hầu hết khách muốn phục hồi nhờ thiên nhiên đều sẵn sàng thực hiện “tắm rừng” bởi những tác dụng đã được xác nhận của nó. Một trong những du khách của Karle là người phải chịu chấn thương tinh thần dữ dội sau cái chết của cả gia đình vì tai nạn.

“Tắm rừng” giúp cô tìm thấy kết nối với cuộc sống nhanh hơn cô tưởng. Sau một năm, cô đã có thể trở về với cuộc sống bình thường.

Không ít người cho rằng “tắm rừng” chẳng qua chỉ là một xu hướng thể dục hay một phong trào chống lại sự ảnh hưởng của đời sống công nghệ hiện đại.

Điều này không sai nhưng chưa đủ. Dù phương Tây ít các kết nối với tự nhiên, ở phương Đông, hòa hợp với thiên nhiên là một phần của truyền thống.

Người phương Đông chúng ta không cho bản thân là chủ nhân của thiên nhiên mà khiêm tốn xem mình là một phần nhỏ nhoi, nhờ phước của thiên nhiên để tồn tại.

Từ thiên nhiên, chúng ta tìm được thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn. Và bây giờ, nhờ nghiên cứu khoa học, chúng ta biết, cũng từ thiên nhiên, chúng ta lĩnh nhận một số lợi khuẩn cho da và đường ruột, ví dụ khuẩn mycobacterium vaccae.

Mycobacterium vaccae có nhiều trong các khu rừng, miền núi, giúp tăng cường hệ miễn dịch ở người, ngăn ngừa trầm cảm, tránh tự sát, chữa rối loạn chức năng miễn dịch mãn tính.

Nếu một đứa trẻ thiếu thốn các lợi khuẩn từ thiên nhiên, chúng sẽ khó để phát triển một cách khỏe mạnh. Không công viên, không cây cối trong thành thị chẳng khác nào mời nhiễm độc cho trẻ em. Cải thiện môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp sẽ vẫn là điều cả quốc tế phải tiếp tục bận tâm.

Ba ngày giữa thiên nhiên là đủ cảm giác hạnh phúc cho cả tuần

Ba ngày giữa thiên nhiên là đủ cảm giác hạnh phúc cho cả tuần

Chỉ cần ngồi dưới gốc cổ thụ cũng được chữa lành

Chỉ cần ngồi dưới gốc cổ thụ cũng được chữa lành

Theo Aeon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.