Sự sống ngoài Trái đất có thể rất gần

GD&TĐ - Có thể không cần tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất ở những nơi quá xa. Theo các nhà khoa học ở ĐH Cornell (Mỹ), những ngoại hành tinh đá gần chúng ta nhất có thể là nơi thuận lợi cho sự sống phát triển. Vài năm trước, phát hiện những ngoại hành tinh trong khu vực có thể sống được ở gần Hệ Mặt trời, mở ra hi vọng là sự sống có thể tồn tại ở những nơi đó.

Sự sống ngoài Trái đất có thể rất gần

Các nhà thiên văn học nhanh chóng dập tắt niềm hi vọng mong manh này bằng việc thông báo rằng bề mặt những ngoại hành tinh đó liên tục bị bức xạ vũ trụ mạnh bắn phá. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở ĐH Cornell khẳng định, đây không phải là trở ngại gì cả. Bằng chứng, theo họ, chính là… Trái đất!

Bề mặt ngoại hành tinh Proxima-b (ở cách xa chúng ta 4,24 năm ánh sáng) bị nhiễm bức xạ X với cường độ mạnh gấp 250 lần so với Trái đất. Dường như nó cũng phải chịu cả bức xạ cực tím cường độ cao.

Theo nhiều nhà khoa học, đây là những điều kiện hoàn toàn không thích hợp để sự sống tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học như Lisa Kaltenegger và Jack O’Malley-James (ĐH Conell) lại lấy Trái đất làm ví dụ để chứng tỏ rằng quan điểm nói trên có thể không đúng.

Trong quá khứ, sự sống trên hành tinh chúng ta cũng đã từng tồn tại trong bức xạ cường độ cao tương tự như vậy. Bằng chứng tốt nhất chính là… chúng ta!

Hai nhà thiên văn học Kaltenegger và O’Malley-James nhắc lại rằng 4 tỷ năm về trước, Trái đất còn rất nóng và bề mặt của nó cũng bị nhiễm xạ cao. Mặc dù vậy, cùng với thời gian, sự sống vẫn có khả năng phát triển và tồn tại qua những giai đoạn khi mà bức xạ cực tím (UV) trên Trái đất mạnh hơn so với những ngoại hành tinh đã nói ở trên.

Nếu như sự sống đã tồn tại được trên Trái đất trong những điều kiện như vậy, thì nó cũng tồn tại được trên những ngoại hành tinh khác.

Các tác giả công trình nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng môi trường trên bề mặt 4 ngoại hành tinh được phát hiện chưa lâu và ở gần chúng ta nhất.

Những ngoại hành tinh này có thể giữ được nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt.Đó là các ngoại hành tinh: Proxima-b, TRAPPIST-1e, Ross -128b và LHS-1140b. Cả 4 ngoại hành tinh này đều quay xung quanh những sao lùn đỏ nhỏ bé. Tuy nhỏ bé nhưng các sao lùn đều phát ra các xung bức xạ mạnh, có khả năng phá hủy khí quyển ngoại hành tinh và cả các phân tử hữu cơ (nếu có).

O’Malley-James và Kaltenegger thực hiện các mô phỏng đối với khí quyển có những thành phần khác nhau và mật độ khác nhau. Họ cũng lưu ý đến hậu quả bức xạ UV trong tình huống khi mà khí quyển quá mỏng, không thể đảm bảo an toàn hoặc khí quyển chứa quá ít ozon.

Hai nhà thiên văn học đã so sánh các kết quả với các phân tích tình hình trên Trái đất từ 4 tỷ năm về trước. Hóa ra, nếu các hành tinh này nhận được lượng bức xạ cao hơn so với lượng bức xạ mà Trái đất nhận từ Mặt trời, thì vẫn “không là gì” so với tình trạng nhiễm xạ mà Trái đất cổ xưa phải hứng chịu.

“Lưu ý đến sự thật là sự sống đã phát triển ngay trên Trái đất non trẻ, chúng tôi chứng minh được rằng bức xạ UV không phải là yếu tố hạn chế cơ hội hình thành sự sống trong hệ thống sao quang phổ M (màu sắc biểu kiến là cam đỏ). Các ngoại hành tinh gần chúng ta nhất sẽ trở thành mục tiêu để tìm kiếm sự sống”, các nhà khoa học cho biết.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...