Sự sống ngoài hành tinh: Không dễ tìm

GD&TĐ - Việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh có thể trở nên khó khăn hơn chúng ta giả định. Đó là do những cơ hội cho sự sống phức tạp tồn tại ngoài Trái đất giảm đi. 

Sự sống ngoài hành tinh: Không dễ tìm

Theo các nhà khoa học ở ĐH California, ĐH Chicago và ĐH Columbia (Mỹ), sự hiện diện của nước ở thể lỏng (vốn được xem là tiêu chí quan trọng) chỉ đủ để cho các dạng sống đơn giản nhất xuất hiện và tồn tại. Các dạng sống phức tạp hơn có những đòi hỏi cao hơn, liên quan đến, chẳng hạn, thành phần khí quyển.

Cho đến nay, phần lớn các dự đoán về vấn đề này đều dựa vào các hành tinh đá - những hành tinh này quay quanh sao chủ ở một khoảng cách thích hợp và trên bề mặt của chúng có nước ở dạng lỏng.

Hiện giờ, các nhà khoa học ở một số trường đại học Mỹ khẳng định điều kiện nước ở dạng lỏng chỉ đủ trong trường hợp sự sống đơn giản ở mức độ vi sinh.

Sự sống phức tạp hơn đòi hỏi nhiều hơn: Khí quyển không độc hại. Các phân tích cho thấy nếu lưu ý đến các giới hạn trữ lượng các khí đơn giản (O2 và CO2) thì nhóm các điều kiện cần thiết cho sự sống ngoài hành tinh trở nên phức tạp hơn nhiều. Đối với trường hợp các hành tinh quay xung quanh các ngôi sao gần chúng ta như Proxima Centauri hay TRAPIPIST-1, xác suất để có sự sống phức tạp hầu như bằng không (0).

“Chúng ta hãy hình dung khu vực có thể sống được đối với sự sống phức tạp là khu vực có khả năng duy trì sự sống trong những hệ sinh thái phức tạp như trên Trái đất. Các phân tích cho thấy, các hệ sinh thái của chúng ta không thể chịu được các điều kiện trên phần lớn ngoại hành tinh vốn được cho là có khả năng sống được” - Giáo sư Sinh hóa Timothy Lyons ở Khoa Khoa học Trái đất và các hành tinh, ĐH California, cho biết như vậy.

Các tác giả công trình nghiên cứu đã sử dụng các mô hình điện toán để mô phỏng những điều kiện khí hậu và quá trình quang hóa trên các hành tinh lạ.

Trước tiên, họ lưu ý đến hàm lượng khí CO2. Nếu CO2 có quá nhiều thì sẽ là độc hại đối với sự sống. Hóa ra, trên một số ngoại hành tinh được cho là thân thiện với sự sống, lượng CO2 có thể quá lớn.

“Để duy trì nhiệt độ cần thiết cho nước tồn tại ở dạng lỏng, các hành tinh ở xa ngôi sao chủ buộc phải có hàm lượng CO2 trong khí quyển lớn gấp 1.000 lần so với trên Trái đất. Hàm lượng này vượt quá mức an toàn đối với người và động vật trên hành tinh chúng ta” - Tiến sĩ Edward Schwieterman, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết.

Đến nay, các nhà thiên văn học đã khẳng định sự tồn tại của gần 4.000 ngoại hành tinh, trong đó có nhiều hành tinh đá. Sử dụng kính viễn vọng, họ đã thử nghiên cứu phổ khí quyển một số hành tinh trong số đó.

Phân tích mới nhất cho thấy, số hành tinh có thể duy trì được sự sống phức tạp đã giảm đi đáng kể. “Hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện hành tinh nào khác có khả năng duy trì sự sống Trái đất” - Tiến sĩ Schwieterman cho biết.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.