Sông Tô Lịch (Hà Nội): Muốn sạch phải chặn nguồn xả thải

GD&TĐ - Cuối tuần qua, sau một thời gian sử dụng công nghệ nano - bioreactor của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật cho rằng, sau hai tháng vận hành có thể nuôi thả được cá trên sông.

Người dân đi bộ trên bờ sông Tô Lịch
Người dân đi bộ trên bờ sông Tô Lịch

Mong có dòng sông sạch

Mấy chục năm sống trong cảnh dòng sông Tô Lịch ô nhiễm, nhiều người dân Thủ đô, nhất là cư dân sống dọc hai bên bờ sông luôn mong muốn có dòng sông Tô sạch sẽ, yên bình. Nhưng thực tế, sông ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư. Nhiều dự án như kè sông, trồng cây xanh trên bờ, làm bè thủy sinh của UBND TP thời gian trước đây cũng không giảm được mùi hôi từ sông bốc lên. Chính vì vậy, khi UBND TP Hà Nội bắt tay vào thử nghiệm làm sạch sông Tô bằng công nghệ nano - bioreactor của Nhật Bản, được dư luận cũng như các chuyên gia quan tâm.

Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững, ông Nguyễn Đức Tùng cho biết: “Thời gian qua tôi cũng theo dõi công nghệ nano - bioreactor của Nhật Bản đưa vào thử nghiệm làm sạch đoạn sông Tô Lịch. Anh em làm công việc về môi trường, ai cũng mong đợi có công nghệ nào đó để giải quyết được dòng sông Tô Lịch bớt ô nhiễm, giảm được mùi hôi. Người qua lại hai bên dòng sông không còn cảm giác ghê”.

Là người dân sống bên dòng sông Tô, chị Đặng Thị Hoa ở số nhà 58 Nguyễn Đình Hoàn cho biết: “Thực tế, sau một tuần thử nghiệm công nghệ làm sạch sông của Nhật, mùi hôi đã giảm hẳn. Thậm chí, sau ba tuần, chỉ số ô nhiễm thay đổi. Nhiều người dân đã đi bộ hoặc ngồi hóng gió mát chiều chiều. Điều này trước đây không hề có vì nhà nào cũng đóng kín cửa để ngăn mùi hôi từ sông bay vào”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật cũng đã thông tin, sau khi đặt máy xuống dòng sông, mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Dưới đáy sông, bùn bắt đầu bị phân hủy và mỏng dần. Sau 2 tháng lượng bùn sẽ giảm hẳn, nước sẽ trong trở lại, có thể thả cá trên dòng sông này.

Người dân qua lại trên đoạn Cầu Giấy vắt qua sông Tô Lịch
  • Người dân qua lại trên đoạn Cầu Giấy vắt qua sông Tô Lịch

Cần chặn nguồn xả thải

Một số chuyên gia được đào tạo chuyên về xử lý nước của Viện Môi trường và Phát triển bền vững có chút nghi ngờ về hệ thống xử lý ở đáy. Theo họ, hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả nhưng chỉ giải quyết được tại chỗ đặt máy mà thôi. Trước đây, viện cũng có dự án từ tổ chức phi chính phủ của Mỹ để cải thiện nước sông Tô Lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, để giải quyết được triệt để, cần phải “tắt” được hệ thống xả thải từ các khu đô thị ra hệ thống sông và hồ của TP Hà Nội. Nếu không, chúng ta chỉ giải quyết được một phần.

Chính vì thế, nếu Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) chỉ đặt ở đoạn sông 300m trên đường Nguyễn Đình Hoàn thì chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông nơi đó thôi.

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường (STEPRO): “Cần có một quá trình theo dõi. Về nguyên tắc công nghệ Nhật Bản không có gì là mới nhưng quá trình thực hiện cần có thời gian để theo dõi, kiểm nghiệm. Việc dòng sông gặp trời mưa liên tục sẽ có hiện tượng đổi màu nước, khi đục, khi đen là bình thường”.

Có 280 cửa xả nước thải xuống sông Tô Lịch với khoảng 150.000 m3/ngày nhưng chưa hề qua xử lý.

Khi hỏi sau hai tháng xử lý ô nhiễm, có thể thả cá xuống sông Tô Lịch được hay không, ông Nguyễn Đức Tùng cho rằng, điều đó có thể xảy ra. Bởi sau thời gian xử lý, nước sông sẽ bớt ô nhiễm, cá thả xuống đoạn sông đó sẽ sống. Bản thân con cá nào đó vẫn thích nghi với dòng sông thì vẫn tồn tại được lâu dài. “Nhưng con cá đó chắc phải có sức khỏe tốt, tôi cũng không dám ăn thịt”, ông Tùng hài hước nói.

Với sông Tô Lịch, đã có nhiều dự án muốn được xử lý ô nhiễm cho dòng sông. Bản thân nhiều chuyên gia môi trường từng phải đi đếm toàn bộ các điểm xả thải xuống sông từ thượng nguồn Hồ Tây kéo dài đến Linh Đàm và có một nhánh từ hồ Yên Sở chảy sang. Có điều, hiện có cả hệ thống xả thải ngầm và nổi đổ trực tiếp vào sông mà việc xử lý trước xả thải chưa được chú trọng.

Sông Tô Lịch bấy lâu nay mang chức năng xả thải cho dân cư đô thị. Các nhà môi trường đều mong muốn chính quyền TP cần có giải pháp triệt để, chặn đứng nguồn xả thải trực tiếp vào sông. Nếu không, dù có sử dụng công nghê hiện đại nào đi nữa, dòng sông Tô Lịch cũng chỉ “sạch” trong thời gian ngắn ngủi.

Ngay cả việc hiện sử dụng công nghệ nano - bioreactor của Nhật Bản, theo ông Nguyễn Đức Tùng, cũng chỉ giải quyết ô nhiễm tại chỗ bởi nguồn xả thải không chặn, dòng sông Tô Lịch vẫn cứ tồn tại vấn đề ô nhiễm. Trong khi đó, ở các nước văn minh, nguồn thải từ trong dân cư và khu công nghiệp phải được xử lý trước khi xả thải ra hệ thống chung của TP. Còn hệ thống nước mặt chỉ để xả thải nước mưa và dòng chảy của sông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.