Robot khử khuẩn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ‘nhận nhiệm vụ’ tại khu cách ly

Robot khử khuẩn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ‘nhận nhiệm vụ’ tại khu cách ly

Đây là 1 trong 2 robot khử khuẩn do các thành viên Nhóm nghiên cứu Robotics TDTU chế tạo gồm: TS Dương Thị Thùy Vân (trưởng nhóm), TS Hán Thành Trung, TS Vũ Trí Viễn, TS Đỗ Hoàng Thịnh, ThS Trần Quốc Hưng, ThS Nguyễn Thành Quang do Trung tâm CNTT Ứng dụng TDTU chủ trì với sự phối hợp của GV và SV Khoa Điện-Điện tử.

Tại buổi lễ, các chuyên gia của TDTU cũng đã chuyển giao toàn bộ kỹ thuật vận hành cho phía Trung tâm để triển khai ngay cho Robot vào hiện trường thực hiện công việc khử khuẩn tại Khu cách ly trong ngày 13/4 thay cho một bộ phận nhân viên y tế.

Robot khử khuẩn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ‘nhận nhiệm vụ’ tại khu cách ly ảnh 1
TS Dương Thị Thùy Vân (trưởng nhóm nghiên cứu) và Trung tá Nguyễn Nhâm (Phó giám đốc Trung tâm) tại lễ bàn giao Robot

Theo TS Dương Thị Thùy Vân - Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics TDTU, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0), được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội. Robot được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000 m) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho Khu vực cách ly người có khả năng nhiễm, Phòng điều trị Virus Corona của bệnh viện. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.

“Cánh tay robot là vòi phun thuốc. Cánh tay có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên hông của robot còn được gắn hai vòi. Do đó, trong quá trình di chuyển, robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. Độ xa phun ra từ mỗi bên hông của thân robot là khoảng 1m, phía trước, phía trên là khoảng 2m nên robot có thể di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện” - TS Dương Thị Thùy Vân chia sẻ.

Đại diện TDTU cho hay, biết tin nhà trường chế tạo thành công Robot khử khuẩn, Hội chữ thập đỏ Quận 9 (TPHCM) đã có công văn gửi TDTU đề nghị trường hỗ trợ Robot này cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Khu cách ly Ký túc xá ĐH quốc gia TPHCM. Lãnh đạo TDTU đã đồng ý và bàn giao ngay trong ngày 13/4.

Với khả năng di chuyển linh hoạt nhờ sử dụng hai động cơ dẫn động độc lập và kích thước nhỏ gọn, Robot có thể làm việc trong những không gian chật hẹp. Việc sử dụng hai bánh cao su đặc (không săm) giúp Robot di chuyển dễ dàng trên những bề mặt trơn trượt lẫn gồ ghề. Với khả năng vận tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h, Robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau như robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, thức ăn cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.