Phát lộ địa đạo gắn liền với tên tuổi nữ Anh hùng Trương Thị Xáng

Những ngày qua, hàng chục người dân thôn Bình Túy (xã Bình Giang, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đang khẩn trương đào bới nhằm khai quật địa đạo bị vùi lấp từ 50 năm trước. 

Ông Trương Hoàng Lâm bên bức phù điêu khắc họa chân dung Anh hùng Trương Thị Xáng.
Ông Trương Hoàng Lâm bên bức phù điêu khắc họa chân dung Anh hùng Trương Thị Xáng.

Việc phát hiện, khai quật địa đạo giúp cho người dân có cách nhìn tổng quát hơn về một thời kỳ hào hùng của vùng đất thép này. Đặc biệt, địa đạo này gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng Trương Thị Xáng, người đã giải cứu 300 cán bộ, du kích trước họng súng kẻ thù.

Chủ tịch UBND xã Bình Giang, ông Nguyễn Văn Anh cho biết: Địa đạo Bình Túy là nơi gắn liền với rất nhiều chiến tích, nhiều lần người dân mong muốn được khai quật nhưng còn vướng mắc nhiều chuyện nên vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên cách đây vài ngày, một người trong thôn vô tình phát lộ miệng địa đạo trong lúc đào gốc tre nên người dân trong thôn tiến hành khai quật. Đến hôm nay, nhiều điểm thoát hiểm nằm trong hệ thống địa đạo tiếp tục được người dân phát lộ và đào bới.

Hệ thống địa đạo này dài khoảng 6km, tỏa đi 3 hướng trong thôn. Địa đạo được đào từ thời kháng chiến chống Pháp và mở rộng thêm những năm sau đó để nuôi giấu cán bộ và người dân địa phương trong những trận càn quét của địch. Địa đạo được thiết kế theo hình dích dắc, nằm cách mặt đất khoảng 3m, lấy các bụi tre để làm điểm nối ống thông hơi. Chiều cao địa đạo hơn 1,2m, rộng khoảng 1m, đủ để 3 người cùng đi bên trong.

Địa đạo được phát lộ nằm cách mặt đất khoảng 3m.

Địa đạo được phát lộ nằm cách mặt đất khoảng 3m.

Ông Trương Hoàng Lâm (61 tuổi, em ruột nữ Anh hùng Trương Thị Xáng) cho biết thêm: Trong 2 cuộc kháng chiến, xã Bình Giang là một trong những cái nôi của cách mạng nên bị địch thường xuyên càn quét ác liệt. Để đối phó với địch, dân làng Bình Túy sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất làm nơi nuôi giấu cán bộ. Ngay trong vườn nhà ông Lâm cũng có một miệng hầm đã được người dân phát lộ. “Địa đạo Bình Túy lấy rễ bờ tre bao bọc quanh làng làm thước đo để không phải đào lòng vòng, từ đó mới rẽ ra thành nhiều ngách.

Địa đạo có 3 nhánh, nhánh rẽ về phía nam, nhánh rẽ về phía bắc và một nhánh rẽ ra hướng sông Trường Giang. Những lỗ thông hơi đặt ngay dưới các bụi tre làng, địch khó phát hiện. Địa đạo được người dân đào trong nhiều năm liền. Do địa bàn bị địch chiếm, để tránh bị phát hiện, số đất đào lên được người dân cẩn thận bỏ trong rổ rồi mang ra tận sông Trường Giang đổ. Đến khoảng những năm đầu thập niên 60, khi trận chiến bước vào giai đoạn ác liệt, hệ thống địa đạo cũng được người dân hoàn thành”, ông Võ Công Thăng (88 tuổi, thôn Bình Túy), người từng tham gia đào địa đạo thời bom đạn kể lại.

Địa đạo hoàn thành và đi vào hoạt động đã làm nơi ẩn nấp của cán bộ, du kích ngay trong lòng địch. Từ đây, nhiều trận đánh lớn nhỏ khiến kẻ thù bạt vía, không kịp trở tay. Để tàn phá “cái nôi cách mạng” này, ngày 22-2-1965, giặc tăng cường 3 tiểu đoàn chính quy mở trận càn quét. Cùng lúc, chúng phát hiện được miệng địa đạo Bình Túy, sau đó dùng xăng, khí độc đưa xuống hầm, dụ dỗ để cán bộ ta ra đầu hàng, rồi bắt bớ dân chúng đào địa đạo và trừng phạt nặng nếu ai chống đối. Lúc này, dưới lòng đất có khoảng hơn 300 cán bộ tỉnh, huyện và du kích địa phương hoạt động. Hoàn cảnh nguy kịch, người con gái 18 tuổi–chị Trương Thị Xáng đã dùng mưu mẹo thực hiện kế sách “hoãn binh”. Chị giả vờ đau bụng để mọi người tập trung vào cứu chữa, kéo dài tiến độ đào địa đạo về buổi tối.

Đêm đó, chị Xáng và nhiều phụ nữ giữ liên hệ với cơ sở thuyết phục được một số binh lính địch có cảm tình với cách mạng hợp đồng giờ giấc để họ mang vũ khí ra vùng giải phóng. Nhờ cây đèn pin của trung đội trưởng chỉ huy ca trực, chị đã dẫn lối an toàn cho toàn bộ cán bộ, du kích ra khỏi lòng đất theo một cửa bí mật ven sông Trường Giang. Tuy nhiên, không may trong lúc quay lại địa đạo, bất ngờ địch thay đổi lính trực nên phát hiện bắn chết chị Xáng... Cũng từ đây, địa đạo Bình Túy bị vùi lấp đến bây giờ.

Năm 2012, chị Trương Thị Xáng vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. “Từ sau ngày giải phóng đến nay, người dân trong xã vẫn mong muốn phục hồi địa đạo Bình Túy để trở thành một di tích lịch sử nhằm ghi nhớ, giáo dục thế hệ trẻ, nhưng xã không có kinh phí. Ngay sau khi người dân phát lộ và đào lại địa đạo, xã đã báo cáo lên cấp trên đồng thời yêu cầu người dân ngừng khai quật vì lo sợ địa đạo lâu ngày dễ sập, bom mìn chưa được rà phá hết, hoặc rắn độc, khí độc... Qua đây, người dân xã Bình Giang mong các cấp, các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để phục hồi công trình lịch sử này”- ông Nguyễn Văn Anh kiến nghị.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ