Những nguy cơ hiểu, sử dụng sai tế bào gốc

GD&TĐ - Nhiều phòng khám trên thế giới và Việt Nam tuyên bố cung cấp các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc. Nhưng đa số họ không đưa ra được những minh chứng khoa học cho hoạt động của mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thổi phồng ứng dụng về tế bào gốc

Tế bào gốc hứa hẹn sẽ giúp chúng ta hiểu và điều trị một loạt các bệnh, chấn thương và các tình trạng liên quan đến sức khỏe khác. Tiềm năng của tế bào gốc đã được chứng minh thông qua các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm trong một thời gian dài.

Ví dụ, tế bào gốc điều trị các bệnh về máu đã được chứng minh là một liệu pháp cứu sống hàng nghìn trẻ em mắc bệnh bạch cầu.

Tế bào gốc trung mô để điều trị các bệnh hoặc tổn thương cho xương, da cũng đã được đề cập. Các thử nghiệm lâm sàng quan trọng liên quan đến tế bào gốc đang được tiến hành cho nhiều tình trạng bệnh khác. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá những cách thức mới để sử dụng tế bào gốc trong y học.

Người bệnh cần sáng suốt trong việc hiểu biết cả tiềm năng và hạn chế của tế bào gốc. Từ đó, phát hiện ra một số thông tin sai lệch được lưu hành rộng rãi bởi các phòng khám có cung cấp các phương pháp điều trị tế bào gốc chưa được chứng minh.

Danh sách các bệnh được điều trị tế bào gốc với các kết quả được chứng minh là có lợi vẫn còn rất ngắn. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đang áp dụng liệu pháp này như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện truyền máu - huyết học TPHCM, Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Một số tổn thương bệnh về xương, da và giác mạc có thể được điều trị bằng cách cấy ghép mô. Quá trình chữa bệnh phụ thuộc vào các tế bào gốc trong mô cấy ghép này. Các quy trình này được chấp nhận rộng rãi là an toàn và hiệu quả bởi cộng đồng y tế.

Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng khác dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh trên vẫn chưa có nhiều cơ sở dữ liệu chứng minh an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nếu phương pháp ghép tế bào gốc cho điều trị các bệnh này được giới thiệu thì nên xem đó là phương pháp có tính thử nghiệm cao.

Cảnh giác với quảng cáo không có minh chứng khoa học

Vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu để hiểu về tế bào gốc. Tuy nhiên, các ứng dụng hiện tại của tế bào gốc trong điều trị bệnh đôi khi bị giới truyền thông hay nhưng người không hiểu đầy đủ về thổi phồng. Mặt khác, do các phòng khám lâm sàng hay các tổ chức môi giới luôn tìm cách thu hút thêm bệnh nhân bị bệnh mãn tính hoặc các tổn thương nặng nên họ thổi phồng phương pháp điều trị.

Nghĩa là, một số bệnh được cơ quan quản lý cấp phép thử nghiệm điều trị lâm sàng nhưng giới hạn về số lượng bệnh nhân tham gia. Tuy nhiên, bệnh viện đó vẫn tiến hành điều trị cho bệnh nhân với số lượng vượt mức cho phép.

Bệnh nhân nên cảnh giác với các phương pháp điều trị tế bào gốc được quảng cáo mà không có minh chứng khoa học. Hoặc nếu có thì cần kiểm tra mình có phải là người nằm ngoài giới hạn của một thử nghiệm lâm sàng hợp pháp đã đăng ký hay chưa.

Khi bệnh nhân đang mắc một căn bệnh mà ở thời điểm hiện tại, không có phương pháp điều trị nào hoặc có nhưng không hiệu quả, thật dễ hiểu tại sao bệnh nhân “trong tình trạng không có gì để mất” thử một phương pháp mới, ngay cả khi phương pháp đó không được khoa học chứng minh.

Thật không may, trên thị trường luôn tồn tại những cơ sở khám chữa bệnh quảng cáo về các phương pháp điều trị bệnh bằng tế bào gốc nhưng họ lại chưa chứng minh được các cơ sở khoa học.

Khi bệnh nhân thử các phương pháp này, thường thì chi phí mà bệnh nhân phải trả có thể rất lớn. Ngoài chi phí điều trị, có thể phát sinh thêm phí chỗ ở hoặc các khoản phí khác. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty bảo hiểm và các chương trình y tế của Chính phủ không bao gồm chi phí điều trị cho các thử nghiệm kiểu này.

Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ điều trị kèm theo gói du lịch (du lịch trị liệu), các chi phí khác có thể phát sinh bao gồm cả chi phí cho người thân, thời gian ở tại địa điểm điều trị nước ngoài và nhiều chi phí khác. Mặt khác, các biến chứng tiềm tàng có thể tạo ra các vấn đề sức khỏe ngắn và dài hạn mới, làm cho tình trạng hoặc triệu chứng của bệnh nhân khó kiểm soát hơn.

Vì vậy, trước khi bệnh nhân quyết định thử nghiệm với một phương pháp điều trị mới mà chưa được chứng minh hoặc chưa được cấp phép, hãy đánh giá cẩn thận phương pháp điều trị đó.

Tế bào gốc không phải tế bào siêu nhiên

Trong cơ thể trưởng thành chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau với khả năng tái tạo dành riêng và đặc trưng cho mô đó. Các loại tế bào gốc này sở hữu khả năng sửa chữa tổn thương cụ thể và có hạn chế nhất định.

Khi không có bất cứ tác động nào từ các thao tác trong phòng thí nghiệm, ở trong chính cơ thể, các tế bào gốc nội tại của từng mô chỉ có thể tạo ra các loại tế bào chức năng được tìm thấy trong chính mô mà chúng sống.

Ví dụ, các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương chỉ có thể tái tạo được các tế bào trong máu như hồng cầu, bạch cầu hay tiểu cầu.

Hay các tế bào gốc thần kinh trong não chỉ có thể tạo ra các tế bào não. Một tế bào gốc tạo máu không thể đáp ứng được việc tạo ra tế bào thần kinh và ngược lại.

Hãy cảnh giác với các tổ chức quảng cáo cung cấp phương pháp điều trị sử dụng loại tế bào gốc có nguồn gốc từ một vị trí trong cơ thể bệnh nhân nhưng lại không liên quan đến bệnh của bệnh nhân.

Bởi tế bào gốc đặc trưng cho một số mô nhất định không thể tạo ra các tế bào được tìm thấy trong các mô khác mà không cần thao tác cẩn thận trong phòng thí nghiệm.

Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể tạo ra một số loại tế bào chuyên biệt trong phòng thí nghiệm với tiềm năng biệt hóa cao. Ví dụ, như tế bào gốc phôi hay tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS).

Những tế bào này có khả năng hình thành tất cả các loại tế bào khác nhau trong cơ thể và mang đến một cơ hội thú vị để phát triển các chiến lược điều trị mới.

Tuy nhiên, tế bào gốc phôi và tế bào iPS không phải là ứng cử viên tốt để được sử dụng trực tiếp làm phương pháp điều trị. Vì chúng cần có sự chỉ dẫn cẩn thận để trở thành các tế bào cụ thể, cần thiết để tái tạo mô bị bệnh hoặc bị hư hại.

Nếu không được hướng dẫn đúng cách, các tế bào gốc này có thể phát triển quá mức và gây ra khối u khi tiêm vào bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ