Người “Việt hóa” đông trùng hạ thảo

GD&TĐ - Thị trường đông trùng hạ thảo khá phong phú. Ít người biết rằng, cùng là đông trùng hạ thảo, hình thức gần giống nhau, nhưng có loại chỉ bổ dưỡng như nấm ăn, có loại dùng làm thuốc.

TS Phạm Văn Nhạ trong phòng thí nghiệm về nấm đông trùng hạ thảo.
TS Phạm Văn Nhạ trong phòng thí nghiệm về nấm đông trùng hạ thảo.

Đeo đuổi giấc mơ

TS Phạm Văn Nhạ nguyên là cán bộ Trung tâm Đấu tranh Sinh học, Viện Bảo vệ Thực vật, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thảo dược Việt Nam. Năm 2011, trong chuyến công tác đến Trung tâm phòng chống ung thư ở bang Missouri (Mỹ), ông  được tiếp xúc với công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.

Qua tìm hiểu, ông nhận thấy loại nấm này cũng thuộc lĩnh vực nghiên cứu của mình về vi sinh vật và hoàn toàn có thể thực hiện thành công.

“Tôi từng đọc nhiều tài liệu y học về công dụng tuyệt vời của đông trùng hạ thảo. Nhưng sản phẩm nuôi trồng vẫn rất đắt, không nhiều người có điều kiện sử dụng. Tôi bắt tay vào nghiên cứu với mong muốn sản xuất được đông trùng hạ thảo chất lượng tốt đến với số đông người tiêu dùng”, TS Nhạ chia sẻ.

Ông mạnh dạn mua 1 mẫu giống giá 1.000 USD để nghiên cứu. Không lâu sau khi về nước, mẫu giống bị hỏng. Tiếp tục mua đến mẫu thứ 7, ông mới bảo quản giống thành công. Trong vòng 3 năm, TS Nhạ liên tục gặp thất bại, kinh phí nghiên cứu do ông bỏ ra đã lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Những tài liệu nuôi trồng loại nấm này hầu như được các trung tâm giữ kín. Ông đi sâu tìm hiểu về môi trường khí hậu, dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm của nấm ngoài tự nhiên. Cuối năm 2013, TS Nhạ thử nghiệm nuôi cấy nấm trên ký chủ là con nhộng tằm và môi trường nhân sinh khối lượng với giá thể là gạo lứt.

Năm 2014, tin vui đã đến khi những sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên được nuôi cấy thành công. Năm ấy, ông trở thành người đầu tiên nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Năm 2018, ông được Chủ tịch nước mời tiếp kiến tại Phủ chủ tịch và được vinh danh “Doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội”.

TS Phạm Văn Nhạ chia sẻ, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ thuộc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khẳng định, hoạt chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo có tác động hạn chế các bệnh do vi khuẩn và virus bao gồm lao, viêm gan B, cúm A, viêm cơ tim do virus và nhiễm herpes simplex.

Hoạt tính chống lại virus SARS‐CoV‐2 của Cordycepin chỉ ra 65% (gen E) và 42% (gen N) ức chế sao chép virus sau 48 giờ điều trị.

Cordycepin có cả bằng chứng tiền lâm sàng và lâm sàng về hoạt tính kháng virus. Ngoài ra, những phát hiện còn xác nhận thêm và cho thấy tiềm năng Cordycepin chống lại Covid‐ 19 tốt nhất so với 45 loại thuốc đưa vào thử nghiệm.

Vì vậy, sử dụng đông trùng hạ thảo để nâng cao tính miễn dịch là một giải pháp quan trọng để phòng chống Covid-19. Đáng tiếc ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác dụng của đông trùng hạ thảo đến phòng chống Covid-19.

Theo TS Nhạ, thành phần axit trùng thảo phong phú có trong đông trùng hạ thảo có tác dụng bổ phế ích thận, cầm huyết trừ đờm, tăng cường đáng kể hoạt động mi của phế quản, điều tiết cơ trơn phế quản tăng khả năng thông khí của phổi, tăng khả năng hô hấp giúp giảm nhẹ các cơn hen.

Axit trùng thảo và polysaccharides cũng có thể khôi phục các tế bào nang phổi đã bị hư hỏng, và do đó cực kỳ hiệu quả với các loại bệnh phổi và hen phế quản , đặc biệt là rất tốt cho người già, bệnh nhân lao phổi, những người hút thuốc.

Đông trùng hạ thảo có thể làm dịu thành cuống phổi, giãn động mạch tránh tình trạng cuống phổi bị thu hẹp dẫn đến đau thắt ngực.

Thúc đẩy quá trình sản sinh adrenalin – một loại hormon được sản sinh bởi tuyến thượng thận, cùng với hormon noradrenaline có tác dụng kích thích điều chỉnh làm tăng lượng ôxy cung cấp cho não và các cơ, làm giãn nở đồng tử và ức chế các chức năng không cần thiết của cơ thể trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như trong cấp cứu sốc phản vệ, huyết áp giảm đột ngột và đường thở tắc hẹp, chặn đường thở bình thường.

Nấm đông trùng hạ thảo là thực phẩm chức năng điều trị một số bệnh có hiệu quả.

Nấm đông trùng hạ thảo là thực phẩm chức năng điều trị một số bệnh có hiệu quả.

Trăn trở với thị trường

TS Phạm Văn Nhạ cho biết, thị trường đông trùng hạ thảo hiện nay khá phong phú, nhu cầu sử dụng của người dân cũng rất lớn. Đáng tiếc là có hiện tượng nấm đông trùng hạ thảo sản xuất cho mục đích thực phẩm (có giá trị như nấm ăn) lại được trà trộn bán như nấm dược liệu (làm thuốc, có hoạt chất cao). Hai chủng nấm này dù cùng có tên khoa học là Cordyceps militaris nhưng thuộc hai dòng khác nhau.

Đối với dòng nấm thực phẩm, điều kiện nuôi trồng không cần nghiêm ngặt, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ từ 35 - 40 ngày. Trong khi dòng nấm dược liệu yêu cầu điều kiện nuôi trồng rất khắt khe, hoàn toàn vô trùng, năng suất thấp, thời gian thu hoạch khoảng 90 ngày.

Để nuôi nấm dược phẩm, phải đầu tư hệ thống nhà xưởng sạch, vô trùng, nhiệt độ luôn phải duy trì từ 17 - 19 độ C. Phải đảm bảo tuyệt đối sạch, không được để vi sinh vật xâm nhập bởi nấm mốc, bào tử trong không khí rất dễ làm hỏng nấm đông trùng hạ thảo nuôi. Chế độ chăm sóc hoàn toàn tự động, phải trang bị hệ thống lọc không khí hiện đại, tối ưu, không khí bên ngoài không thể xâm nhập được khu nuôi trồng.

“Đáng tiếc là nhiều nơi, người kinh doanh, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo không có kinh nghiệm về vi sinh vật, thậm chí doanh nghiệp cơ khí, bất động sản cũng làm trang trại trồng nấm.

Vì không có kiến thức, kinh nghiệm nên loại nấm được nuôi trồng này chứa ít hoạt chất Cordycepin, chúng chỉ có giá trị như nấm ăn. Một số nhà hàng kinh doanh lẩu nấm cao cấp, thường có đĩa nấm đông trùng hạ thảo trong thực đơn. Loại nấm này có giá dao động khoảng 1 triệu đồng/kg”, TS Nhạ cho biết.

Để phân biệt hai dòng nấm này, theo ông, có thể dựa vào đặc điểm hình thái. Nấm thực phẩm có đầu quả thể hình chùy, tròn, trong khi nấm dược phẩm có quả thể nhọn. Màu của nấm dược liệu cam sẫm, trong khi nấm thực phẩm có màu vàng nhạt.

Màu sắc thể hiện rõ hàm lượng hoạt chất Cordycepin của từng loại nấm. Tuy vậy, để người dùng phân biệt hai loại nấm vẫn là khó khăn do đa phần không có sản phẩm đối chứng. Hơn nữa, gần như không ai mua nấm về rồi đem đi kiểm tra hoạt chất.

Đối với loại nấm dược liệu, một số nơi sản xuất sử dụng “mẹo” thu hoạch sớm hơn để đầu nấm có hình nhọn hơn, gần giống với nấm dược liệu hơn. Tuy nhiên về màu sắc nấm thì không thể làm giả. Hai loại nấm này chênh lệch khá lớn về giá cả.

Nấm dược liệu có giá khoảng 7 triệu - 8 triệu đồng/100gr trong khi nấm thực phẩm chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Điều đáng nói, số doanh nghiệp trồng nấm thực phẩm, theo TS Nhạ, chiếm 2/3 lượng nấm đông trùng hạ thảo đang bán trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ