Người tìm “đường đi” của rơm rạ

GD&TĐ - Có bao nhiêu rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ở Hà Nội? Khi đốt rơm, các chất ô nhiễm sẽ lan truyền như thế nào, theo con đường nào? PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đi tìm câu trả lời.

Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch khiến môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch khiến môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Có bao nhiêu rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ở Hà Nội? Khi đốt rơm, các chất ô nhiễm sẽ lan truyền như thế nào, theo con đường nào? PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đi tìm câu trả lời.

Hàng trăm tấn bụi mịn phát tán vào không khí

PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa thực hiện dự án “Xây dựng Bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng bản đồ lan truyền chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ (Chỉ tiêu bụi mịn PM2.5 và CO2, tỉ lệ 1:500.000)”.

Dự án có sự hỗ trợ của Sở TN&MT Hà Nội và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live&Learn.

Hằng năm, quãng thời gian từ 20/5 - 10/6 thường là cao điểm thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân tại nhiều quận huyện ngoại thành Hà Nội. Đây là vụ có sản lượng lúa lớn nhất trong năm.

Vì người dân vẫn có nhu cầu giải phóng nhanh đồng ruộng cho kịp chuẩn bị vụ Hè-Thu nên tình trạng đốt rơm rạ trên cánh động vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Nó đồng nghĩa với phát sinh nhiều khí, bụi độc hại.

Để xem xét phát thải ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt rơm rạ, nhóm nghiên cứu đã tính toán lượng khối lượng rơm rạ phát sinh, lượng đốt rơm rạ và sự lan truyền của các chất ô nhiễm từ việc đốt rơm rạ trên địa bàn Hà Nội.

Sử dụng nhiều công cụ như tổng hợp số liệu, khảo sát thực địa, bảng hỏi, công nghệ viễn thám (GIS), kiểm kê khí thải bằng hệ số phát thải (EF) và mô hình khuếch tán khí quyển (ADMS), nhóm nghiên cứu đã ước tính chỉ riêng vụ Đông-Xuân năm 2020, khối lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng tại Hà Nội vào khoảng 385 nghìn tấn.

Tính trung bình cho toàn thành phố, tỷ lệ rơm rạ được đốt trên đồng ruộng vào khoảng 20%, còn lại được sử dụng cho các mục đích thay thế như rải trên đồng để che phủ, làm phân hữu cơ, làm nguyên liệu trồng nấm...

Nhiều quận huyện gần như không còn tình trạng đốt rơm rạ (dưới 1%), nhưng vẫn còn nhiều nơi như Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì, vẫn còn tỷ lệ đốt khá cao từ 30 - 60%.

Hoạt động đốt này đã phát sinh gần 180 tấn bụi PM10 (các hạt bụi có đường kính động học ≤ 10μm, có khả năng đi vào hệ hô hấp trên như mũi, họng, thanh quản) và khoảng 163 tấn bụi PM 2.5 (tức các hạt bụi nhỏ hơn, có khả năng đi sâu hơn vào hệ hô hấp dưới như khí quản, phế quản, phổi).

Lượng CO2 phát sinh khoảng 23.100 tấn. Ngoài ra, quá trình đốt rơm rạ trên đồng ruộng còn sản sinh ra nhiều chất độc hại cho sức khỏe và môi trường khác như SO2, NO2, CH4, N2O, carbon đen...

Ô nhiễm lan rộng do đốt rơm rạ

Chất ô nhiễm khi phát tán vào không khí thường được khuếch tán, vận chuyển sang khu vực khác dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, và nhiều yếu tố địa hình, vật cản khác.

Sử dụng mô hình khuếch tán khí quyển ADMS, nhóm tác giả đã tính toán sự lan truyền của hai chất ô nhiễm là bụi PM2.5 và CO2 và trong suốt thời điểm đốt rơm rạ năm 2020. Kết quả cho thấy có những khu vực mặc dù không đốt rơm rạ nhưng vẫn phải hứng chịu ô nhiễm cục bộ khá lớn.

Đặc biệt ở phía Nam thành phố, bao gồm thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Điều đáng chú ý là khu vực sân bay Nội Bài cũng là vùng chịu ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ. Nó gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ đến an toàn bay.

“Đốt rơm rạ là vấn đề gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng do tính chất cục bộ và tập trung trong thời gian ngắn của nó - với cao điểm chỉ trong 7-10 ngày”, nhóm tác giả nhận xét trong báo cáo.

Giá trị nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày (24h) lớn nhất tính toán được theo mô hình là 26,3 μg/m3. Thoạt nhìn, con số này vẫn ở dưới mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) là 50 μg/m3. Nhưng thực tế đây chỉ là phần đóng góp của riêng nguồn đốt rơm rạ.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện các giải pháp trực tuyến và mở như hệ thống cảnh báo bằng mạng xã hội (Facebook, Zalo) nhằm xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố.

Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã hợp đồng chặt chẽ cũng như quy định rõ trách nhiệm các đơn vị và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn. Lượng khói bụi này đã đóng góp vào nguồn gây ô nhiễm không khí cục bộ trong thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận.

Điều đáng mừng là theo kết quả mô hình hóa bằng mô hình khuếch tán, nếu lấy dấu mốc tại thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính 2008, thì trong cả hai giai đoạn 2000 - 2008 và 2009 - 2020, diện tích canh tác và sản lượng lúa thu được trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có xu hướng giảm xuống.

Khi so sánh hoạt động đốt rơm rạ tại Hà Nội trong hai vụ Đông - Xuân và vụ Hè - Thu (hay còn gọi là vụ mùa) trong cùng năm 2020, nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ đốt rơm rạ và lượng chất ô nhiễm phát thải do đốt rơm rạ đã giảm đáng kể.

Kết quả của nghiên cứu này còn đóng góp thêm cho hoạt động xây dựng hệ thống kiểm kê và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố từ năm 2021 do đơn vị/phòng ban chuyên môn, quản lý trực tiếp của thànhphố tự vận hành.

So với những nghiên cứu về kiểm kê phát thải từ đốt rơm rạ đã có, đây là một trong những điểm đóng góp mới của đề tài.

Bằng cách trả lời câu hỏi “Các chất ô nhiễm từ quá trình đốt rơm rạ sẽ di chuyển đi đâu?”, các nhà nghiên cứu đã cung cấp bản đồ trực quan chi tiết đến cấp độ quận huyện, xã, phường, thị trấn và các vùng lân cận đầu tiên, phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách của khu vực công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ