Người phụ nữ 82 tuổi bay vào vũ trụ

GD&TĐ - Bà Wally Funk từng vượt qua các bài kiểm tra phi hành gia của NASA trong Chương trình Dự án Mercury 13.

Nữ phi công Wally Funk luôn ước mơ được lên không gian.
Nữ phi công Wally Funk luôn ước mơ được lên không gian.

Tuy nhiên, phải đến 60 năm sau, bà mới được lên tàu vũ trụ, trở thành người lớn tuổi nhất vượt qua ngưỡng trọng lực của Trái đất.

Ước mơ cháy bỏng

Năm 1961, Wally Funk trong bộ đồ tắm một mảnh bước vào bể cách ly tối đen như mực nhằm kiểm tra sự chịu đựng trong không gian xa thẳm, trước thời điểm NASA chấp nhận các thực tập sinh nữ.

Để thuyết phục cơ quan không gian Mỹ, Wally hiểu rằng cô cần phải ở trong bể lâu hơn các phi hành gia của sứ mệnh Mercury, những người đàn ông được ngồi trong một phòng tối với bút và giấy để không cảm thấy buồn chán. Nhưng không ai trong số những người đàn ông này chịu được quá 3 giờ.

Các nhà nghiên cứu đứng sau cuộc thử nghiệm của Wally cho rằng, không ai có thể chịu được ở bể cách ly hơn 6 giờ. Nhưng vạch sáu giờ đã qua mà Wally vẫn trong bể một cách bình yên. Cuối cùng, người ta phải kéo cô ra vì nữ phi công trẻ còn muốn thử thách lâu hơn.

Cô đã phá kỷ lục, lơ lửng một mình trong bóng tối 10 giờ 35 phút. Thế nhưng, NASA chưa bao giờ đưa cô lên không gian. Phải 60 năm sau, mong ước của cô mới thành hiện thực. Ngày 20/7 vừa qua, Wally mới được bay lên vũ trụ cùng Jeff Bezos, Chủ tịch của Amazon trên tên lửa New Shepard.

Mary Wallace Funk sinh năm 1939, bắt đầu sự nghiệp bay của mình từ rất sớm. Khi còn là một đứa trẻ, Wally Funk đã thích chơi đồ chơi máy bay. Cha mẹ của Wally thường đưa đứa con một tuổi của họ đến một sân bay ở New Mexico để xem máy bay lên xuống. Lúc 7 tuổi, Wally đã làm những chiếc máy bay bằng gỗ balsa.

Cô leo lên buồng lái học bài học đầu tiên về máy bay lúc 9 tuổi. Khi còn là một thiếu niên, Wally đã có bằng lái máy bay. Cô chọn học ở Đại học bang   Oklahoma để có thể bay trong đội hàng không.

Sau khi tốt nghiệp, Funk trở thành nữ giảng viên hàng không duy nhất tại một căn cứ quân sự của Mỹ. “Tôi đã làm mọi thứ mà mọi người không mong đợi ở một cô gái”, Wally nói, “Không có gì mà tôi không thể làm”.

Một ngày nọ, Funk vớ được tờ tạp chí Life, trong đó có bài báo kể về Jerrie Cobb, nữ phi công đang trải qua các bài kiểm tra phi hành gia của NASA. Bài báo có tên là “Một phụ nữ chứng tỏ phù hợp với chuyến bay vũ trụ”. Wally đọc ngấu nghiến tiểu sử Jerrie Cobb và quyết chí tham gia lớp huấn luyện các “phi hành gia nữ”.

Wally Funk không chờ đợi lời mời từ chương trình thực tập sinh dành cho phi hành gia nữ của NASA. Cô viết thư trực tiếp cho nhà khoa học đứng sau cuộc nghiên cứu, Randy Lovelace, người thiết kế các bài kiểm tra phi hành gia của NASA và tự mình quyết định xem liệu phụ nữ có thể làm phi hành gia giỏi hơn nam giới hay không.

Những rào cản

Sau 60 năm, ước mơ vào vũ trụ của Wally Funk đã thành hiện thực.

Sau 60 năm, ước mơ vào vũ trụ của Wally Funk đã thành hiện thực.

Năm 1961, Lovelace mời nữ phi công 22 tuổi tham gia cuộc nghiên cứu. Wally bỏ qua mọi thứ, vội lao đến Albuquerque. Vòng đầu tiên của các bài kiểm tra gồm chụp X quang, khám sức khỏe và một thử thách nuốt 90cm ống cao su. Cô cũng bị bắn nước đá vào tai để gây chóng mặt. Wally chịu đựng được hết, với quyết tâm đi vào vũ trụ.

Vài tháng sau khi vượt qua vòng đầu, Wally đến thành phố Oklahoma để kiểm tra vòng hai, vào bể cách ly. Cuối cùng, cô và 12 phụ nữ khác đã qua được các bài kiểm tra tương tự như các phi hành gia nam của NASA.

Nhưng lúc này cơ quan không gian của Mỹ không cho phép phụ nữ tham gia chương trình vào vũ trụ. Trong khi Wally và các nữ phi hành gia khác đứng ngoài cuộc thì Liên Xô đưa người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1963.

Mãi đến năm 1978, NASA mới nhận phụ nữ vào chương trình đào tạo phi hành gia. Khi cơ quan vũ trụ công bố chính sách mới, Wally cho rằng cô không quá già để lên vũ trụ. Ở độ tuổi 40, Wally đăng ký tham gia chương trình đào tạo 4 lần nhưng đều bị NASA từ chối.

Lần này, không phải vì giới tính của Wally, mà do NASA đòi hỏi các phi hành gia phải có bằng kỹ sư. Bằng cử nhân của Funk không đáp ứng được yêu cầu. Nhưng khi đi đăng ký học chương trình kỹ sư, Wally được nói: “Bạn là một cô gái, hãy về nhà đi”.

Từ đó, Wally dành thời gian cống hiến hết mình cho sự nghiệp hàng không. Cô trở thành nữ thanh tra an toàn đầu tiên của Cục Hàng không Liên bang và tiếp tục tăng số giờ bay, với hơn 19.000 giờ. Wally cũng tiếp tục làm công việc hướng dẫn, huấn luyện bay cho hàng trăm người.

Năm 1983, Wally chứng kiến Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Và vào năm 1995, Eileen Collins trở thành người phụ nữ đầu tiên chỉ huy một sứ mệnh tàu con thoi. Collins đã mời 7 trong số 13 phụ nữ ứng viên của dự án Mercury đến tham dự buổi phóng.

“Cao hơn, nhanh hơn, lâu hơn - đó là phương châm của tôi,” Wally nói, “Tôi có thể ra ngoài đó và làm bất cứ điều gì”. Wally Funk chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đi vào vũ trụ. Trong những năm 2010, bà đã mua một vé trên SpaceShipTwo của Virgin Galactic và dành nhiều năm để hình dung mình là một phi hành gia bay vào vũ trụ.

Đến tháng 7/2021, Jeff Bezos mời Wally Funk 82 tuổi cùng lên phi thuyền của Blue Origin, công ty vũ trụ do ông ta thành lập. Hơn 60 năm sau khi vượt qua các bài kiểm tra huấn luyện phi hành gia, Wally cuối cùng cũng đã được lên vũ trụ.

Vào lúc 13 giờ, giờ GMT, ngày 20/7/2021, trên phi thuyền Blue Origin được phóng lên bằng tên lửa đẩy New Shepard, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cùng 3 phi hành gia khá đặc biệt thực hiện chuyến bay 11 phút vào không gian. Những người này gồm anh trai của ông, Mark Bezos; một sinh viên 18 tuổi người Hà Lan Oliver Daemen và nhà tiên phong hàng không 82 tuổi Wally Funk.
Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…