Lúa ngoại lai khổng lồ cao 2m: Đừng thấy “to” mà tưởng lợi!

GD&TĐ - Loại lúa khổng lồ cao trên 2m của Trung Quốc được cho là ít có giá trị thực tiễn bởi tính hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Lúa có kích thước khổng lồ được phát triển ở Trung Quốc.
Lúa có kích thước khổng lồ được phát triển ở Trung Quốc.

Rơm rạ nhiều hơn hạt lúa

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), loài lúa khổng lồ vừa được nước này trồng ở Trùng Khánh với diện tích khoảng 10 nghìn m2 sẽ cho thu hoạch vào đầu tháng 9 này.

Theo ông Chen Yangpiao, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai Trung Quốc chi nhánh Trùng Khánh, năng suất của giống lúa khổng lồ này từ 750 - 900kg/mẫu. Thân lúa cao và cứng cáp, có khả năng chống ngập úng và đất mặn. Chiều cao trung bình của mỗi cây lúa khổng lồ này là từ 1,8m đến 2,25m, cao hơn nhiều so với các giống lúa thông thường.

Theo ông Chen, do có thân cao nên dưới tán lúa khổng lồ là môi trường sống cho các loài thủy sinh và động vật có vú. Nhờ thân lúa cao, người trồng cũng có thể trữ nước trong ruộng từ 60 - 80cm. Người dân có thể nuôi thêm cá, tôm hoặc cua trong ruộng lúa khổng lồ nếu muốn.

Ngoài ra, đây là giống lúa có thân cuống rất cứng cáp và có khả năng chống chịu được ngập úng và phát triển tốt trên đất phèn mặn. Đặc biệt giống lúa khổng lồ này cũng có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho hệ thực vật ở xung quanh và là môi trường tốt cho các loài thủy sinh và động vật trú ẩn bên dưới.

“Khi những chân ruộng cấy “lúa khổng lồ” có độ sâu từ 60 - 80 cm nước, sẽ rất thuận lợi để nông dân kết hợp nuôi thả cá, tôm hoặc cua. Dự kiến sắp tới, hàng nghìn cánh đồng sẽ tiến hành sản xuất giống lúa này”, theo ông Chen.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, giống lúa khổng lồ này không phải là giống mới. Đây là giống lúa tứ bội do ông Viên Long Bình (cha đẻ của ngành lúa lai ở Trung Quốc mới qua đời vào tháng 5/2021) làm ra vào năm 2011; là giống lúa có ý nghĩa về khoa học, nhưng ít mang tính ứng dụng trên thực tế.

Một số nguyên nhân được PGS.TS Nguyễn Văn Hoan phân tích: Hệ số thu hoạch của giống lúa khổng lồ này rất thấp. Thông thường, số thóc thu được trên tổng số sinh khối của cây lúa phải đạt 50% trở lên mới đem lại hiệu quả cho người nông dân.

Ví dụ, thu hoạch được 10 tấn sinh khối gồm cả rơm rạ và hạt lúa, thì phải có 5 tấn thóc trở lên mới tạo ra lợi nhuận. Nhưng hệ số này ở giống lúa khổng lồ rất thấp, chỉ đạt từ 35 - 40%.

Giống lúa tứ bội này thân rất to (bằng ngón tay út), lá to, vỏ trấu dày trong khi hạt gạo lại không quá lớn, chỉ nặng hơn hạt gạo bình thường khoảng 20% (hạt gạo thông thường là 25g thì hạt gạo tứ bội đạt khoảng 30g). Điều này dẫn đến, mỗi kilogam thóc chỉ cho khoảng 0,6kg gạo, trong khi gạo thông thường đạt 0,8kg.

Để chăm sóc cây lúa với chiều cao như vậy, người nông dân phải đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới… cao hơn gấp 3 lần so với lúa lai thông thường. Hệ số thu hoạch thấp, phần rơm rạ quá nhiều là những lý do khiến giống lúa này ít có khả năng nhân rộng.

“Có ý tưởng cho rằng trồng lúa để lấy sinh khối nuôi trâu bò. Nhưng sinh khối của cây ngô đạt năng suất cao hơn rất nhiều, nên ý tưởng không khả thi”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đang cố gắng cải tiến các tính năng của cây lúa khổng lồ này, tuy nhiên đến nay, giống lúa này chỉ dừng ở mức là một đột phá khoa học. 

Trồng lúa nhân tạo cũng ít khả thi

Cũng vừa mới đây, Viện Nông nghiệp Đô thị thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc gia Trung Quốc và đạt được thành tựu lớn trong một vụ thu hoạch lúa chỉ với 60 ngày, ở môi trường khu vực thử nghiệm. Trong khi cây lúa bình thường phải mất 110 - 120 ngày mới cho thu hoạch.

Trong thử nghiệm, những cây lúa được trồng trong một khu vực có ánh sáng nhân tạo hoàn toàn với các giá thể bốn lớp. Nguồn sáng LED với quang phổ tùy chỉnh được sử dụng để cung cấp môi trường ánh sáng tốt nhất cho các thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây lúa. Chúng cũng được cung cấp các dung dịch chứa chất dinh dưỡng, cho phép cung cấp chính xác các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của các thời kỳ.

Đồng thời, các yếu tố môi trường bên trong nhà xưởng cây trồng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ carbon dioxide… cũng được điều chỉnh chính xác nhằm mang lại môi trường sinh trưởng tốt nhất cho từng giai đoạn sinh trưởng.

Trong môi trường thí nghiệm, bằng cách điều chỉnh môi trường và chất dinh dưỡng, các nhà khoa học có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ quang hợp của cây trồng, gây ra hoa sớm và thúc đẩy cây trồng phát triển nhanh, rút ngắn đáng kể chu kỳ sinh trưởng và dễ dàng đạt được việc tạo giống nhanh.

Hệ thống tăng tốc nhân giống này cũng không bị hạn chế bởi điều kiện đất đai, không gian và khí hậu. Toàn bộ hệ thống này có thể được xây dựng gần tòa nhà phòng thí nghiệm hoặc đơn vị nhân giống, và có thể được sử dụng để nhân giống thế hệ bổ sung trong suốt cả năm.

Về đột phá trong trồng lúa, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, việc rút ngắn đến 40% thời gian sinh trưởng đối với cây lúa thực sự là một cuộc cách mạng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các yếu tố này chỉ có được khi thực hiện ở môi trường nhân tạo hoàn toàn.

Trong điều kiện nhà lưới, ánh sáng nhân tạo, gió, nước tưới, mưa… đều nhân tạo thì khả năng điều khiển thời gian sinh trưởng của cây lúa không khó. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không khả thi bởi chi phí để nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo quá tốn kém.

“Tính riêng chi phí để đầu tư hệ thống chiếu sáng, nhà xưởng, nước tưới tự động… cũng đắt hơn nhiều việc trồng lúa ngoài tự nhiên dù thời gian sinh trưởng dài hơn. Nghiên cứu dạng như thế mang tính khoa học để nghiên cứu hơn là tính ứng dụng.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu trong lĩnh vực lúa đều phải xuất phát từ thực tiễn để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Việc làm ra các giống lúa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chất lượng cao... trong điều kiện đồng ruộng cụ thể vẫn là mục tiêu hướng tới của các nhà khoa học”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.