Không hiểu gió khó tránh bão an toàn

GD&TĐ - Ai cũng biết về bão. Nhưng hiểu về nó thì không nhiều. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo, cần phải hiểu về bão để phòng tránh hiệu quả.

Không hiểu gió khó tránh bão an toàn

Cần quan tâm đến bán kính gió mạnh

Đợt lũ lụt tại miền Trung tháng 11/1999 được xác định là cao nhất từ trước đến nay. Nó xảy ra do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới.

Đợt lũ lụt lịch sử đó đã nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm 595 người chết và thiệt hại tài sản lên đến gần 3.800 tỷ đồng. Thế nhưng, đợt mưa lũ 2020 tại miền Trung với nhiều con số thống kê còn cao hơn.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, thiên tai thời gian qua cho thấy, thời tiết ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Chúng ta chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng, nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn. Nhiều mưa lớn cục bộ, lũ lụt sâu, diện rộng và kéo dài.

Ông Trần Quang Năng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, thực tế, khi nghe thông tin, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm. Đa số chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của nó. Ít người để ý đến gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão. Đây là một quan niệm rất sai lầm.

Bởi nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Ví dụ như cơn bão số 2 năm 2004, lúc 9 giờ 30 phút sáng 12/6/2004. Khi đó, tâm vẫn nằm ở ngoài biển, nhưng vùng có gió mạnh cấp bão đã vào sâu trong đất liền.

Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng với bán kính khoảng 50 km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ. Nó có thể tới hơn 150 km đối với một cơn bão lớn.

Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500 km trong một cơn bão lớn. Chính vì vậy, ngoài thông tin về vị trí tâm và cường độ, cần phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.

“Khi bão trong giai đoạn trưởng thành trên biển nó ít di chuyển. Thời điểm đó, ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với cơn bão là cân bằng. Vì thế, vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn.

Bão di chuyển, đồng nghĩa môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó. Hoặc khi đang suy yếu, bị ảnh hưởng của địa hình, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh…) thì vùng gió mạnh quanh tâm bão sẽ không còn tròn và trở nên phức tạp”, ông Trần Quang Năng cho biết.

Nguy hiểm của gió mạnh trong bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, gió từ cấp 1 đến cấp 6 - 7 là gió nhẹ, cây cối rung chuyển, khó đi ngược gió, biển động nhẹ. Gió cấp 8 - 9 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà, gây thiệt hại về nhà cửa, không thể đi ngược gió, biển động mạnh, nguy hiểm với tàu thuyền.

Bão cấp 10 - 11 làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện, biển động dữ dội, làm đắm tàu biển. Bão cấp 12 đến 17 là cấp cực kỳ nguy hiểm, sức phá hoại lớn, sóng biển cực kỳ mạnh, đánh đắm tàu có trọng tải lớn, tốc độ gió lên đến 22km/h và độ cao sóng biển lên đến 14m.

Đặc biệt, gió mạnh trong bão còn kèm theo gió giật (thực tế trong nhiều cơn bão thì gió giật lớn hơn gió mạnh trung bình trong bão khoảng 2 - 3 cấp) rất nguy hiểm và có sức tàn phá lớn. Gió mạnh trong bão có thể dễ dàng làm đổ các nhà xưởng không kiên cố, nhà tạm, nhiều mảnh vỡ (các biển báo, mái nhà…) bị gió thổi bay và trở thành vật nguy hiểm.

Theo chuyên gia, điều cần nhớ khi đọc bản tin dự báo là gió mạnh có thể bắt đầu từ khi tâm bão còn cách xa địa phương nơi bạn ở hàng trăm km. Đặc biệt gió mạnh trong bão còn kèm theo gió giật. Thực tế trong nhiều cơn bão thì gió giật lớn hơn gió mạnh trung bình trong bão khoảng 2 - 3 cấp.

Gió mạnh trong bão có thể dễ dàng làm đổ các nhà xưởng không kiên cố, nhà tạm, nhiều mảnh vỡ (các biển báo, mái nhà…) bị gió thổi bay và trở thành vật nguy hiểm. Hơn nữa, cây đổ, cột điện đổ, các hệ thống đường ống ngầm có thể bị hỏng (do cây bị bật rễ) là những nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể.

Các nhà cao tầng cũng dễ bị thiệt hại bởi gió mạnh trên cấp 12, đặc biệt ở những tầng cao. Cửa sổ của các nhà cao tầng có nguy cơ bị bật ra, do đó khu vực xung quanh các nhà cao tầng cũng rất nguy hiểm.

Trong các cơn giông thường có tố, lốc, mưa đá. Bão cũng có thể coi là một cơn giông có quy mô rất lớn. Các cơn bão mạnh cũng có thể gây nên tố, lốc làm tăng thêm mức độ tàn phá của bão. Tố, lốc thường xảy ra ở cung phần tư phía trước bên phải (so với hướng di chuyển) của bão. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xảy ra trong các dải mưa cách xa tâm bão.

Hiện tại, chưa có phương pháp nào để xác định xem cơn bão có tạo nên tố, lốc hay không, hoặc chúng sẽ xảy ra ở đâu. Vì thế, cách duy nhất có thể làm là sẵn sàng phòng chống. Có thể nhận diện, tố, lốc trong bão thường không kèm theo mưa đá và sấm sét.

Tố, lốc có thể xảy ra vài ngày sau khi bão đổ bộ, khi mà bão chỉ còn là một vùng thấp có hoàn lưu xoáy thuận. Chúng có thể phát triển vào bất cứ thời gian nào trong ngày trong lúc bão đổ bộ. Trước khi bão đổ bộ hoặc xuất hiện sau khi bão đổ bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.