Dùng thực tại ảo để trị bệnh tâm thần

GD&TĐ - Một phương pháp mới trị các hội chứng lo âu và bệnh tâm thần đang được các bác sĩ và chuyên viên tâm thần kinh áp dụng đã cho kết quả bước đầu khá tốt. Đó là “phương pháp thực tại ảo” (Virtual Reality-VR). Chi phí điều trị và mua sắm trang thiết bị ngày càng rẻ nhờ các công ty khởi nghiệp (start-up) được thành lập bởi các “nhân viên cũ” của những người khổng lồ công nghệ tách ra. Nhà báo y tế Jason Henry của tờ The New York Times đã có bài viết về vấn đề này.

Dùng thực tại ảo để trị bệnh tâm thần

Từ câu chuyện của Limbix và bác sĩ Dawn Jewell

Myla Fay, nhà thiết kế sản xuất cho công ty khởi nghiệp (start-up) Limbix tại Silicon Valley vừa tiến hành cuộc thử nghiệm mang tính đột phá: ứng dụng kỹ thuật VR trong điều trị bệnh tâm thần.

Tại văn phòng công ty ở Palo Alto, California (Mỹ), người tham gia thử nghiệm được đội một headset Daydream View của Google. Thông qua phần mềm chuyên dụng và heaset, các nhà trị liệu tâm thần hy vọng sẽ giúp bệnh nhân của họ thoát khỏi triệu chứng lo lắng kinh niên làm giảm chất lượng cuộc sống.

Một trong những người đi tiên phong dùng liệu pháp mới là bác sĩ Dawn Jewell làm việc tại bang Colorado (Mỹ). Mới đây, ông đã nhận điều trị cho một bệnh nhân luôn bị ám ảnh bị xe đụng khiến việc một mình đi lại hết sức khó khăn, phải lệ thuộc vào người khác. Hầu như bệnh nhân không thể quay trở về chỗ ông từng chứng kiến một tai nạn giao thông, ngồi sau tay lái lại càng không thể vì những hình ảnh khủng khiếp của tai nạn cứ lưu giữ mãi trong đầu.

Ông đã thăm khám nhiều nơi và trải qua nhiều liệu pháp nhưng ký ức đau buồn vẫn đeo bám. Bác sĩ Jewell quyết định thử dùng kỹ thuật điều trị mới có tên “exposure therapy” (liệu pháp phô bày), với mục tiêu là “reset” lại cảm xúc của bệnh nhân bằng nhiều lần đến nơi xảy ra tai nạn (trên bản đồ đường phố Google chứ không phải đến hiện trường), đối đầu trực diện với nó chứ không tránh né. Ông dùng phần mềm chuyên dụng và heatset như phương tiện điều trị.

Jewell thuộc số các chuyên viên trị liệu tâm thần tham gia thử nghiệm “liệu pháp phô bày” vẫn còn trong giai đoạn phôi thai do Limbix sáng chế với công cụ nòng cốt là Daydream View hoạt động song hành với một smartphone.

“Liệu pháp mới giúp bệnh nhân nhìn thẳng vào biến cố tác động lên sức khoẻ tâm thần của họ trong thế giới ảo một cách an toàn và không gây sốc. Bác sĩ cùng họ đến vị trí ảo và thông qua Daydream View kết nối, bệnh nhân sẽ thoải mái kể cho bác sĩ họ cảm thấy thế nào và nghĩ gì trong đầu tại nơi mà trước đây họ không dám đến” – Jewell nói.

Chính bản đồ đường phố Street View, kho dữ liệu hình ảnh khổng lồ cập nhật thường xuyên của công ty Google đã giúp tạo lại hiện trường ảo đường sá với góc nhìn đa chiều. Sử dụng liệu pháp VR, Jewell đã trị liệu thành công cho một bệnh nhân thứ hai mắc chứng lo lắng vu vơ sau khi bị một người khác gây chấn thương bên ngoài một chung cư.

Liệu pháp này còn được dùng để chữa trị những ám ảnh tâm thần kinh khác như sợ độ cao, sợ qua cầu bằng cách tạo ra những không gian ảo (cầu hay toà nhà cao tầng) mà bệnh nhân có cảm giác như mình đang có mặt tại đó. Bệnh nhân nghiện rượu được đưa đến quán bar ảo để họ nhớ lại cảnh cũ thường gặp và cai nghiện thuận tiện hơn.

Được rót vốn bởi công ty đầu tư Sequoia Capital, Limbix chưa được 1 tuổi. Hai đồng sáng lập kể cả giám đốc điều hành Benjamin Lewis từng làm việc trong bộ phận nghiên cứu phát triển VR của Google và mạng xã hội Facebook. Phần cứng và phần mềm dùng cho liệu pháp tâm thần mới cũng rất trẻ, nhưng VR và “liệu pháp phô bày” đã có hơn 20 năm nghiên cứu phát triển và thử nghiệm tại các bệnh viện. Limbix chỉ kế thừa, cải tiến và ứng dụng vào thực tế.

Ưu thế của “liệu pháp phô bày”

Vào thời điểm mà các headset như Daydream và Oculus của Facebook vẫn còn loay hoay chinh phục các tín đồ game trên thế giới và các lĩnh vực khác, tâm thần được xem là lĩnh vực mà các chuyên viên y khoa và máy tính tin rằng nó sẽ giúp sinh lời trong tương lai gần cho kỹ thuật VR.

Quay lại năm 1995, các thử nghiệm tại bệnh viện cho thấy VR có thể loại bỏ được hội chứng sợ và các hội chứng khác như “rối loạn stress sau chấn thương” (PTSD) chẳng hạn.

Trong cách điều trị truyền thống, các bác sĩ chữa bệnh bằng cách đề nghị bệnh nhân tưởng tượng ra cái làm cho họ sợ khi đối mặt, nói rõ hơn là tái hiện trong đầu (bằng tưởng tượng) tình trạng gây ra nỗi sợ cho bệnh nhân. VR đi một bước xa hơn là tạo ra cả một hiện trường ảo chứ không phải tưởng tượng.

“Đây chính là ưu thế của VR khi bác sĩ không cần bắt bệnh nhân tưởng tượng mà bản đồ Google đã giúp tạo ra một không gian ảo ngay trong mắt họ” - Skip Rizzo, chuyên viên tâm thần kinh giảng dạy tại Đại học University of Southern California, người có kinh nghiệm với “liệu pháp phô bày” từ 20 năm nay nói.

Barbara Rothbaum cũng thuộc số người thử nghiệm đầu tiên kỹ thuật VR tại trường Y Đại học Emory ở Atlanta thông qua công ty Virtually Better chuyên cung cấp phần mềm và phần cứng “liệu pháp phô bày” cho các bác sĩ và bệnh viện từ khi headset mới ra đời.

Bà cho biết kỹ thuật VR có tác dụng không thua gì việc giải thoát nỗi sợ bay cho bệnh nhân bằng những chuyến đi đến phi cảng nhưng đỡ tốn công sức và tiền bạc hơn. Số ca thành công chiếm đến 90%. Kỹ thuật VR cũng rất tốt đối với các cựu chiến binh bị ám ảnh bởi cuộc chiến họ đã trải qua.

Nhà sáng lập Oculus, Palmer Luckey, từng biểu diễn headset VR Oculus Rift và bộ điều khiển Oculus Touch cầm tay vào năm 2015; nay, những headset “nói chuyện” được với điện thoại thông minh như Daydream của Google hay Oculus của Facebook có giá 400 USD đã giúp kỹ thuật VR phổ biến hơn trong y khoa. Virtually Better còn sáng chế những headset cao cấp có giá bán vài ngàn USD. Tuy nhiên, Limbix và các công ty start-up như Psious của Tây Ban Nha nhắm vào các khách hàng ít tiền với phần cứng và phần mềm trị liệu rẻ hơn nhiều nhưng chất lượng vẫn bảo đảm.

Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…