Đừng ảo tưởng về tác dụng của Đông trùng hạ thảo

GD&TĐ - Đông trùng hạ thảo thực sự rất quý hiếm, hiện gần như không còn. Loại Đông trùng hạ thảo được quảng cáo, bán nhan nhản trên thị trường không có những tác dụng thần kỳ như nhiều người lầm tưởng.

Đông trùng hạ thảo thực sự rất quý hiếm.
Đông trùng hạ thảo thực sự rất quý hiếm.

Ảo tưởng chống ung thư

Gần đây, hàng loạt vụ việc các cơ sở kinh doanh, quảng cáo Đông trùng hạ thảo không đúng với thực tế bị xử phạt. Ở góc độ người tiêu dùng, hiểu biết về mặt hàng này còn hạn chế, trong khi quảng cáo về chúng thì rất nhiều với những tác dụng thần kỳ như có thể chống ung thư, ngăn lão hóa, tăng cường miễn dịch… Liệu Đông trùng hạ thảo có thực sự thần kỳ như thế.

Trăn trở nhiều năm về điều này, GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng, đáng tiếc là nhiều người không hiểu song lại vẫn tin tưởng và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua Đông trùng hạ thảo về dùng.

Đông trùng hạ thảo được hình thành từ hiện tượng ấu trùng các loài bướm thuộc chi Thitarodes bị nấm thuộc chi Ophiocordyceps và/hoặc Cordyceps ký sinh.

Đó là một dạng ký sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Thitarodes. Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải - Tây Tạng) và Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nhưng hiện nay còn lại rất ít, gần như vô cùng hiếm gặp.

Loại Đông trùng hạ thảo bán trên thị trường hiện nay đa phần là nhân nuôi nấm trên con tằm. Bản chất của Đông trùng hạ thảo thực sự khác hẳn với việc phun nấm lên con nhộng tằm. Về hình thức, vỏ của con sâu giữa Đông trùng hạ thảo và con nhộng tằm là giống nhau, có lẽ vì thế mà người ta lầm tưởng rằng chúng là một.

Do đó, tác dụng cũng khác nhau. Đông trùng hạ thảo nguyên bản đúng là có những hoạt chất hiếm gặp thậm chí có thể ức chế hàng nghìn tế bào ung thư. Nhưng loại Đông trùng hạ thảo phổ biến trên thị trường hiện nay thì không có hoạt chất đó, hoặc có thì cũng cực kỳ ít, chỉ giống như các loại thực phẩm ăn hàng ngày có dưỡng chất tốt cho cơ thể mà thôi.

GS Bùi Công Hiển cho biết, thành phần chính của Đông trùng hạ thảo là Cordicepin có khả năng ức chế tế bào ung thư, cùng rất nhiều khoáng chất khác. Nhưng đó phải là đông trùng hạ thảo thực sự khai thác ngoài tự nhiên.

Còn đa số đông trùng hạ thảo hiện trên thị trường là người ta phun nấm lên con nhộng tằm rồi gọi tên là Đông trùng hạ thảo. Về hình thức thì có vẻ giống, nhưng hoạt chất thì khác và không có tác dụng chữa, chống ung thư như nhiều nơi quảng cáo.

Đọc kỹ thành phần dược chất

GS Bùi Công Hiển cho biết, thành phần chính của Đông trùng hạ thảo là Cordicepin có khả năng ức chế tế bào ung thư, cùng rất nhiều khoáng chất khác. Trong khi đó thì ở loại Đông trùng hạ thảo làm từ nhộng tằm cũng có dược chất tốt cho sức khỏe, nhưng chỉ là một phần cực nhỏ so với Đông trùng hạ thảo thực sự.

Trong phòng thí nghiệm hoặc bằng cách nào đó, người ta cũng có thể tạo ra một hoạt chất giống y như thế này, nhưng chắc chắn tác dụng sẽ không giống. Khoa học sinh hóa thế giới dù có mạnh đến đâu cũng không làm được. Là bởi dù thành phần như thế, nhưng cấu trúc không gian, liên kết của từng phân tử khác nhau là đã cho ra hoạt tính sinh học khác nhau.

GS Bùi Công Hiển cũng cho biết, giá thành sản xuất nhộng trùng thảo dưới cái mác “Đông trùng hạ thảo” hiện nay cực kỳ rẻ và đơn giản. Một nong tằm mua của người nông dân có giá khoảng 500.000 đồng (có khoảng vài nghìn con), sau đó phun nấm lên và ủ trong khoảng từ nửa tháng đến 1 tháng là cho ra sản phẩm, đóng hộp đem bán.

Giá thành phẩm hết khoảng 1 - 2 triệu đồng và cho ra khoảng chục cân sản phẩm nhộng trùng thảo. Vậy mà họ bán với giá khoảng 60 triệu đồng/kg trên thị trường. Đó là điều rất bất hợp lý. Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua Đông trùng hạ thảo, trong khi chất lượng nó thế nào thì chỉ người bán hàng mới biết được.

Tôi đặt câu hỏi, liệu có thể phân biệt được bằng cảm quan giữa Đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo, GS Bùi Công Hiển cho rằng điều này rất khó vì hình thức nó giống hệt nhau. Thứ nhất là không ai phân loại côn trùng bằng ấu trùng, thứ hai là mẫu đã chế biến, sao tẩm thì khó phân biệt, dù đó là con sâu rau, sâu hại bắp cải rau muống… thì trông cũng như thế mà thôi.

Vậy dưỡng chất của nhộng trùng thảo có tốt không? Vì chưa có công bố nào về thành phần của nhộng trùng thảo nên rất khó biết.

Theo GS Bùi Công Hiển thì chưa nói đến bổ dưỡng, con tằm có rất nhiều loại bệnh, nấm ký sinh, nếu không được xử lý thì chính các loại nấm ký sinh đó làm thành “đông trùng hạ thảo” có thể gây những tác hại chứ chưa nói gì đến bổ dưỡng.

Người nuôi tằm thường kiêng kị việc để người lạ đi vào khu nuôi tăm vì “kiêng hơi”, “kiêng vía” chính là các bệnh do vi khuẩn xâm nhập rất dễ lây lan, làm chết tằm. Không cẩn thận, trong chính con “Đông trùng hạ thảo” mà nhiều người mua về bổ dưỡng ấy cũng sẽ nhiễm các loại nấm đó.

Theo TS Phạm Văn Nhạ, Viện Bảo vệ thực vật, hiện các phòng phân tích ở Việt Nam đều có thể phân tích được thành phần của Đông trùng hạ thảo.

Tuy nhiên, việc phân biệt sản phẩm Đông trùng hạ thảo nuôi trồng hay tự nhiên rất khó, thậm chí các nhà khoa học cũng không phân biệt được, vì cấu trúc giống nhau. Khi đem đi phân tích hàm lượng có thể cũng giống nhau nhưng chắc chắn là chất lượng sẽ khác nhau.

Trên thế giới không ai công bố thành phần dinh dưỡng của sản phẩm nuôi trồng là bao nhiêu, tự nhiên là bao nhiêu, nó khác nhau như thế nào. Đông trùng hạ thảo trên thị trường được quảng cáo là Đông trùng hạ thảo Tây Tạng với giá bán hàng tỷ đồng mỗi kg mà chất lượng như thế nào thì rất khó kiểm soát.

“Việc sử dụng Đông trùng hạ thảo về cơ bản không gây độc, nhưng tác dụng sẽ không như quảng cáo. Người dùng nên cân nhắc khi bỏ số tiền vài chục triệu đồng/kg để mua bởi nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác cũng có giá trị không khác gì Đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm” - GS Bùi Công Hiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.