Dọn rác vũ trụ, ngành công nghiệp béo bở

GD&TĐ - Đầu tháng 12, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã ký hợp đồng trị giá 86 triệu euro (102 triệu USD) với một nhóm công nghiệp do Công ty khởi nghiệp ClearSpace SA của Thụy Sĩ điều hành.

“Rác” vũ trụ trong Quỹ đạo Trái đất thấp (LOE). 	Ảnh: AFP
“Rác” vũ trụ trong Quỹ đạo Trái đất thấp (LOE). Ảnh: AFP

Theo đó, Clearspace sẽ phụ trách dọn dẹp các mảnh vỡ không gian đầu tiên và đưa chúng từ quỹ đạo về Trái đất. 

Động thái chưa từng có

Ngày 1/12, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan về tình trạng dự án, giải thích thiết kế sứ mệnh đầy tham vọng này, cũng như trình bày chi tiết những bước tiếp theo để đi đến quá trình khởi động dọn rác vũ trụ.

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng, hàng trăm nghìn mảnh vỡ không gian quay quanh hành tinh - bao gồm cả tấm gương bị mất của phi hành gia - là mối đe dọa đối với các vệ tinh đang hoạt động và thậm chí là cả Trạm vũ trụ quốc tế. Trước bối cảnh này, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề.

Vật thể sắp được đưa ra khỏi quỹ đạo là một bộ chuyển đổi trọng tải Vespa (Vega Secondary Payload Adapter). Công cụ này được sử dụng để giữ và sau đó phóng vệ tinh vào năm 2013. Vespa nặng khoảng 112 kg.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng không gian 19 + của ESA, các nhà lãnh đạo đã trao khoản hỗ trợ cho ESA. Nhờ đó, tổ chức này có thể ký hợp đồng dịch vụ với một nhà cung cấp thương mại, nhằm di chuyển an toàn vật thể không hoạt động này khỏi quỹ đạo thấp của Trái đất.

Sau một quá trình cạnh tranh, nhóm công nghiệp do ClearSpace SA điều hành đã được cho phép gửi đề xuất cuối cùng. Theo ESA, thông qua hợp đồng này, một cột mốc quan trọng trong việc thiết lập một lĩnh vực thương mại mới trong không gian sẽ được hình thành. ESA tham gia đảm nhận sứ mệnh và đóng góp kiến ​​thức chuyên môn chính.

Đây được coi là một phần của dự án Chủ động loại bỏ mảnh vỡ/Dịch vụ trong quỹ đạo (ADRIOS) thuộc Chương trình An toàn Không gian của ESA. ClearSpace SA sẽ nhận được phần chi phí còn lại của sứ mệnh thông qua các nhà đầu tư thương mại.

Theo tạp chí Science et Avenir (Pháp), đây là thương vụ đầu tiên trên thế giới liên quan đến công việc dọn dẹp rác trên quỹ đạo tầm thấp. Trao đổi với hãng tin AFP, ông Eric Morel de Westgayer - Giám đốc phụ trách công nghiệp và mua sắm của ESA cho biết: “Chưa bao giờ chúng tôi giao hợp đồng lớn như vậy cho một công ty khởi nghiệp nhỏ”.

Số lượng mảnh vỡ đang gia tăng

Mô phỏng ClearSpace-1. Ảnh: Clearspace.
Mô phỏng ClearSpace-1. Ảnh: Clearspace.

Sự lộn xộn trong không gian hiện được cho là trở ngại đối với việc khám phá không gian hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm cách khắc phục hiệu quả. Trong thập kỷ qua, không ít quốc gia đã tham gia “cuộc chiến không gian”. Họ triển khai các vệ tinh và công nghệ của riêng mình. Tuy nhiên, chính những động thái này đã làm tắc nghẽn và lấp đầy không gia bằng các mảnh vỡ.

Theo DailyMail, có khoảng 160 triệu mảnh vụn vũ trụ xung quanh Trái đất. Những mảnh này bị hút bởi lực hấp dẫn của Trái đất. Do đó, chúng quay tròn xung quanh hành tinh của chúng ta với tốc độ lên tới 18.000 dặm một giờ.

Các nhà khoa học lo ngại rằng, những mảnh vỡ như vậy có khả năng tạo ra một phản ứng phá hủy dây chuyền. Theo đó, thiệt hại đối với một vệ tinh có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng tới công nghệ vệ tinh toàn cầu trên quy mô lớn.

Trong trường hợp các kết nối vệ tinh của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, con người sẽ mất quyền truy cập vào công nghệ bản đồ. Đây là công cụ giúp điều hướng trên khắp thế giới dễ dàng hơn. Ngoài ra, liên lạc di động cũng như dự báo   thời tiết cũng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Theo các thống kê, có 2.800 vệ tinh hiện quay quanh Trái đất. Trong khi đó, 3.000 vệ tinh chết cũng quay quanh Trái đất. Các nhà khoa học và kỹ sư đã đưa ra một kế hoạch: Một công cụ móc trong không gian sẽ khiến các vệ tinh “chết” không thể tồn tại và đẩy chúng trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Một khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất, những vệ tinh này sẽ cháy.

Được biết, ClearSpace-1 sẽ di chuyển mảnh vỡ của Vespa. Vật thể này đã bị bỏ lại trong quỹ đạo thải dần khoảng 801 km x 664 km, tuân thủ các quy định về giảm thiểu mảnh vỡ vũ trụ.

Với khối lượng 112 kg, Vespa có kích thước gần bằng một vệ tinh nhỏ. ClearSpace-1 sẽ chứng minh khả năng kỹ thuật và năng lực thương mại để tăng cường đáng kể tính bền vững lâu dài của tàu bay vũ trụ. Sứ mệnh được hỗ trợ trong Chương trình An toàn Không gian của ESA có trụ sở tại trung tâm hoạt động ESOC của cơ quan ở Darmstadt (Đức).

Các công ty từ nhiều quốc gia châu Âu đang tham gia vào sứ mệnh      ClearSpace-1. Trong khi đó, nhóm công nghiệp dẫn đầu là ClearSpace SA. Bên cạnh đó, việc thực hiện sứ mệnh được góp sức từ các doanh nghiệp ở các quốc gia như: Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha và Romania.

Trong gần 60 năm hoạt động trong không gian, hơn 5.550 vụ phóng đã dẫn đến khoảng 42.000 vật thể được theo dõi trên quỹ đạo. Trong đó, khoảng 23.000 vật thể vẫn ở trong không gian và thường xuyên được theo dõi.
Theo thống kê của ESA, tỷ lệ phóng hằng năm trung bình ngày nay là gần 100. Và, trong lịch sử, có khoảng 4 - 5 vụ vỡ tiếp tục xảy ra với tốc độ trung bình mỗi năm. Theo ESA, số lượng vật thể mảnh vỡ trong không gian sẽ tiếp tục tăng đều đặn.
Theo Startupticker; Wionews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ