“Đá chữa bệnh Gwisamonsok”: Đánh vào lòng tham và sự huyễn hoặc

GD&TĐ - Một loại đá được gọi tên là Gwisamonsok được truyền tai với rất nhiều “tính năng” hấp dẫn như thải độc, phát sinh trường năng lượng tốt, giải tỏa những điều xấu, có thể chữa bệnh, tăng cường sức khỏe… Thực tế, đây là chiêu lừa khá phổ biến hiện nay.

Loại đá được mô tả là có thể chữa bách bệnh. Ảnh: IT
Loại đá được mô tả là có thể chữa bách bệnh. Ảnh: IT

Đánh vào sức khỏe và lòng tham

Bà Phạm Huyền My (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây nhóm bạn trong tổ dân phố bàn tán về loại đá có tác dụng tăng cường sức khỏe rất thần kỳ. Theo giới thiệu của những người bán thì viên đá hình lục giác này có nhiều tác dụng. Nếu đeo nó vào người thì tăng cường sức khỏe. Nếu cho vào nồi cơm, luộc rau, nước uống… thì viên đá sẽ thải độc rất hữu hiệu.

Theo quảng cáo của người bán hàng, sản phẩm được làm từ 13 loại đá khác nhau. Nó có tác dụng thải độc trong rau củ và bảo vệ sức khỏe. Khi nấu ăn, chỉ cần cho viên đá vào đun cùng là độc tố sẽ tan biến hết. Hoặc thả viên đá vào cốc nước uống là những chất độc hại sẽ được xử lý triệt để.

Viên đá hình lục giác này được nhân viên bán ghế massage giới thiệu tên là Gwisamonsok. Nếu đặt chúng dưới đệm để nằm lên thì sẽ cải thiện được sức khỏe. Một số bệnh đơn thuần như đau lưng, nhức mỏi xương khớp có thể được chữa bằng những viên đá nhỏ này.

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, trong tự nhiên, không có bất cứ loại đá nào tên như vậy. Ông cũng khẳng định không loại đá nào có khả năng chữa bệnh, thải độc, hóa giải độc tố trong đồ ăn thức uống. Trường hợp nghiền nhiều loại đá ra rồi ép lại thành các viên đá khác nhau thì về bản chất, nó cũng chỉ là đá. Do không phải là hóa chất nên không thể có tác dụng gì trong việc tạo ra phản ứng để trung hòa hay hóa giải chất độc. Trường hợp người ta trộn hóa chất vào đá sau khi nghiền nhiều loại đá ra, thì có thể có tác dụng nào đó. Nhưng đó là tác dụng của hóa chất đó, chứ không phải đá.

Trong tự nhiên có một số loại đá như tuocmelin có thể giúp con người sảng khoái, thư giãn hơn, song không thể có khả năng chữa bệnh. Việc cho rằng nằm lên mấy viên đá mà khỏi được bệnh là hết sức hoang đường.“Có một điều phải cảnh báo với người tiêu dùng cả tin là hiện nay, rất nhiều sản phẩm đá có nguồn gốc từ Trung Quốc được quảng cáo là đá phong thủy. Họ “thổi vào” đó nhiều khả năng thần kỳ như hút tài lộc, thăng quan tiến chức, chữa bách bệnh, đem lại vạn điều may cho chủ sở hữu… Đây là bịp bợm, không có cơ sở khoa học. Người tiêu dùng không nên, khiến “tiền mất, tật mang”, rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.

Đá hút nọc rắn, phát sáng

“Trong tự nhiên có những loại đá có thể dùng để kết hợp chữa bệnh. Nhưng đây là những loại đá đặc thù, được sử dụng đúng phương pháp. Không thểcầm một viên đá trong người rồi nói rằng nó có thể tự chữa khỏi bệnh”, GS.TSKH Phan Trường Thị.

Trước đây một người đàn ông ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai công bố sở hữu hai vật thể cứng như đá. Một viên có màu đỏ hồng nặng 0,6kg, hình trụ, nguyên khối. Viên còn lại màu xám bạc nặng 0,9 kg, được cắt ra từ khối đá lớn hơn khác. Hai viên đá có hình thù, màu sắc khác nhau nhưng cùng tỏa ra mùi thơm như nước hoa. Chủ nhân hai viên đá cho biết chúng đã được hỏi mua với giá lên tới 5 tỷ đồng nhưng ông chưa bán. Ông Vũ Văn Khản ở Thái Bình đang sở hữu viên đá màu đen giống như một thỏi nam châm hình vuông có chiều dài 2cm, nặng khoảng 50g có thể hút nọc độc của rắn.

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, không một loại đá nào có những khả năng thần kì kể trên. Có thể là do tự thêu dệt hoặc viên đá là nhân tạo. Đá không thể tự phát ra mùi thơm, tự phát sáng hay hút được nọc độc rắn. Việc trả giá hoặc rao bán hàng tỉ đồng/viên đá này là không có cơ sở.

Rất nhiều loại hóa chất khác nhau có thể được sử dụng để tạo ra những “tính năng kỳ lạ” của viên đá. Tại phòng kiểm định của GS.TSKH Phan Trường Thị, đã từng có người đem loại đá có khả năng tự phát sáng đến để kiểm định “tính năng”. Thực chất là người ta đã nhúng viên đá vào dung dịch hóa học cacbonat Sr nên nó dễ dàng phát sáng như đồ chơi của trẻ em. Hay để tạo ra mùi thơm, có rất nhiều loại hóa chất khác nhau được sử dụng. Người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể biến một viên đá thông thường thành viên đá có mùi thơm ngào ngạt.

“Trong dân gian có lưu truyền về một loại hạt có thể hút nọc rắn. Hạt này có hai màu đen – đỏ. Người ta nghiền hạt ra, đắp vào vết rắn cắn là có thể hút được nọc rắn. Có thể người ta nghiền hạt này ra rồi ép thành viên giống như viên đá chứ không có loại đá nào hút được nọc rắn. Hoặc cũng có thể lợi dụng tính lạnh của viên đá để làm dịu nọc rắn. Nhưng đây đều là cách làm không có cơ sở, nguy hiểm đến tính mạng và không nên tin”, GS.TSKH Phan Trường Thị nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ