Cỗ máy tối tân khám phá sao Hỏa

Tàu thăm dò sao Hỏa năm 2020 sẽ mang theo thiết bị phóng laser, radar xuyên mặt đất, thiết bị tạo ô xy cũng như bộ phận lấy mẫu vật mang về trái đất.

Cỗ máy tối tân khám phá sao Hỏa

Những thiết bị dự kiến sẽ được mang theo trên tàu thăm dò sao Hỏa năm 2020 - Ảnh: NASA Những thiết bị dự kiến sẽ được mang theo trên tàu thăm dò sao Hỏa năm 2020 - Ảnh: NASA

Mỹ vừa công bố phiên bản mới của tàu thăm dò sao Hỏa năm 2020. Giống như Curiosity, tàu thăm dò năm 2020 có 6 bánh, nặng khoảng 1 tấn và tiếp đất nhờ hệ thống cần trục trên không, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). 

Tuy nhiên, trong khi Curiosity mang theo 10 thiết bị khoa học, người anh em của nó chỉ cần 7 công cụ đặc biệt được thiết kế để khám phá những bí ẩn chưa từng được biết đến của hành tinh đỏ.

Trong số những trang bị ấn tượng nhất cho sứ mệnh sắp tới chính là Moxie, cỗ máy hút khí CO2 trong không khí và chuyển thành ô xy tinh khiết để làm nhiên liệu cho động cơ, hoặc cho phép con người một ngày nào đó có thể thở được trên sao Hỏa. “Việc lưu trữ và chứa ô xy trong các bồn trước khi nhóm phi hành gia đến nơi, và biết được địa điểm có khí quyển phù hợp cho con người là điều vô cùng quan trọng đối với các sứ mệnh tương lai trên sao Hỏa”, theo Bill Gersteinmaier thuộc NASA. 

Tàu thăm dò cũng được trang bị khả năng chụp ảnh thần sầu, giống như con người đang có mặt trên hành tinh xa xôi khi nhìn vào những hình ảnh được truyền về trái đất. MastCam được trang bị tính năng phóng hình 3,6:1, đủ sức phân giải hình ảnh ở mức 1 mm khi cự ly gần và từ 3 đến 4 cm ở khoảng cách 100 m. 

Trong khi đó, SuperCam là phiên bản hiện đại hơn của thiết bị ChemCam trên Curiosity, dùng tia laser để xác định được kết cấu hóa chất của đá từ khoảng cách xa.

Tàu thăm dò cũng mang theo 2 thiết bị khoa học trên cánh tay robot, gồm PIXL và SHERLOC. Trong đó, PIXL là quang phổ kế tia X kiêm thiết bị chụp ảnh độ phân giải cao, cho phép các chuyên gia trái đất thực hiện các cuộc kiểm tra đá sao Hỏa. 

SHERLOC vừa là quang phổ kế nghiên cứu đá vừa có thể phát hiện các chất hữu cơ. Hai thiết bị còn lại là trạm phân tích thời tiết công nghệ cao MEDA và radar xuyên đất RIMFAX.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sứ mệnh tới chính là làm sao thu thập mẫu vật và mang về trái đất mà không nghiền nát chúng như trong trường hợp của Curiosity. Khoang chứa của tàu thăm dò sẽ có tải trọng 45 kg, có thể lưu mẫu vật trong 20 năm. Riêng kế hoạch cụ thể về việc mang mẫu vật về trái đất chưa được công bố.

Tổng cộng việc trang bị 7 thiết bị trên, được chọn từ 58 đề xuất, sẽ mất 130 triệu USD. NASA ước tính toàn bộ chi phí cho sứ mệnh thăm dò năm 2020 sẽ vào khoảng 1,9 tỉ USD, tức thấp hơn sứ mệnh Curiosity hiện lên đến 2,5 tỉ USD. 

Tàu thăm dò Curioisty đã đáp lên bề mặt sao Hỏa vào tháng 8.2012 và đến nay đã hoàn thành sứ mệnh được giao khi phát hiện khu vực gần điểm đáp từng có khả năng hỗ trợ sự sống trong vài tỉ năm trước. 

Nhiệm vụ mới của sứ mệnh năm 2020 sẽ là thu thập các dấu ấn sinh học, lấy mẫu vật và làm bước đệm cho công tác đưa người lên hành tinh đỏ trong tương lai.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ