“Chung sống” với cây xanh ở chung cư

GD&TĐ - Trồng cây ở chung cư, tạo ra các khoảng không gian sân vườn thoáng mát… là xu hướng kiến trúc thân thiện với thiên nhiên. Việc khắc phục côn trùng quấy nhiễu khá đơn giản.

“Chung sống” với cây xanh ở chung cư

Cacbonic thu hút muỗi

Một dự án chung cư xanh thí điểm tại Thành Đô (Trung Quốc) hứa hẹn mang đến cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, nhưng lại phản tác dụng khi bị muỗi quấy nhiễu đến mức gần như bỏ hoang.

Tọa lạc phía Tây Nam Thành Đô, Qiyi City Forest Garden là dự án chung cư theo lối kiến trúc xanh được xây dựng từ năm 2018. Các căn hộ tại đây đều được thiết kế có ban công riêng trồng tới hơn 20 loại cây xanh giống như một khu vườn thu nhỏ, có nhiệm vụ lọc không khí và giảm ô nhiễm tiếng ồn. Dự án hứa hẹn mang đến “một khu rừng thẳng đứng” ngay tại siêu đô thị này.

Nhưng rất nhiều hộ dân không dọn về sống dù đã mua nhà chỉ bởi lý do cây cối quá nhiều kéo theo côn trùng, đặc biệt là muỗi. Tính đến thời điểm này, 8 tòa chung cư chính 30 tầng gần như đã bị cây cối “nuốt chửng” hoàn toàn vì không có người đến chăm sóc và tỉa cây thường xuyên.

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho biết, xu thế chung ở các khu đô thị thông minh hiện nay là không gian xanh và sống hòa cùng thiên nhiên. Nhưng để làm được điều này thì lại rất cần đến các giải pháp công nghệ xanh, không thể sống chung với thiên nhiên một cách thuần túy.

Đối với cây xanh, do có quá trình quang hợp, ban ngày cây sẽ hấp thụ khí cacbonic và nhả khí oxy, nhưng ban đêm thì ngược lại, cây sẽ hấp thụ khí oxy và nhả khí cacbonic. Khí cacbonic chính là một chất dẫn dụ thu hút muỗi.

Trong hơi thở của con người có khí cacbonic nên muỗi mới có thể tìm đến bất cứ khi nào chúng ta xuất hiện. Để sống chung với không gian như vậy cần đến các giải pháp công nghệ xanh tương ứng.

“Ở Việt Nam hiện có rất nhiều khu chung cư cao cấp xanh, không gian thiên nhiên rộng lớn như khu Ecopark. Làm thế nào để xua đuổi côn trùng, giữ gìn không gian sống. Rất nhiều người trên thế giới đều áp dụng các phương pháp như bẫy côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng, cửa chống côn trùng…

Hiện công nghệ để kiểm soát côn trùng vào nhà rất phong phú. Chuyện chỉ vì có nhiều cây mà không dám dọn về ở như khu chung cư ở Trung Quốc là rất hãn hữu, và cũng khó hiểu. Sống cùng không gian xanh luôn tốt cho sức khỏe, vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào để chung sống”, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay.

Bẫy côn trùng là tối ưu nhất

Để loại bỏ muỗi, kiến, gián, thậm chí là bướm, ong… vào nhà, làm tổ, ẩn nấp trong các không gian sinh sống, theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, cách tốt nhất là sử dụng bẫy. Bẫy côn trùng thông minh được đặt sẵn chất dẫn dụ bên trong.

Côn trùng sẽ bay vào ngay từ khi chúng vừa nở ra, sẽ khiến chúng không thể ra ngoài môi trường. Các bẫy này đều đặt phía ngoài của ngôi nhà, ở ban công hay khu sân vườn. Định kỳ kiểm tra, làm sạch côn trùng chết trong bẫy là có thể yên tâm trồng các loại cây xanh.

Tuy nhiên giá của loại bẫy côn trùng này cũng khá cao, 6 - 7 triệu đồng/chiếc. Hiện PGS.TS Phạm Thị Khoa đang nghiên cứu để sản xuất loại bẫy giá rẻ hơn, phù hợp với thu nhập của người Việt Nam hơn. Ngoài ra, nguyên tắc nữa khi trồng cây là không để nước đọng. Có nước đọng, muỗi sẽ đẻ trứng, sinh sôi, rất khó kiểm soát.

Hiện ở thị trường Việt Nam, một đơn vị của Nhật Bản cũng đang thực hiện đăng ký lưu hành sản phẩm xịt côn trùng tự động lắp ở cửa. Theo đó khi phát hiện côn trùng, thiết bị sẽ tự động phun hóa chất diệt côn trùng.

Loại hóa chất này làm từ thảo dược, tinh dầu, không có hại cho sức khỏe con người. Thiết bị này được cho là rất phù hợp để lắp cho các khu đô thị thông minh, sống gần với thiên nhiên, cây cỏ hoa lá. Hệ thống thông minh này phát huy tác dụng bảo vệ không gian sống khá tốt.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, các loài muỗi, đặc biệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gây ra các vụ dịch ở những nơi đông dân và kém vệ sinh môi trường.

Muỗi truyền bệnh rất thích đẻ trứng vào chỗ nước sạch hay nước mưa, thậm chí ngay một chén nước nhỏ, một lọ cắm hoa, một đĩa nước chống ẩm trong phòng điều hòa, một vũng nước nhỏ ở mái che, ban công… thậm chí ở khay đựng bát đĩa trong bếp còn đọng nước. Có thể nói không có nước thì muỗi không tồn tại.

Một đặc điểm nữa cần lưu ý là bọ gậy và cung quăng (giai đoạn trước trưởng thành của muỗi) thường chỉ sống ở nước ngọt (nồng độ muối thấp) và phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở.

Do vậy, để diệt bọ gậy và cung quăng người ta có thể dùng muối hòa vào trong nước hay dùng dầu ăn, dầu nhớt… tạo một lớp màng trên mặt nước. Những nơi ao hồ, nước tù đọng cần có sự chung tay của cộng đồng cư dân tổng vệ sinh thường xuyên.

Những bể nước ngầm cần thả cá để ăn bọ gậy. Ngoài ra có thể dùng bẫy đèn bắt muỗi, vợt muỗi... Có nghĩa là tùy theo môi trường từng nơi, từng không gian cụ thể để có biện pháp phòng chống chủ động, cụ thể và phù hợp. Không nên ỷ lại vào việc phun thuốc muỗi của cá nhân hay tổ chức y tế.

Các gia đình ở thành phố có thể dùng lưới che ruồi muỗi (mắt lưới khoảng 1,18mm), cửa tự động kết hợp với tấm đập bằng cao su có thể phòng chống ruồi trưởng thành vào nhà.

Ngoài ra đối với cây cối trồng làm cảnh, phải thường xuyên cắt tỉa, tạo ra sự thông thoáng, có ánh nắng chiếu vào là tốt nhất. Việc cắt tỉa cây thường xuyên, loại bỏ cây già yếu, không sinh trưởng… là điều kiện bắt buộc bởi lá cây khô, bụi cây um tùm, đọng nước… chính là môi trường lý tưởng của côn trùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ