Chân dung nữ chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013

GD&TĐ - Hai gương mặt nhà khoa học nữ xuất sắc vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 là PGS.TS Nguyễn Thị Bích và PGS.TS Lê Thị Luân.

Chân dung nữ chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013
Chân dung nữ chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 ảnh 1
PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy: Cả cuộc đời gắn với công trình giao thông

Trưởng thành từ mái nhà ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Công nghệ Hóa dầu, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã có 33 năm công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT.

Quá trình công tác, chị đã chủ trì 29 và tham gia 40 đề tài, tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Sở. Nhiều quy trình công nghệ được nữ nhà khoa học này nghiên cứu thành công như:

Quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm và sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm đã được đưa vào ứng dụng từ năm 1994 đến nay ở cầu Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và nhiều cầu đường sắt, đường bộ khác.

Quy trình công nghệ sản suất sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm sử dụng nhựa than đá và khoáng mica của Việt Nam để nâng cao khả năng chống thấm và chống ăn mòn của màng sơn, bảo vệ tốt cho kết cấu thép khu vực ăn mòn cao như trong lòng đất, khu vực mớn nước thay đổi của nước biển... đã được xét tặng giải Nhì VIFOTEC năm 2013.

Quy trình chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa để nâng cao chất lượng bê tông đường nhựa trong điều kiện khai thác ở Việt Nam.

Các quy trình chế tạo vật liệu mới sử dụng cho chỉ dẫn an toàn giao thông. Như trụ dẻo trên cơ sở elastome làm dải phân cách mềm trong phân luồng giao thông; sơn vạch đường hệ nước; sơn phản quang lỏng sử dụng cho cọc tiêu biển báo…

Các công trình nghiên cứu của chị không chỉ đóng góp vào sự phát triển khoa học của ngành mà còn tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong ngành Giao thông Vận tải.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã công bố 47 bài báo khoa học. Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất có giá trị cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học cũng như cán bộ khoa học, được Hội đồng khoa học và đồng nghiệp đánh giá cao.

Với nỗ lực không mệt mỏi, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã cùng tập thể Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải vượt qua mọi khó khăn, từng bước trở thành địa chỉ mạnh trong lĩnh vực sơn phủ ăn mòn với hơn 10 công nghệ sơn tiên tiến, cạnh tranh được với các hãng sơn nổi tiếng trên thế giới.

Không chỉ đam mê nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy còn tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chị là một số ít tiến sĩ giảng dạy về môn Công nghệ vật liệu Polyme compozit; thí nghiệm viên và tư vấn giám sát về lĩnh vực sơn phủ bảo vệ, nước trong xây dựng. 

Chị đã tham gia hướng 3 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ (trong đó hướng dẫn chính 1 NCS), 4 thạc sỹ và trên 30 sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội làm tốt nghiệp thành công.

Với những cống hiến của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy được Chính phủ, các bộ, ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 2 lần lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Ngành; 3 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ vì có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động KHCN, hai cúp vàng Techmart…

Chân dung nữ chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 ảnh 2 PGS.TS Lê Thị Luân với chứng nhận Giải thưởng Kovalevskaia

PGS.TS Lê Thị Luân: Người làm nên bước ngoặt trong ngành vắc xin học

Sinh năm 1962, PGS.TS Lê Thị Luân đã có 24 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, đảm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ: sản xuất kiểm định vắc xin, nghiên cứu khoa học, đào tạo ĐH và trên ĐH.

Với nỗ lực không ngừng, PGS Lê Thị Luân đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm trong lĩnh vực vắc xin và sinh phẩm, trong đó 3 sản phẩm tiêu biểu là: chủng sản xuất vắc xin phòng tiêu chảy cho trẻ em, vắc xin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em và các kháng huyết thanh sử dụng kiểm định vắc xin thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Công trình nghiên cứu để đời là sản xuất vắc xin Rota được thực hiện trong 16 năm. Với công trình này, PGS Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng vi rút Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam.

Đây là sản phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giúp Việt Nam lần đầu tiên chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vắc xin cập nhật quốc tế, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại.

Công trình khoa học cấp Nhà nước Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vắc xin Rota sống, uống, giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam được thực hiện với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất, vắc xin đảm bảo an toàn hiệu lực với tiêu chuẩn cập nhật quốc tế cho vắc xin Rota tại Việt Nam thành công, được công bố trên tạp chí có uy tín của ngành và quốc tế.

Kết quả công trình là bước ngoặt trong ngành vắc xin học, lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vắc xin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.

Công trình khoa học cấp Nhà nước Đánh giá tính an toàn và tính sinh Miễn dịch của vắc xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam thành công. 

Đây là công trình để xác định vắc xin Rota sản xuất theo quy trình công nghệ đã được nghiệm thu có đủ tiêu chuẩn sử dụng phòng bệnh cho trẻ em Việt Nam, đưa ra thị trường từ tháng 8/2012.

16 năm nghiên cứu bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do virut rota, chị cùng đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam công nghệ cập nhật quốc tế.

Đây là thành công lớn của chị và cộng sự đồng thời cũng là thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành Y tế nói chung.

Thành công này đã khẳng định một lần nữa Việt Nam là nước thứ 2 của châu Á và là một trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.

Công trình này đã đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao. Tại nước ta sẽ giảm 5.300 - 6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, và giảm 122.000 - 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota.

Như vậy, sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu USD, trong đó 3,1 triệu cho chí phí trực tiếp, 685.000 cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu đô la cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virut Rota ở nước ta.

Ngoài ra, PGS Lê Thị Luân cũng tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin IPVs, vắc xin sởi, vắc xin H1N1 trên tế bào vero.

Bên cạnh nghiên cứu khoa học, PGS Lê Thị Luân còn tham gia viết sách, báo về lĩnh vực chuyên môn; tham gia đào tạo ĐH và sau ĐH.

Với những thành công trong quá trình công tác, PGS Lê Thị Luân đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú và nhiều bằng khen của các bộ, ngành…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…