Bạn nghĩ gì về vệ tinh nhân tạo?

GD&TĐ - Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Liên Bang Xô Viết phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người vào quỹ đạo Trái Đất. Kể từ đó đến nay đã gần 6 thập kỷ trôi qua, có bao giờ bạn tự hỏi bao nhiêu vệ tinh đang bay trên đầu chúng ta?

Bạn nghĩ gì về vệ tinh nhân tạo?

Có bao nhiêu vệ tinh đang bay trên đầu chúng ta?

Hiện nay có khoảng 1100 vệ tinh nhân tạo còn hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, bạn có thể rất bất ngờ khi biết rằng có tới hơn 2600 vệ tinh đã hỏng nhưng vẫn lơ lửng đâu đó trên quỹ đạo. Có những chiếc được phóng lên từ năm 1958 và nó vẫn còn ở đó.

Các vệ tinh lớn cỡ nào?

Có rất nhiều loại vệ tinh và kích thước của chúng cũng rất đa dạng. Có những vệ tinh to bằng một chiếc xe bus, nặng 6 tấn. Phần lớn các vệ tinh đều đạt trọng lượng khoảng một vài tấn. Trong khi đó có những chiếc chỉ bé như một hộp vuông cạnh 10 cm và nặng chưa đầy 1 kg.

Công việc của chúng là gì?

Có rất nhiều loại vệ tinh với các công dụng khác nhau. Một số vệ tinh thuộc hệ thống GPS giúp định vị và dẫn đường, một số khác là các vệ tinh dùng trong viễn thông giúp truyền tải sóng điện thoại hoặc TV. Có các vệ tinh dự báo thời tiết, các vệ tinh phục vụ quốc phòng, nghiên cứu khoa học, thậm chí phục vụ nông nghiệp, theo dõi mùa màng và khoanh vùng hạn hán. Tuy nhiên, có đến 60% các vệ tinh đang phục vụ cho viễn thông liên lạc.

Chúng đang ở đâu?

Các vệ tinh phục vụ thông tin liên lạc được giữ cố định ở độ cao khoảng 35.000 km so với đường xích đạo. Hệ thống vệ tinh GPS ở độ cao hơn 20.000 km. Ở khoảng cách này, chúng có thể phủ sóng những vùng rộng lớn trên Trái Đất. Trạm vũ trụ quốc tế ISS đang bay phía trên chúng ta khoảng 400 km. Rất ít vệ tinh bay ở độ cao thấp hơn ISS. Một số vệ tinh được giữ cố định ở một điểm so với Trái Đất, một số khác di chuyển.

Ai sở hữu các vệ tinh?

Các vệ tinh có thể là của các chính phủ hoặc các công ty tư nhân. Có hơn 70 quốc gia sở hữu vệ tinh riêng hoặc các vệ tinh dùng chung giữa các quốc gia. Mỹ là nước dẫn đầu số lượng vệ tinh với hơn 500 chiếc. Nga xếp thứ 2 và vị trí thứ 3 thuộc về Trung Quốc.

Điều gì xảy ra nếu các vệ tinh ngừng làm việc?

Các vệ tinh cũ và hỏng sẽ trở thành rác vũ trụ. Khi chúng trôi tự do trong quỹ đạo sẽ có nguy cơ va chạm với các vệ tinh khác còn hoạt động. Sự nguy hiểm của rác vũ trụ có thể được hình dung trong bộ phim “Gravity”, khi các mảnh vụn của một vệ tinh cũ gây ra một vụ va chạm liên hoàn. Ngày nay có rất nhiều đề xuất liên quan đến việc dọn dẹp các vệ tinh ngừng hoạt động. Các vệ tinh có thể bị đẩy ra các quỹ đạo xa hơn hoặc đưa chúng xuống quỹ đạo thấp để bầu khí quyển thiêu hủy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ