Bạch tuộc thông minh nhờ khả năng tự chỉnh sửa gene

Bạch tuộc có khả năng tự chỉnh sửa gene để tạo ra protein quan trọng sử dụng trong các quá trình thần kinh, góp phần vào sự thông minh của con vật.

Bạch tuộc thông minh nhờ khả năng tự chỉnh sửa gene

Bạch tuộc có thể tự tìm đường trốn thoát khỏi bể nuôi, mở lọ thủy tinh từ bên trong, thay đổi màu sắc nhằm tránh động vật ăn thịt. Giờ đây các nhà khoa học cho rằng trí thông minh của chúng bắt nguồn từ một khả năng độc đáo, đó là không tuân theo sự chỉ dẫn hoạt động của ADN.

Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Israel, phát hiện hai loài bạch tuộc, một loài mực ống và những con mực nang có thể viết lại ARN của chúng. ARN là phân tử trung gian trong quá trình sản xuất protein.

Nhờ đó, bạch tuộc thường xuyên sản xuất các loại protein không có trong bản thiết kế gene. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell hôm 6/4.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, cơ chế trên giúp bạch tuộc thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, cũng như có thể giải thích tại sao chúng thông minh hơn nhiều loài động vật không xương sống khác.

ARN, hay axit ribonucleic, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất protein mà sinh vật cần để sống và phát triển. Cơ thể sinh vật sao chép thông tin di truyền từ ADN sang phân tử ARN. Nhưng quá trình này có thể không xảy ra ở một vài phần của bộ gene với ARN bị chỉnh sửa trước khi tạo ra protein.

"Về cơ bản, đây là một cơ chế để tạo ra protein không được mã hóa từ ADN", Eli Eisenberg, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy các cấu trúc phân tử cho phép chỉnh sửa ARN ngăn chặn ADN đột biến, quá trình thông thường giúp sinh vật tiến hóa.

"Đột biến ADN thường được coi là tiền đề của sự chọn lọc tự nhiên. Nhưng bạch tuộc duy trì tính thích nghi của nó với môi trường ở mức độ ARN", Joshua Rosenthal, trưởng nghóm nghiên cứu nói.

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ