Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập lúc mấy giờ?

Trong một số tranh luận, có người nghĩ rằng bản Tuyên ngôn được đọc vào buổi sáng, có người cho là buổi chiều. Vậy buổi nào là chính xác?

Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập lúc mấy giờ?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn) – một đội viên của đội Việt Nam Giải phóng quân đã đứng trong hàng ngũ những người tham gia buổi lễ long trọng ấy của đất nước tại Ba Đình.

Những ngày tháng Tám tháng cả đất nước sục sôi

Được hỏi về những ngày tháng đất nước chuẩn bị độc lập tự do, Đại tá Huy Văn đầy hào hứng và xúc động. Ông kể, lúc ấy ông mới 15 tuổi và đã là thành viên của đội Việt Nam Giải phóng quân (Đội thành lập với hơn 30 đội viên ban đầu và trực tiếp do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy). 

Trước ngày Độc lập, ông và nhiều đồng đội khác hoàn toàn không biết đến cái tên “Hồ Chí Minh” mà chỉ được gặp một người được gọi là “Ông Ké” khi Đội Việt Nam Giải phóng quân ở Tân Trào (Tuyên Quang). 

Ông chỉ biết, “Ông Ké” có chức vị to hơn cả thủ trưởng mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó. Và mãi sau này, khi gần ngày quốc khánh ông mới được biết “Ông Ké” còn có tên là Nguyễn Ái Quốc và cũng chính là Hồ Chủ tịch.

Vào tháng 8/1945, đội của Đại tá Huy Văn được giao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở Việt Minh và mở tiếp các cơ sở cách mạng từ Cao Bằng, Tuyên Quang xuống miền xuôi. 

Ông vẫn nhớ như in, vào ngày 23/8, Đội của ông được lệnh di chuyển từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để chuẩn bị tham gia tiếp quản chính quyền.

Cả chi đội khoảng hơn 400 người hành quân qua Hiệp Hòa (Bắc Giang), đến ột địa danh có tên là Bến Vân thì nhìn thấy nước ngập trắng xóa vì đê vỡ. 

Lúc ấy, cả chi đội đi thuyền đinh suốt đêm. Sáng sớm hôm sau thì đoàn đến được Từ Sơn, vẫn đi giữa mênh mông nước đã thấy cờ đỏ sao vàng được cắm khắp trên các ngọn cây cao. 

Hôm sau, họ tiếp tục chèo thuyền về đến Yên Viên rồi sau đó hành quân từ Yên Viên về huyện lỵ Gia Lâm. Lúc này cả đội được lệnh thay quần áo lính (trước đó ai có gì mặc nấy) để tiến vào nội thành Hà Nội. Chiều ngày 26/8, họ hành quân đến đầu cầu Long Biên và được lệnh dừng lại chờ đợi phía Nhật và ta thống nhất việc tiến vào.

Đại tá Huy Văn kể, lúc ấy, hai bên đường dân chúng khắp nơi ùn ùn kéo đến vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”, “Việt Nam là của Việt Nam”….

Lúc ấy, quân Nhật vẫn đứng gác trên cầu Long Biên trong trạng thái suy sụp. Đến 7giờ tối thì đội Việt Nam Giải phóng quân được phía Nhật mời vào.

Sau đó, cả đội tiến về 40 Hàng Bài và ngủ trong trại lính tại đây. Ông vẫn nhớ, nhân dân ở khắp nơi đã đến khu vực này mang quà bánh đến tặng cho đội. Quà nhiều đến mức được chất đầy trong các nhà kho.

Những chuyện ít biết trong thời khắc đặc biệt

Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn)
Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn)

Từ ngày 26/8 cho đến ngày 2/9, đội Việt Nam Giải phóng quân vẫn ở Hàng Bài. Khoảng 9 giờ sáng 2/9, một phần quân số của đội được đến tham dự buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Đại tá Huy Văn vinh dự là một trong số đó.

Ông kể, đội của ông đến lúc đó đã thấy nhân dân từ các nơi đổ đến khá đông, các khối đoàn thể đều đứng nghiêm trang từ giờ đó cho đến tận quá trưa. 

Ông gần như không thấy ai mang theo đồ ăn thức uống gì. Phải đứng nhiều tiếng đồng hồ nhưng dường như ai cũng vui mừng, phấn khởi với điều đó và rất nghiêm trang.

Đại tá tường thuật lại giờ phút khiến ông ấn tượng nhất: “Tầm hơn 1 giờ, tôi thấy một chiếc xe oto tiến vào quảng trường. Chỉ có Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trên xe. 

Hai bên có hai hàng xe đạp đi hộ tống. Phía tôi nhìn thấy là 2 chiếc xe đạp. Chiếc xe dừng lại rồi Bác Hồ và Đại tướng bước xuống. Ban đầu có người đọc lời giới thiệu và sau đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. 

Ước chừng lúc đó cũng khoảng 2 giờ chiều. Tôi cũng như nhiều người không thể quên được câu nói của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Đó là một câu đơn giản nhưng sao gần gũi và thân thương thế!”.

Sau bản Tuyên ngôn Độc lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đọc lời thề của Chính phủ lâm thời. Sau đó, một người khác thay mặt nhân dân đọc lời tuyên thệ của đồng bào. 

Trong lời tuyên thệ đó, có tuyên thệ “Không đi lính cho Pháp”, “Giữ nền độc lập chủ quyền đất nước”… Sau lời tuyên thệ, nhân dân đứng ở quảng trường đồng loạt giơ nắm tay và hô vang: “Xin thề!” và buổi lễ kết thúc trong ánh mắt hân hoan của hàng vạn đồng bào đến tham dự hôm ấy.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ