3 giải pháp biến “rác lúa” thành tiền

GD&TĐ - Mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ bị vứt bỏ và đốt. Nếu xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 20 triệu tấn phân hữu cơ.

Rơm rạ được vận chuyển về nhà sau khi đã phơi khô trên đồng.
Rơm rạ được vận chuyển về nhà sau khi đã phơi khô trên đồng.

Nó tương đương với 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali. Tính thành tiền sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.

Nguy hại từ 40 triệu tấn rơm rạ bị đốt mỗi năm

Thành phần hóa học của rơm rạ gồm xenluloza (cellulose - 60%), linhin (lignin - 14%), đạm hữu cơ (protein - 3,4%), chất béo (lipid - 1,9%). Nhưng khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2…

Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippines, trong 1 tấn rơm chứa 5 - 8kg đạm; 1,2kg lân; 20kg kali; 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.

Khi đốt rơm rạ ở ngoài đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ. Vì thế, tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng.

Trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Việc đốt cháy rơm rạ sẽ khiến cho đất trồng lúa bị khô cằn, mất nước và mất chất dinh dưỡng. Nếu đốt rơm rạ ở đồng ruộng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng.

Tác hại lớn khác của đốt rơm rạ ở ngoài đồng ruộng là gây ô nhiễm môi trường không khí. Bởi lẽ khi đốt rơm rạ, không chỉ có khí CO2 (dioxid cacbon) thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2, NO2 (dioxid sunfur, dioxid Nitrogen) và rất nhiều bụi, đặc biệt là bụi mịn cũng thải vào không khí xung quanh.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ bị vứt bỏ và thiêu đốt. Đây là nguồn tài nguyên rất lớn chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả, mà lại gây ra ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng, tác động rất xấu đến sức khỏe cộng đồng và nhiều hệ lụy khác.

Với khoảng 40 triệu tấn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.

Hoặc là, sử dụng mỗi tấn rơm rạ, bà con có thể trồng nấm, sau khi đã trừ chi phí trong thời gian 15 – 20 ngày có thể lãi từ 500.000 – 700.000 đồng. Bã rơm rạ sau khi trồng nấm có thể chế biến thành phân vi sinh cao cấp. Ngoài ra, bã nấm còn dùng để nuôi trùn, giun đất, lấy trùn, giun nuôi gia cầm, gia súc và tôm, cá.

Tận dùng rơm rạ như một tài nguyên

Cày vùi rơm rạ để duy trì lượng đạm trong đất: Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi rơm rạ, để duy trì lượng đạm trong đất. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn. Việc cày xới đồng ruộng vùi rơm rạ có thể sử dụng máy lồng loại lớn. Tất cả rơm rạ trên đồng ruộng được băm nhỏ bằng các máy băm sơ dừa, rơm rạ, rau củ, cành cây.

Tuy nhiên, để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, cần phải phun chế phẩm sinh học vào rơm rạ trước khi cày xới đất. Sau đó làm đất bình thường như những ruộng khác.

Hiện nay có rất nhiều tổ chức sản xuất và bán các chế phẩm sinh học có khả năng tăng nhanh quá trình phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ, cũng như rơm rạ, như là chế phẩm chế phẩm sinh học Bima – compost, Trichoderma, Dascela, Sumitri…

Sử dụng rơm rạ trồng nấm: Ở nước ta, từ lâu đời đã biết trồng nấm rơm ngay ở ngoài trời, tận dụng diện tích trống. Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, làm cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ.

Nếu người nông dân không thể tự làm nấm được thì thu gom rơm rạ bán cho các cơ sở làm nấm này. Cho đến nay việc trồng nấm đã phát triển ở khoảng 40 tỉnh thành, song chưa tương xứng với tiềm năng. Từ việc sử dụng 3 tấn rơm (của 1ha lúa) trồng nấm rơm có thể đem lại lợi nhuận từ 4,5 - 5,5 triệu đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển nghề trồng nấm. Khu vực này có đủ các điều kiện như chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng và tháng lạnh không đáng kể, có thể trồng nấm rơm quanh năm. Trung bình cứ một tấn lúa có 1,2 tấn rơm, rạ, ngoài ra còn mạt cưa, bèo tây, bã mía… là nguồn nguyên liệu lớn để trồng nấm rơm.

Thời kỳ nông nhàn nhiều, nhất là mùa lũ, hơn nữa trồng nấm rơm không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Nấm không chiếm nhiều diện tích, chủ yếu tận dụng diện tích trống, chi phí thấp. Giải quyết tốt các nguồn thu nhập cho nông dân. Ở miền Bắc: Thích hợp trồng nấm vào khoảng thời gian từ 15/4 đến 15/9 hàng năm.

Sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ thành các loại phân bón hữu cơ (còn gọi là phân compost) một cách hiệu quả và kinh tế. Cách này giúp giảm chi phí sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng dinh dưỡng cho đất.

Thời gian xử lý nhanh, dưới tác dụng của các chế phẩm sinh học chỉ khoảng 30 - 40 ngày rơm rạ cơ bản đã bị phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt; chi phí xử lý rẻ, khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng/1ha; tuyệt đối an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, có lợi cho môi trường sinh thái…

Ngoài 3 phương pháp xử lý có hiệu quả kinh tế rất lớn và hợp vệ sinh nêu trên, trên thực tế ở nước ta còn có nhiều phương pháp xử lý chế biến rơm rạ sau thu hoạch rất có hiệu quả khác.

Xử lý và ủ rơm rạ phối hợp với một số vật phẩm khác biến rơm rạ thành thức ăn cho trâu bò, gia súc và chăn nuôi cá; Dùng máy cuộn ép rơm rạ thành các thỏi nhiên liệu dùng để đốt lò sản xuất điện năng; Phơi khô rơm rạ, xử lý nấm mốc và phối trộn với các chất keo phụ gia nén ép rơm rạ thành các tấm vật liệu cách nhiệt, cách âm và vật liệu hút âm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ