“Cứu tinh” của người hiếm muộn

“Cứu tinh” của người hiếm muộn

Hiệu quả như chuyển phôi tươi

Công trình nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang do PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cùng các cộng sự Trường Đại học Y Dược TPHCM thực hiện đã đem lại niềm vui cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho hay, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Trước đây trên thế giới, để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì luôn luôn phải thực hiện chuyển phôi tươi do kỹ thuật đông lạnh phôi chưa có hiệu quả. Việc chuyển phôi tươi như vậy khiến nhiều bệnh nhân có thể bị quá kích buồng trứng hoặc nhiều bệnh nhân có thể bị đa thai do phải chuyển nhiều phôi trong một lần, sau đó dần dần người ta tìm ra được kỹ thuật đông lạnh phôi.

Năm 2016, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc chứng minh được rằng chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tốt hơn chuyển phôi tươi ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nhưng họ chỉ thực hiện trên nhóm bệnh nhân buồng trứng đa nang nhỏ. Còn phương pháp này thực hiện trên nhóm bệnh nhân đại trà. Đa số bệnh nhân khi đi thụ tinh trong ống nghiệm luôn có câu hỏi là nên chuyển phôi đông lạnh hay chuyển phôi tươi. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan đã trả lời được câu hỏi này cho từng người.

Công trình này khi được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) đã góp phần làm thay đổi thực hành thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Không cần thực hiện chuyển phôi tươi tất cả các bệnh nhân khi đi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, mà chúng ta có thể đông lạnh phôi lại và giảm số phôi chuyển xuống, mỗi lần chỉ cần chuyển 1 phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân. Thứ nữa là không cần thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm là bởi việc chuyển phôi đông lạnh toàn bộ như vậy sẽ làm tăng thêm chi phí cũng như kéo dài hơn thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Mỗi năm trên thế giới là có khoảng 2 triệu trường hợp có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm và có khoảng 3 triệu trường hợp thực hiện chuyển phôi. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 30.000 trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và 40.000 trường hợp thực hiện chuyển phôi. Việc tìm ra được câu trả lời cho nhóm bệnh nhân lớn nhất khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm giúp cho bác sĩ cũng như bệnh nhân có định hướng mà thực hiện việc chuyển phôi đem lại hiệu quả cao nhất cho chu kỳ điều trị của mình.

Nâng cao tỷ lệ sống của phôi sau rã đông đến 99%

Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, đóng góp của công trình là việc triển khai thành công kỹ thuật thủy tinh hóa trong thực hiện đông lạnh phôi. Đây là quy trình kỹ thuật khá mới mẻ nâng cao tỷ lệ sống của phôi sau rã đông, cao đến khoảng 99%. Công trình được đội ngũ thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một cách chuẩn mực, theo đúng chuẩn quốc tế. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả đã kết hợp với nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới, có đội giám sát an toàn dữ liệu gồm các GS người Hà Lan, Anh.

“Quá trình làm việc cùng với đội ngũ quốc tế như vậy đã cải thiện chất lượng của nghiên cứu và chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Chúng ta có thể tự tin đội ngũ nghiên cứu người Việt Nam có thể triển khai được những công trình có chất lượng cao, công bố trên những tạp chí quốc tế có những chỉ số tác động rất cao”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho hay.

Con đường nghiên cứu cho đến lúc gặt hái thành công, đem lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan không phải lúc nào cũng suôn sẻ. PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan kể: “Thời kỳ đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tôi có công bố quốc tế đầu từ năm 2008. Phải nói rằng ở thời điểm đó thì đây là lĩnh vực mới. Chưa có nhiều thông tin về công bố quốc tế nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong đó có việc chưa quen với quy trình xét duyệt của các tạp chí. 

Bài đầu tiên tôi phải gửi 3 tạp chí mới có tạp chí chấp nhận đăng vì tiêu chuẩn kiểm duyệt rất khắt khe. Theo tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu khoa học là chất lượng. Khi nghĩ đến nghiên cứu hay một vấn đề gì đó cần nghiên cứu, thì quan trọng là cách chúng ta tổ chức sao cho thật chất lượng để trả lời được câu hỏi đặt ra. Thêm một khó khăn nữa thường gặp ở Việt Nam là sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu chưa thực sự đồng bộ và gắn kết”.

Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, để theo đuổi được nghiên cứu khoa học có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là động lực làm nghiên cứu. Một khi đã có động lực đủ lớn, ý nghĩa thì chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ