Khoa học trả lời câu hỏi: Cần bao nhiêu tiền để mua hai chữ “hạnh phúc“?

GD&TĐ - Tiền có thể không phải là tất cả, nhưng ở một mức độ nào đó, nó có thể khiến bạn trở nên hạnh phúc. Và một nghiên cứu mới đây đã giúp chúng ta trả lời một câu hỏi vô cùng quan trọng: Kiếm tiền nhiều đến mức nào thì đủ hạnh phúc?

Khoa học trả lời câu hỏi: Cần bao nhiêu tiền để mua hai chữ “hạnh phúc“?

Câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn sống ở đâu trên Trái đất này.

"Giới triết học và văn nghệ sĩ cứ luôn nói rằng, làm gì có giới hạn cho việc kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Chúng tôi muốn chứng minh điều ngược lại, hoặc ít ra, chúng tôi sẽ tìm ra những cột mốc xác định" Andrew Jebb, Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Purdue, cho biết.

Jebb và các đồng nghiệp của ông đã sử dụng dữ liệu khảo sát từ cuộc thăm dò Gallup World Poll được thu thập từ hơn 1,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên trên 164 quốc gia.

Những người tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến sự thỏa mãn trong cuộc sống và cảm giác hạnh phúc mỗi ngày, cũng như điều kiện kinh tế, thu nhập và sức mua của họ.

Cảm giác hạnh phúc được đánh giá trên các yếu tố hưng phấn, buồn bã và tức giận, còn sự thỏa mãn phần lớn lại chịu ảnh hưởng bởi sự cám dỗ của các mục tiêu cao hơn, cũng như thói quen so sánh với cuộc sống và điều kiện vật chất của những người xung quanh.

Số liệu trung bình của nghiên cứu cho thấy điểm thu nhập lý tưởng cho sự thỏa mãn và cảm giác hạnh phúc lần lượt là 95.000 USD/năm và 75.000 USD/năm.

Mức thu nhập giúp thỏa mãn cao nhất thuộc về Úc và Newzealand, với con số là 125,000 USD/năm. Ngược lại, con số này ở vùng Mỹ Latinh và Caribê chỉ là 35.000 USD/năm.

Theo các tác giả của nghiên cứu, dữ liệu này cho thấy thu nhập có ý nghĩa nhiều hơn đối với các cá nhân sống ở các quốc gia giàu có.

Mức thu nhập này chỉ áp dụng với cá nhân, và nó sẽ còn cao hơn nữa với các trụ cột phải gánh vác cả một gia đình trên vai.

Có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực trên thế giới, nhưng đây cũng là điều dễ giải thích, khi so sánh sự khác nhau quá lớn về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như mức thu nhập trung bình của các cá nhân thuộc các vùng, các khu vực khác nhau.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy, khi đã đạt được ngưỡng thu nhập mang lại hạnh phúc đó, sự gia tăng thu nhập lại làm giảm cảm giác hạnh phúc và mức độ thỏa mãn trong cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng khi thu nhập đã đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản, sự gia tăng ham muốn vật chất cũng như sự so sánh thu nhập và mức sống với những người xung quanh rất có thể vô hình đẩy chúng ta vào một cuộc chạy đua, từ đó đem đến những áp lực không cần thiết và làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu cũng đồng thời đánh giá ảnh hưởng của giới tính và trình độ học vấn đối với thu nhập tối ưu của một cá nhân. Nhìn chung, không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy sự khác nhau ở hai giới trong mối liên hệ giữa thu nhập và cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn.

Tuy nhiên, sự thỏa mãn với mức thu nhập lại có sự thay đổi dựa trên trình độ học vấn của một cá nhân. Cụ thể, các cá nhân có trình độ học vấn cao hơn cho thấy sự đánh giá tích cực hơn về ảnh hưởng của thu nhập cá nhân với cuộc sống và cảm giác hạnh phúc.

Điều này có thể được lý giải do sự khác biệt về ham muốn cá nhân trong vấn đề thu nhập, cũng như thói quen so sánh xã hội với người khác.

Kết luận cho bài nghiên cứu này, Jebb cho biết: "Những khám phá này cho thấy, tiền chỉ là một phần trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai những nghiên cứu sâu hơn về mặt tâm lý – xã hội, nhằm đánh giá cụ thể hơn về những giới hạn của đồng tiền."

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ