Khổ như phải "đội sổ"

Khổ như phải "đội sổ"

(GD&TĐ) - "Đội sổ" ở đây không phải là "bét lớp" mà là nỗi lòng nhà giáo phải "đội" trên đầu cả đống sổ sách vô bổ do quý Ban giám hiệu tùy hứng bày đặt.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Mới đây, ngang qua cổng trường Trung học phổ thông T. tôi tình cờ gặp một đồng nghiệp cũ từ cách đây hơn 10 năm. Như hiểu cái nhìn dò hỏi của tôi về cái cặp trên tay vừa to, vừa có vẻ nặng, anh giải thích: Vừa mới đem cặp đi cho Ban giám hiệu kiểm tra, chấm điểm thi đua cuối năm! Từng là một giáo viên, tôi chẳng lạ gì chuyện sổ sách nhưng cứ nghĩ đó là câu chuyện từ mươi, mười lăm năm trước, ai hay ngay thời buổi CNTT hiện đại, sổ vẫn ở hàng vị trí “thống lĩnh” như vậy! Tò mò, tôi liền mời anh vào một quán nước ven đường để coi cái cặp “cơ man là sổ” trên tay anh là những sổ gì. Sau đây, xin mạn phép anh bạn GV - Tổ trưởng chuyên môn, tôi thống kê được tên 13 cuốn sổ trong cái cặp quá khổ, quá tải của anh: (1) Các văn bản chuyên môn. (2) Phiếu kiểm tra đánh giá giáo viên. (3) Đăng ký các chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm của tổ chuyên môn. (4) Lưu đề, đáp án các đề kiểm tra. (5) Hồ sơ dạy thay. (6) Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tuần, tháng, học kỳ, năm học. (7) Thống kê điểm học kỳ, sổ điểm cá nhân. (8 ) Kế hoạch cá nhân; (9) Kế hoạch, nghị quyết của tổ, nhóm chuyên môn. (9) Tài liệu chuyên môn. (10) Lưu các văn bản pháp quy. (11) Văn bằng, chứng chỉ, thành tích của cá nhân, của tổ. (12) Sổ dự giờ (13) Giáo án bộ môn.  

Khi tôi bày tỏ niềm bái phục tốc lực làm việc của bạn tôi trước một đống sổ sách như vậy thì anh cười: “Giỏi giang gì đâu em! Đó chỉ là hình thức để đối phó. Nhưng mà nó cũng làm mình mệt óc, tốn thời gian không ít!”. Anh giải thích: “Là Ban giám hiệu đề ra thì mình phải làm theo, làm chỉ để cho có mà chấm điểm thi đua, chứ không phải làm thật. Em thử nghĩ coi, đi dạy riêng cái khoản soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học, chấm bài kiểm tra…thì còn thời gian đâu mà ghi sổ, ghi sách nhiều như thế. Nên chi, cứ mỗi đợt gần tới thanh, kiểm tra, là bọn anh lại phải “è cổ” ra để mà điền vào các cuốn sổ cho đủ mục, đủ chữ.”. Tò mò, tôi liền lật một vài cuốn ra xem thì thấy nhiều dấu hiệu “khả nghi” thật. Chẳng hạn, cuốn “Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”  nhiều trang nét chữ còn mới toanh và trùng lặp với nội dung của cuốn “Kế hoạch, nghị quyết tổ chuyên môn”. Lật xem một lúc đã thấy chóng cả mặt huống gì là ghi chép để mà đối phó! Thấy tôi lắc đầu vẻ ngán ngẩm, anh bạn tôi lại cười bảo: “Nhờ đống sổ này mà anh “thi đua” hơn người ta đấy anh ạ. Em xem có ai chữ viết đẹp và đều như anh không?”. Quả thật, riêng cái khoản chữ viết của anh bạn tôi không ai có thể chê được. Thành thật xin lỗi ai đó khi tôi cho rằng, mấy anh CBQL giáo điều, giỏi nói, ít làm là rất “khoái” tạng giáo viên chịu khó trang bày sổ sách, chữ nghĩa cho ngăn nắp, trật tự. 

Để làng giáo khỏi chê trách Châm tôi “vơ đũa cả nắm”, tôi liền gọi thêm một giáo viên ở bậc tiểu học để làm một “trắc nghiệm” khác. Hỏi rằng: Em ơi, trong cuộc đời làm GV của mình, em ngại nhất là việc nào trong các việc sau đây: Soạn bài, chấm bài, làm sổ sách, lên lớp… Không ngờ, em cho lời giải rất nhanh: “Làm sổ sách chị ạ!”. Lại phỏng vấn tiếp: “Sổ sách là nhiệm vụ của người giáo viên, có gì đâu mà ngại”. Thì em than vãn một thôi, một hồi không ngừng nghỉ: Em không biết ở nơi khác thì sao chứ nơi em, đã có giáo án rồi lại phải có 2 cuốn sổ theo dõi sách giáo khoa trong quá trình giảng dạy; rồi lại cả sổ chuyên môn ghi chép điểm mới của chương trình SGK; Sổ tự học, tự rèn nữa. Đấy là về chuyên môn, còn về giáo viên chủ nhiệm, đã có sổ chủ nhiệm rồi lại phải có thêm cuốn nhật ký theo dõi học sinh từng ngày nữa. Cứ chồng chéo lên nhau, chán lắm chị ạ! Em nghĩ vất vả như thế liệu có ích lợi gì. Cứ mỗi khi ở trên về kiểm tra là lại thi nhau ghi chép cho đủ để đối phó. Ngay cả cuốn sổ hội họp, em nghĩ có nhất thiết phải nộp để mà kiểm tra hay không? Nếu đúng nghĩa là hội họp thì chi tiết nào chúng em cũng phải ghi, kể cả những chuyện hiệu trưởng quán triệt chỉ nói riêng trong nội bộ. Vậy nên khi cấp trên về kiểm tra, có khi phải xé trang “có vấn đề” đi để ghi trang khác. Thế có phải là căn bệnh hình thức, đối phó hay không? 

Đến đây, tôi chẳng biết phải trả lời như thế nào. Bỗng nghe tiếng bật thốt tự đáy lòng: Thật là khổ như phải đội sổ.

Hồng Châm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ