Khó như công nhân gửi con

Khó như công nhân gửi con
Một điểm giữ trẻ gia đình được người dân lập ra để trông giữ con em công nhân
Một điểm giữ trẻ gia đình được người dân lập ra để trông giữ con em công nhân

GD&TĐ) - Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn, thậm chí là những vụ “xuống tay” không thương tiếc đối với trẻ em ở các nhà trẻ tư thục và các nhóm trẻ gia đình. Điều đáng chú ý hiện nay là nhu cầu gửi con của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) là rất lớn.

Trong khi hệ thống trường lớp công lập chưa đáp ứng nhu cầu thì những điểm giữ trẻ tự phát, các nhóm trẻ gia đình “mọc” lên, vấn đề đặt ra là ai sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ tại những nơi này? 

KỲ 1

Những người giữ trẻ “tay ngang”

Chúng tôi tìm đến khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, nơi có trên 20 ngàn công nhân đang làm việc, sinh sống. Theo thống kê trong số công nhân này thì có đến 70% là nữ và đang trong độ tuổi sinh sản. Họ là những lao động đến từ TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… 

Theo Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp (KCX&CN) TP Cần Thơ cho biết, công nhân có một số ít gia đình gần khu công nghiệp nên không phải ở trọ, còn lại đa số công nhân phải thuê nhà trọ xung quanh khu công nghiệp để ở. Làm ăn, sinh sống dần rồi họ lập gia đình và sinh con đẻ cái, tính trung bình mỗi công ty nơi đây có từ 1.200 – 1.300 công nhân nên mỗi năm số lượng con của công nhân được sinh ra cũng khá nhiều. “Nữ công nhân lao động hiện nay được nghỉ hậu sản 6 tháng, nhưng các trường mầm non, mẫu giáo chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên.

Trong khi đó sau 6 tháng sinh sản thì nữ công nhân phải làm việc trở lại. Vấn đề đặt ra là trong thời gian khoảng 1 năm chờ con mình đủ tuổi gửi trường mầm non thì những gia đình công nhân có con nhỏ không biết phải gửi con ở chỗ nào cho đảm bảo an toàn...”, ông Huỳnh Hữu Thông - Chủ tịch Công đoàn các KCX&CN TP Cần Thơ cho biết.

Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi tìm đến những nhà trọ xung quanh khu công nghiệp Trà Nóc. Từ quốc lộ 91 rẽ vào các con hẻm, nơi có nhiều dãy phòng trọ liền kề nhau, đó là những “gia đình” công nhân. Đến vào buổi trưa nên đa số gia đình công nhân đã đi làm, buổi trưa họ không về nhà mà nghỉ tại công ty, con thì gửi người khác trông giữ.  

Đi qua những dãy phòng trọ có thể bắt gặp những căn phòng nhỏ được gia chủ ngăn ngang cửa bằng vài thanh ván để giữ trẻ. Đây là những điểm giữ trẻ gia đình “mọc” lên ở các khu nhà trọ có đông công nhân. Theo nhiều chủ trọ cho biết, đây là những người không đi làm, thường là vợ của công nhân nên tận dụng thời gian rảnh rỗi nhận vài đứa trẻ về giữ để thêm thu nhập. Họ cũng là những người giữ trẻ “tay ngang” và chưa được qua đào tạo trường lớp sư phạm hay nghiệp vụ nào.

Chị T.T.N. có chồng làm ở Công ty thủy sản ở KCN Trà Nóc. Chị hiện có con 22 tháng tuổi, do ở nhà không đi làm nên chị nhận giữ thêm một trẻ ở cùng dãy nhà trọ. “Thấy rảnh rỗi nên tôi nhận giữ thêm một trẻ 15 tháng tuổi, con của một người ở cùng nhà trọ. Vừa giữ con mình nên tranh thủ giữ luôn đứa trẻ kia, do tình thân ở chung nhà trọ đã lâu, quen biết và tin tưởng nên vợ chồng họ nhờ mình giữ con giúp, mình cũng có thêm thu nhập…”. 

“Chọn mặt gửi vàng”

Hơn 5 giờ chiều, giờ tan tầm cũng là lúc vợ chồng anh Hồng Trung và chị Ngọc Thu, công nhân Công ty may KCN Trà Nóc tranh thủ chạy về khu nhà trọ để xem con mình thế nào rồi ngồi ăn vỉa “cơm bụi” lót lòng để chuẩn bị vào ca tối.

Theo anh Trung cho biết, hai vợ chồng quê ở Hậu Giang, gia đình đơn chiếc nên vợ vừa hết thời gian hậu sản thì đành gửi con để đi làm. Ở gần nhà trọ có gia đình nhận giữ trẻ, mỗi tháng cũng hơn 1 triệu đồng. Gửi con mà mình cũng lo lắm, con còn nhỏ quá mà phải xa cha mẹ nên thiếu thốn tình yêu thương, chăm sóc. Nơi giữ trẻ cũng đông đúc, chỉ có 2 người trông nom nên khó lòng mà đảm bảo điều kiện tốt cho con mình…

“Việc chọn nơi gửi con cũng như chọn mặt gửi vàng, mình ở nhà trọ quen biết rồi nhờ họ giữ con chứ đâu có họ hàng huyết thống gì và cũng không có gì ràng buộc!”, anh Trung lo lắng. 

Ông Nguyễn Văn Út, chủ nhà trọ trong con hẻm nhỏ đối diện đường vào khu công nghiệp Trà Nóc cho biết: “Đa số công nhân quê ở xa, họ đến thuê nhà trọ làm một thời gian thì lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nhà nào có điều kiện, hai bên ông bà nội, ngoại còn khỏe thì lên nhà trọ để phụ trông nom cháu. Ai hoàn cảnh đơn chiếc thì phải tự bơi, sau khi nghỉ hộ sản xong thì phải đem con đi gửi để làm tiếp… Có khi tăng ca đến hơn 8 giờ tối mới về, mấy đứa nhỏ cũng đành chịu cảnh thiệt thòi, khát sữa vì cha mẹ lo làm việc”.

Vợ chồng chị Đào Thị Thu Thảo quê ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) làm công nhân Công ty may ở KCN Trà Nóc được hơn 4 năm nay. Hai vợ chồng có con gái được hơn 20 tháng tuổi, đây cũng là lứa tuổi được nhận vào trường mầm non nên vợ chồng chị rất vui mừng. Trước đây khi con còn nhỏ, chị cũng hết thời gian hậu sản nên phải đi làm và đành gửi con cho những người xung quanh nhà trọ giữ giúp, tiền công cũng từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng.

“Nói thật gửi con theo kiểu chọn mặt gửi vàng thế này trong lòng cũng thấp thỏm, lo âu, không biết con ở nhà ra sao. Làm việc cứ trông cho mau hết thời gian để về với con cho yên tâm. Bạn bè làm chung công ty đa số ở nhà trọ nên cũng gửi con nhỏ để đi làm việc sau thời gian nghỉ hậu sản. Dù lo lắng, thấp thỏm nhưng cũng gửi mới có thể đi làm được…”, chị Thảo cho biết.

Nhiều gia đình công nhân đang ở nhà trọ, có con nhỏ ví việc gửi con ở điểm giữ trẻ gia đình như “chọn mặt gửi vàng”. Đôi khi họ lo lắng và không yên tâm để làm việc. Tuy nhiên hiện nay đây được xem như phương án khả thi nhất để gia đình công nhân có con nhỏ lựa chọn.  

Vụ việc bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở quận Thủ Đức, TP HCM “xuống tay” làm tử vong cháu bé 18 tháng tuổi đang gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận. Đây là hồi chuông cảnh báo vấn đề an toàn cho trẻ trong các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát. Trong đó “bất an” nhất vẫn là những người đang ở hoàn cảnh tương tự – những công nhân đang có con gửi ở điểm giữ trẻ quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Nguyễn Quốc Ngữ

Kỳ 2: An cư mới lạc nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ