Khó lặp lại "kịch bản" hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Khó lặp lại "kịch bản" hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa

(GD&TĐ)-Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Quyền-Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2012 thông báo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm do Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 5/3.

Giá gas, xăng dầu là những vấn đề nóng bỏng tại cuộc họp báo (ảnh MH)
Giá gas, xăng dầu là những vấn đề nóng bỏng tại cuộc họp báo (ảnh MH)

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi tập trung quanh vấn đề kinh doanh xăng dầu thời gian tới như giá sẽ tăng bao nhiêu, chi phí kinh doanh sẽ chỉnh sửa như thế nào và việc xử lý các cửa hàng vi phạm xăng dầu…

Ông Quyền cho biết, theo các doanh nghiệp đầu mối phản ánh thì giá cơ sở (theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP) đang vượt trên giá bán hiện hành. Còn biện pháp nào để không tái diễn tình trạng đóng cửa các cửa hàng xăng dầu những năm trước thì nguyên tắc là giá xăng dầu phải vận hành theo thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo bình ổn thị trường, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội thì đây là bài toán khó mà các nhà kinh tế vĩ mô mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính phải tính đến, vì Bộ Tài chính chủ trì về thuế, phí và giá xăng dầu.

Về phía Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để sớm có văn bản trình Chính phủ theo thẩm quyền quản lý nhà nước của từng bộ để xử lý vấn đề này sớm.Bộ Công Thương cho biết, 2 tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng đã tác động đến việc một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị, trong đó có giá xăng dầu tăng 18,5% thì lượng nhập khẩu xăng dầu giảm 31,7%, kim ngạch giảm 19%.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về chất lượng xăng  dầu, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng quy định.

Kết quả, đã kiểm tra, xử lý 2.228 trường hợp kinh doanh xăng dầu, phát hiện xử lý 501 vụ vi phạm hành chính, xử phạt 1.561.720.000 đồng, tước giấy phép kinh doanh của 13 cửa hàng xăng dầu vi phạm.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số báo, việc tăng giá gas trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức tiêu thụ của người dân. Giá gas tăng cao nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp khác, kéo theo tình trạng gas chiết lậu, gas giả, kém chất lượng.

Trả lời thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, với mặt hàng xăng dầu, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; rà soát các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; phối hợp Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (như giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý…) phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ tiến hành rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Đối với mặt hàng gas, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng gas, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng quy định, các trường hợp chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời nghiên cứu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về chính sách tỷ giá ngoại tệ phục vụ nhập khẩu gas, về vấn đề đấu giá gas sản xuất nội địa theo hướng cạnh tranh, minh bạch.

Về tình hình sản xuất và cung ứng điện, Bộ Công Thương cho biết, tháng 2/2012 sản lượng điện ước đạt 8,4 tỷ kWh, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ ước đạt 16,3 tỷ kWh, tăng 12,8%.

Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Vụ trưởng vụ Điều tiết thị trường cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam  theo dõi tình hình, kịp thời có phương án điều hành điện một cách hiệu quả, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản có trách nhiệm đảm bảo cho các nhà máy điện chạy liên tục. Đồng thời đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền việc sử dụng điện tiết kiệm, về lâu dài sẽ giảm bớt được việc sử dụng các tài nguyên khác.

Về ý kiến có khả năng dùng thuế trích cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất để bù đắp lỗ kinh doanh xăng dầu lúc này hay không, ông Quyền cho rằng: Đây chỉ là một ý kiến đề xuất nhưng trừ việc điều hành thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế khác phải thông qua Quốc hội, còn các bộ, ngành, Chính phủ không có chức năng sử dụng thuế để điều tiết.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ