Khi trò nghi vấn thầy thiếu công bằng

GD&TĐ - Em đang học lớp 12, và hiện làm lớp trưởng. Lớp em xưa nay khá vui vẻ, đoàn kết nhưng gần đây trong lớp các bạn xôn xao về chuyện của bạn N.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những lời bàn tán chủ yếu xung quanh vấn đề là môn Vật lý của N mấy năm rồi chỉ trung bình nhưng tự nhiên sang năm học này điểm Lý của N khá cao, toàn 8 điểm, có lúc còn được 9, 10. Trong lúc đó, nhiều bạn trước đây học Lý tốt hơn N rất nhiều thì điểm thua xa. Các bạn cứ tụm năm, tụm ba thì thầm với nhau bất cứ lúc nào.

Thầy giáo dạy Lý của chúng em còn rất trẻ, mới về trường vài năm. Có bạn còn nói thầy Lý có tình cảm với N nữa. Em có quan sát trên lớp thì chưa phát hiện ra biểu hiện nào của thầy trong giờ dạy tỏ ra tình cảm riêng với N. Chắc là các bạn nghi oan cho thầy vụ tình cảm rồi, nhưng còn chuyện vì sao điểm số của N cao bất ngờ, bản thân em cũng băn khoăn.

“Nghi án” thầy Lý và N không chỉ tạo ra các câu chuyện bàn tán không hay trong lớp mà còn có nguy cơ gây mất đoàn kết. Một số bạn gái có xu hướng “lơ” bạn N. Tệ hơn, có bạn còn nói những lời nói thiếu tôn trọng thầy Lý.

Em không biết phải giải quyết câu chuyện này thế nào, để lớp trở lại không khí vui vẻ như xưa. Hay là em tổ chức một cuộc họp của lớp rồi nêu vấn đề này, chấn chỉnh các bạn trước…?

                                                                 Ngọc Thạch (Đồng Nai)

Ngọc Thạch mến,

Qua câu chuyện em gửi đến cho thấy em là một học sinh sống rất có trách nhiệm, thật đáng khen. Nếu em bỏ qua thực tế này, cùng vào cuộc bàn tán với các bạn, không biết chừng câu chuyện bất bình ngấm ngầm này sẽ bùng phát lúc nào và hậu quả sẽ ra sao.

Công bằng với học sinh là một tiêu chuẩn rất quan trọng của người thầy giáo. Vì có như thế học sinh mới có niềm tin, thầy giáo mới động viên được học sinh nỗ lực học tập. Nếu “nghi án” thầy Lý thiên vị không giải được, các em sẽ mất niềm tin vào thầy, sẽ không còn tìm thấy động lực học tập nữa, đúng không?

Việc mở một cuộc họp có vẻ dân chủ và công khai để dẹp hiện tượng nói xấu thầy và bạn, có lẽ là hơi nóng vội, vì lúc này bản thân em chưa biết được thông tin cụ thể thế nào, và đây cũng là chuyện ít nhiều rất tế nhị. Biết đâu mấy năm vừa qua bạn N chưa tập trung vào học môn Lý, bây giờ sang lớp 12, bạn đã xác định khối thi có môn Lý rồi nên đầu tư học tập, nên kết quả vượt trội chăng? Mong là nguyên nhân câu chuyện theo hướng này. Nhưng cũng có thể thầy Lý đang dạy kèm N, có tình cảm riêng với N và đang thiên vị thực sự? Nếu thầy Lý thiên vị kiểu này thì chuyện lớn rồi, trách nhiệm giải quyết không thuộc về em nữa.

Cách tốt nhất trong trường hợp này, khi đã phát hiện vấn đề, em phải tìm hiểu thêm thông tin và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, không nên tự ý đứng ra giải quyết. Giáo viên chủ nhiệm sẽ xác minh thông tin một cách tế nhị nhất và xử lý thông tin khéo léo để vừa bảo đảm công bằng, vì quyền lợi của học sinh (nếu đồng nghiệp thiếu công bằng), hoặc dẹp được dư luận không hay, bảo đảm uy tín của đồng nghiệp (nếu học sinh mình “bé cái nhầm”).

Mong lớp em sớm ổn định sau “bão” dư luận, để hoàn thành chương trình năm cuối cấp một cách tốt đẹp nhất!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.