Đừng coi thường điều nhỏ nhặt
Trẻ con thường nảy sinh tâm lý thích những đồ vật nhỏ xinh mà mình không có. Vì vậy nếu không được nhắc nhở về tính thật thà, một số trẻ sẽ lén lấy mang về. Nhiều phụ huynh lúc đầu không để ý những chuyện này, tới khi con nhiễm tính xấu thì mới tá hỏa.
Mẹ của cu Bin mấy hôm nay cảm thấy buồn bực và tự trách bản thân mình chưa quan tâm đến con thật kỹ càng. Tuần trước khi đón con ở trường tiểu học, một mẹ níu chị lại nhỏ to: “Chị ơi, chị thử về hỏi cháu xem cháu có cầm nhầm chiếc bút máy có hình Doraemon của con gái em không? Vì hai cháu ngồi gần nhau.” Chị hơi sững người nhưng cố để con không xấu hổ tại trường nên trao đổi nhanh, khất lại hôm sau trả lời rồi vội vàng chở con về nhà.
Về đến cửa, vừa tra hỏi, chị vừa mở cặp con để kiểm tra. Lúc này chị càng giật mình hơn vì không chỉ có hai chiếc bút máy lạ mà còn cả một chiếc thước kẻ và viên tẩy mới tinh nhưng chắc chắn không phải chị mua. Lúc đầu cu cậu chối quanh, sau đó thì bao biện là nhặt được ở lớp. Biết là con nói dối, song chị chưa biết phải làm gì để con trai nhận ra lỗi lầm để sửa chữa…
Còn nhiều trường hợp khi thấy con có tính tắt mắt bố mẹ đã không kìm nổi bực tức mà mắng mỏ chì chiết con. Điều này không có tác dụng tốt mà lại khiến trẻ trơ lì và còn tìm ra cách đối phó, giấu giếm mà bố mẹ khó lòng kiểm soát được. Hãy nhớ, càng những lúc như vậy, bạn càng phải bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc.
Nếu con bạn mắc lỗi lần đầu, cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân, động cơ khiến con làm như vậy, rồi yêu cầu con trả lại tiền hoặc món đồ con đã lấy và nói lời xin lỗi. Còn nếu con bạn đã mắc tật này nhiều lần, hãy trao đổi với cô giáo chủ nhiệm hoặc chuyên gia tâm lý để giúp con loại bỏ được tính xấu này.
Giúp trẻ loại bỏ tính xấu
Theo ThS Trần Thị Hiền, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, để trẻ không mắc tính tắt mắt, cha mẹ phải quan tâm tới những điều tỉ mỉ diễn ra xung quanh con hàng ngày.
Người lớn nên hướng dẫn trẻ cách ứng xử trong trường hợp đánh mất hoặc nhặt được đồ ở lớp. Khi phát hiện bé lấy đồ của người khác (kể cả nhặt được), ngay lập tức phải phân tích cho bé hiểu hành động đó là sai trái và hướng dẫn cách trả lại đồ đồng thời nói lời xin lỗi bạn nếu cần.
Cha mẹ nên tìm hiểu để biết tại sao con lại lấy đồ đạc của bạn, lấy để làm gì? Tiếp đó cha mẹ cần phân tích cho con hiểu việc lấy đồ vật của người khác là xấu như thế nào, người khác bị con đánh cắp đồ vật sẽ cảm thấy ra sao…
ThS Trần Thị Hiền phân tích: Thường thì khi phát hiện ra việc con lấy đồ của người khác, cha mẹ đều sốc. Tuy nhiên, đây là lúc cần bình tĩnh, vì trẻ mới chỉ hành động theo cảm tính, sở thích nhất thời, chứ chưa hiểu hết tầm nghiêm trọng của sự việc.
Thế nên, điều bố mẹ cần làm lúc này là hãy cho con biết nỗi buồn phiền của người bị mất đồ đạc. Bố mẹ có thể kể cho con nghe hoàn cảnh của một người bị mất sạch đồ đạc do trộm cắp, hoặc người bị bệnh nặng đã bị mất số tiền duy nhất dùng để chữa bệnh. Khi trẻ thử đặt mình vào những tình huống không may mắn đó trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm của mình.
“Cần lưu ý là, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng con quá mức. Cha mẹ nên tiếp tục theo dõi con và điều chỉnh hành vi của con một cách đúng đắn”- ThS Trần Thị Hiền nêu rõ.