Khi thầy và trò cùng đồng hành trên miền đất đỏ

Khi thầy và trò cùng đồng hành trên miền đất đỏ

Những rào cản khách quan

Thầy Phạm Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, chia sẻ: Trường đóng trên địa bàn có kinh tế - xã hội khó khăn, mặt bằng dân trí chưa cao, vì vậy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT có năm còn thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Tỷ lệ HS vào ĐH, CĐ ước tính cũng chỉ khoảng 50%. Việc duy trì số lượng HS chưa bảo đảm, cho dù các thầy cô cố gắng nhiều nhưng vẫn không ngăn được tình trạng HS bỏ học vào cuối năm.

Còn đội ngũ và cơ sở vật chất đủ vế số lượng, nhưng vẫn thiếu và yếu so với mặt bằng chung. Thêm khó khăn nữa là do địa bàn dân cư nghèo nên rất khó cho công tác xã hội hoá GD, nhất là huy động nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân phục vụ cho công tác GD và tăng cường cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, cũng như các khoản lệ phí đóng góp theo quy định còn quá chậm.

Phân tích các nguyên nhân, chỉ đơn cử như việc ngăn HS bỏ học, thầy Sinh cho rằng: Do các em chủ động chuyển sang học nghề, cũng có HS bỏ học do sức học quá yếu. Tâm lý hoài nghi về việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường cũng khiến ít nhiều phụ huynh không mặn mà động viên con em học tập. Mặt khác, một số ít GV chủ nhiệm còn chưa quan tâm đầy đủ đến công tác duy trì sĩ số trong đó có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Hạn chế này cũng có nguyên do công tác GD hướng nghiệp chưa đạt yêu cầu...

Trong nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS, thầy Sinh cũng thừa nhận hiệu quả chưa cao. Khó khăn khách quan không thể phủ nhận là đầu vào yếu so với yêu cầu. Nhưng nguyên nhân chủ quan được cho là còn một số GV chưa đầu tư nghiên cứu tài liệu hướng dẫn về việc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng năng lực HS. Dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn và vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn chưa được chú trọng đúng mức, chưa khơi gợi được sự sáng tạo trong quá trình dạy học. Phần khác, do GV ngại đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy.

Tăng cường hoạt động hướng nghiệp của đoàn thanh niên
Tăng cường hoạt động hướng nghiệp của đoàn thanh niên

Mong muốn nâng chất lượng

Ban giám hiệu đã yêu cầu các GV phải gần gũi HS hơn, GV chủ nhiệm cần kiên trì tuyên truyền, GD thay đổi nhận thức trong cả HS và phụ huynh. Để mọi người cùng thấy HS đến trường được học tập nâng cao kiến thức là việc cần thiết. Song song với đó, thực hiện công tác tư vấn học tập, lựa chọn nghề nghiệp cho HS và phụ huynh, để các em hiểu rằng, có thể học đại học, cao đẳng hay học nghề tuỳ theo năng lực học tập của mỗi cá nhân. Nhưng học và làm gì cũng cần có ý chí, nghị lực và quyết tâm cao, còn những ngày ngồi trên ghế trường phổ thông phải có nghĩa vụ học tập tốt.

Về phía chuyên môn, ban giám hiệu yêu cầu các tổ bộ môn phải bố trí hợp lý các tiết dạy học tự chọn theo yêu cầu các tổ chuyên môn, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Vào đầu năm học các tổ thống nhất nội dung phân phối chương trình chi tiết, kế hoạch tổ chuyên môn, chương trình tự chọn theo chủ đề. Tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề.

Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Các thầy cô giáo phải nỗ lực nhiều hơn, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn để học sinh cảm thấy hứng thú qua mỗi bài giảng, niềm vui hạnh phúc trong mỗi giờ lên lớp.

Một không khí đổi mới, sáng tạo đang dần hình thành. GV đã chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt. Có sự phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm, khắc phục lối dạy học thuần túy đọc - chép, phát huy tính tích cực hứng thú trong học tập của HS và vai trò chủ đạo của GV trong tổ chức quá trình dạy học.

Nhiều thầy cô đã tăng cường, sử dụng hợp lý CNTT, khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn, coi trọng thực hành thí nghiệm, hướng dẫn HS tự học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề đã được chú trọng hơn.

“Các thầy cô đã đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ngoài nhà trường cũng được thầy cô lưu tâm”, thầy Sinh vui vẻ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ