(GD&TĐ) - Giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức về phòng tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là HIV còn hạn chế. Nhiều chuyên gia về giới cho rằng, giáo dục giới tính phải được đưa thành nội dung bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu trước khi HS bước vào giai đoạn dậy thì.
Thiếu kiến thức về giới
Có một nghịch lý tồn tại lâu đời trong người Việt, là các bậc cha mẹ luôn muốn quản chặt con cái trong chuyện yêu đương nhưng lại né tránh, không trang bị kiến thức giới tính cho con. Để thỏa mãn trí tò mò của mình, giới trẻ chủ yếu tìm kiếm thông tin trên mạng, hoặc trao đổi với bạn bè.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho sự chia sẻ giữa cha mẹ và con cái vô hình có khoảng trống ngăn cách. Đa số các em chỉ nói với cha mẹ khi có người yêu, đặc biệt gần 80% giấu bố mẹ chuyện mình có quan hệ tình dục. Theo điều tra của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số ở 40 nam sinh và 40 nữ sinh, độ tuổi từ 16 đến 18 và 762 vị thành niên, thanh niên từ 14 - 24 tuổi thì có tới 69,5% người trả lời đã từng có quan hệ; 30,5% đang có quan hệ và 8,6% đang ở giai đoạn hẹn hò.
Trẻ em ngày càng dậy thì sớm, tuổi chập chững yêu ngày càng bị rút ngắn nhưng kiến thức về giới lại không được trang bị một cách kỹ lưỡng. Giới trẻ không được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng biết tự bảo vệ mình trước các cuộc hẹn hò khác giới, hoặc cách kìm nén cảm xúc... đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
|
Cần đa dạng hóa loại hình giáo dục giới tính để HS dễ tiếp cận. Ảnh minh họa: Phan Hải |
|
Không chỉ ở nông thôn, hoặc vùng sâu vùng xa vẫn tồn tại hủ tục 13 - 14 tuổi dựng vợ gả chồng mà ngay thành phố lớn, nhiều em HS đang tuổi cắp sách đến trường đành lỡ làng chuyện học hành chỉ vì thiếu hiểu biết, không lường trước được chuyện mang thai ngoài ý muốn. Còn với các bậc phụ huynh, chấp nhận chăm nuôi cả con, cả cháu bởi “bố mẹ trẻ con” đang tuổi ăn học, có biết gì đâu mà lo.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên, là nước có tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đứng thứ 5 trên thế giới. Tỉ lệ cặp vợ chồng vô sinh có xu hướng ngày càng tăng và tỉ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Điều đó phản ánh thực tế là hiện nay, nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức cơ bản về tình dục, sức khỏe sinh sản dẫn đến những hệ lụy khôn lường về tâm lý, thể chất và dẫn đến nguy cơ vô sinh.
Trang bị kiến thức từ học đường
Trước tình trạng báo động về tỉ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ở nước ta cao nhất khu vực, không ít hội thảo lớn được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp với sự tham gia của các chuyên gia trong nước, quốc tế. Song thực tế, công tác giáo dục giới tính cho tuổi trẻ học đường vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn bởi còn nhiều hạn chế về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy.
Theo bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số: Ngành Giáo dục cần đưa giáo dục tình dục thành nội dung bắt buộc, vấn đề giới cần được lồng ghép trong các nội dung cũng như cách thức tổ chức giáo dục. “Đặc biệt, việc giáo dục tình dục cần quan tâm xây dựng kỹ năng, không dừng lại ở trang bị kiến thức và cần giáo dục liên tục, có sự tham gia của cha mẹ cần chủ động nói chuyện cởi mở về tình dục với nội dung phù hợp độ tuổi của con”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Chuyên viên Vụ Công tác Học sinh - sinh viên, Bộ GD&ĐT, chia sẻ: Mô hình triển lãm của Thái Lan về giáo dục sức khỏe giới tính, giới và phòng, chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đã cung cấp cho giới trẻ những hiểu biết về tình dục lành mạnh. Công khai thúc đẩy việc cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về tình dục lành mạnh ở cấp quốc gia; phát triển và thúc đẩy quá trình dạy và học về tình dục an toàn trong giáo dục.
Về phía Bộ GD&ĐT cũng cho biết, để tăng cường vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho HS trong nhà trường, cần nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động ngoại khoá về giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị và phân biệt đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đảm bảo an toàn, thân thiện trong các dịch vụ y tế trong các cơ sở giáo dục. Bộ đã dự thảo Kế hoạch Hành động phòng, chống HIV/AIDS của ngành GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo về phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho học sinh, sinh viên; đa dạng hóa các kênh đào tạo và truyền thông. Đồng thời chú trọng nhiều đến mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng... |