Khi "má" giận...

Khi "má" giận...

(GD&TĐ) - “Học hành không lo mà lưu bút lưu biết, các em dẹp hết tất cả cho tôi!...”

Đó là câu nói nặng nhất đã thốt lên từ “má” Hảo – người mà chúng tôi cứ đinh ninh lúc nào cũng như ma-sơ, chẳng bao giờ biết giận… 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

“Má” Hảo - tên gọi được 56 thành viên 12A7 thống nhất – là một cô giáo hiền lành, tận tụy và rất đỗi kiên nhẫn với chúng tôi. Dường như, cô chưa bao giờ trách phạt hay la mắng bất kì câu “khó đỡ” nào. Cái cách “má” chuộng nhất để dạy dỗ chúng tôi chính là đàm phán, là khuyên nhủ, là… nói như chúng tôi vẫn gọi: “Đối thoại không đối đầu”. Ấy vậy mà, mới đó thôi, “má” Hảo đã làm từng người biến sắc, mắt chữ A miệng chữ O ngỡ ngàng bất động…

Căn nguyên cơn giận của “má” dù không ai nói ai, nhưng chắc ai cũng rõ. Bởi nó chỉ vừa xảy ra cách đó chừng bốn tiết học. Chuyện bắt đầu từ việc Quốc bị vây đánh trên đường đến lớp. Phong là anh họ (cũng là thành viên của lớp) vừa nghe một bạn nữ hớt hải: “Phong ơi, em mày bị tụi A1 đánh hội đồng kìa!”, liền chạy ra khỏi lớp. Ngay lập tức, hơn 20 “anh hùng” của lớp cũng xông xáo ùa nhau đi “trợ giúp”. Lũ con gái nhốn nháo lời ra tiếng vào “Nhanh nhanh đi, lớp mình đi đông cho tụi nó sợ” càng thổi bồng thêm “hào khí A7”. Kết quả của “cuộc chiến” – theo thống kê từ “Tình tám”: “Không có trọng thương, thương vong càng không, nhưng trầy xước nhẹ thì không ít”… Và đây có lẽ là trận hãi hùng nhất mà lớp tôi đã gây nên từ đầu năm học đến nay. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ “đoàn kết” thiển cận trong mắt tuổi ô mai…

Sau khi “hào khí” tạm lắng, cả lớp bắt đầu lên dây cót chuẩn bị “gác tai” nghe “má” Hảo dành trọn tiết học cuối để khuyên răn, nhắc nhở. Thế nhưng, khác với dự đoán, “má” không hề đề cập đến chuyện đã xảy ra, dù đập vào mắt cô là một vài “anh hùng rơm” quần áo xốc xếch như đang gợi chuyện. Nhỏ bạn ngồi cạnh ghé sát tai tôi: “Dư luận hôm nay hiền thế, bác bảo vệ còn nhân đạo hơn mày nhỉ?”. Tôi ừ hử cho qua chuyện nhưng mắt thì “dán” vào cô. Tiết học trôi chảy theo lời giảng, còn tôi lại mơ hồ với cảm giác lạ đang dậy sóng. Gần hết tiết, các bạn tranh thủ mà rụt rè chuyền tay nhau mấy quyển lưu bút. Dạn dĩ hơn, dăm ba đứa thầm thì “Tối viết gấp, mai mang cho tao!”, “M trả sổ đây, tao đưa đứa khác”…

Tôi vẫn chưa rời mắt khỏi “má” Hảo. “Má” không nói gì, chỉ nhìn. Lớp trưởng tinh ý quay sang nhắc nhở: “Tụi bay im lặng hết coi, má nhìn kìa”, “Trật tự, trật tự nào”… Lác đác vài tiếng xì xào soát lại, cho đến khi “má” Hảo hét lớn một tiếng... 

Tiếng “tôi” lạnh lùng của “má” khiến ai cũng chạnh lòng. Đây là lần đầu chúng tôi thấy “má” khóc. Nhiều đứa bắt đầu không dám nhìn thẳng vào mắt cô. Lời “má” như nghẹn lại: “Hơn hai mươi năm đứng lớp, tôi vẫn dìu dắt, nâng đỡ học trò của mình một cách nhẹ nhàng và ân cần như vậy. Còn các em, các em làm tôi thấy mình bất lực khi đứng lớp… Hay các em muốn tôi thay đổi phương pháp dạy dỗ? Ai muốn ngày ngày đến lớp cứ bị tôi nhắc nhở, ai muốn đầu tuần đứng trụ cờ, ai muốn lên gặp giám thị mỗi lần phạm lỗi thì đứng hết lên cho tôi… Còn nếu các em cần một giáo viên chủ nhiệm khác trong học kì cuối cấp này thì ngay lập tức, ngày mai các em sẽ có một thầy giáo mới!”.

Cả lớp im thin thít. Ngoài sân, hình như các lớp đã về gần hết, càng khiến không gian im ắng đến rợn người. Không ít bạn khóc, khóc như cô. Sau một khoảng lặng dài, lớp trưởng phá tan bầu không khí ấy bằng việc thay mặt lớp xin lỗi cô và hứa sẽ thay đổi. Những thành viên còn lại cúi mặt như đồng tình. Lớp phó cũng góp vào: “Từ nay, lớp mình sẽ cố gắng nhé các bạn, đồng ý không?”. Cả lớp đồng thanh: “Đồng ý! Đồng ý!”. Lúc ấy, cả cô lẫn trò chỉ biết khóc mãi đến tối mới ra về…

Những tuần học sau đó, vị trí thi đua của lớp chúng tôi dần được cải thiện. Mỗi lời khen từ thầy cô lại thêm động lực để mỗi người cố gắng. Hầu hết các bạn đều tự giác giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thi thoảng mâu thuẫn, mỗi người lại nghĩ đến “má” Hảo và quy tắc “đối thoại không đối đầu” mà “dĩ hòa vi quý”. Ai cũng tự nhủ với lòng, quyết  chẳng để “má” phải khóc vì chúng tôi thêm nữa… 

Ngày chia tay bịn rịn, “má” gửi đến chúng tôi hi vọng: “Mong rằng lớp chúng ta sẽ mãi là mái ấm của tình thương, là nơi đi về của cõi lòng với những ước mơ thật đẹp của đời học sinh. Cô tự hào vì các em rất nhiều”. Tôi tin, cũng như lớp tôi, mỗi lứa đò cô đưa sang sông đều đang hướng về cô, nơi có hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân đáng kính, đáng mến. Cảm ơn bài học về tình thương, tình người, về sự quan tâm chia sẻ dù là nhỏ nhất từ cô – “má” Hảo yêu kính của chúng tôi.

Mã số: 2016

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ