Khi nghiên cứu làm luận cứ vững chắc cho chính sách

ảnh minh họa/internet
ảnh minh họa/internet

Không đợi kết thúc mới có kết quả

Chia sẻ về nhiệm vụ khoa học quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là vấn đề “nhạy cảm” vì hệ thống đào tạo giáo viên của Việt Nam đã có quá trình đào tạo khá dài theo lịch sử phát triển của đất nước. Việc sắp xếp, quy hoạch lại sẽ “động chạm” đến nhiều nơi, nhiều người nhưng trước yêu cầu mới, đây là việc không thể không làm.

“Hiện cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Qua khảo sát có thể thấy, thực trạng hiện nay là thừa, mạng lưới tản mạn, yêu cầu đặt ra là phải giảm.

Để sắp xếp, quy hoạch được hệ thống các trường sư phạm cần xác định được những bộ tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn ấy được xây dựng dựa trên chuẩn kiểm định chất lượng và chuẩn của cơ sở đào tạo giáo viên theo khuyến nghị của ngân hàng thế giới và sát với đặc điểm kinh tế - xã hội các vùng miền” - GS Quang cho biết.

Điểm mới và bền vững của nghiên cứu, theo GS Phạm Hồng Quang là tư duy của nhà khoa học và người quản lý đã chụm vào với nhau, vì vậy, những kết quả nghiên cứu sẽ không phải là minh họa cho đường lối chính sách mà làm luận cứ vững chắc cho chính sách.

“Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu của mình sẽ được sử dụng, tuy nhiên nghiên cứu và chuyển giao, nghiên cứu và ứng dụng còn khoảng cách và chúng tôi sẽ cố gắng tiệm cận gần nhau hơn” - GS Phạm Hồng Quang chia sẻ.

Với đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam“, PGS.TS Đỗ Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mục đích của đề tài là tìm ra những giải pháp thúc đẩy những nỗ lực quốc tế hóa dựa trên kinh nghiệm của hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới và tìm ra những thông lệ tốt nhất để áp dụng vào bối cảnh ở Việt Nam.

Điểm đặc biệt của nghiên cứu, theo GS Hoài, là không phải chờ 1-2 năm sau, khi kết thúc đề tài mới có kết quả, mà trong quá trình triển khai, từng phần nghiên cứu đã được chuyển giao để phục vụ quá trình xây dựng chính sách giáo dục.

“Tôi lấy ví dụ gần đây Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), những trăn trở của xã hội đã được Bộ GD&ĐT kết nối với nhóm nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu khác thông qua nhiều kênh như kết quả nghiên cứu của đề tài, hội thảo, tọa đàm… có tính hệ thống, lan tỏa.

Từ kết quả nghiên cứu sau khi cọ xát với những nhà thiết kế chính sách, chúng tôi đưa ra ngoài xã hội thông qua các kênh như hội thảo quốc tế. Như vậy, không chỉ hiệu quả với nhà thiết kế chính sách mà còn hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài” - GS Hoài chia sẻ.

GS Phạm Hồng Quang
GS Phạm Hồng Quang 

Vai trò của “người đặt hàng”

Là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khẳng định, đề tài đã chạm đến một số thực trạng chúng ta quan tâm hiện nay, ví dụ bạo lực học đường, vấn đề bắt nạt học đường, hành vi tự hủy hoại của các em với những biểu hiện như tự mình làm đau, đập đầu vào tường, cứa tay… thậm chí là hành vi tự tử.

“Đây là nút chạm vô cùng quan trọng để giải tỏa cho các em áp lực về tâm lý” - PGS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ về tính thiết thực của đề tài.

Thời gian qua, kết quả nghiên cứu và nhóm nghiên cứu của PGS Huỳnh Văn Sơn đã trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và ban hành Thông tư số 31 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Cụ thể, đề tài đã đưa ra những căn cứ về tính thực tiễn của Thông tư, vấn đề bồi dưỡng giảng viên, giáo viên để đáp ứng công tác tư vấn tâm lý học trong trường học, tính hiệu lực của Thông tư…

Với những đóng góp bước đầu, ông Sơn và nhóm nghiên cứu của mình tin rằng, khoảng hơn một năm nữa đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần cải tiến công tác tư vấn tâm lý trường học, đặc biệt công tác tâm lý học trường học và hơn hết là góp phần phát triển năng lực của học sinh - một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trả lời cho câu hỏi, vì sao giữa nghiên cứu và xây dựng chính sách đã đến gần nhau hơn trong thời gian qua, PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh đến phía “người đặt bài” - ở đây là Bộ GD&ĐT.

“Có một nguyên lý tôi xin khẳng định là nếu sản phẩm được đặt ra đề bài rất cụ thể và người nghiên cứu bám sát vào yêu cầu đó để làm ra sản phẩm thì chắc chắn mô hình chúng ta làm được sẽ đi vào đời sống thực tiễn và được áp dụng”.

PGS Huỳnh Văn Sơn
PGS Huỳnh Văn Sơn 

Nhìn lại 3 năm triển khai chương trình khoa học giáo dục tại Hội nghị triển khai Chương trình khoa học giáo dục năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mặc dù thời gian không dài, các đề tài vẫn đang trong quá trình thực hiện, song nhiều đề tài đã đóng góp cho ngành Giáo dục những luận cứ vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” là Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chương trình, đó là do khi đề xuất nghiên cứu chưa hình dung hết được những vấn đề của giáo dục nên không ít nội dung nghiên cứu và nhiệm vụ của ngành chưa thực sự khớp nhau, dẫn tới sử dụng kết quả bước đầu chưa hiệu quả.

Vẫn còn tình trạng thiếu kết nối, thiếu phối hợp, thiếu hướng đi rõ ràng. Kết quả nhiều nghiên cứu quá “thận trọng”, chưa cộng hưởng với những vấn đề cấp thiết của ngành để đóng góp trong điều chỉnh chính sách. Ngoài ra, cơ chế cấp tài chính chậm cũng chưa tạo động lực cho các nhóm nghiên cứu.

Để kết nối vững chắc giữa nghiên cứu với thực tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT cùng với các chủ nhiệm đề tài rà soát lại nội dung của từng đề tài, hình dung hết những vấn đề của ngành, chủ động đề xuất những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết, tư vấn chiến lược phù hợp.

Các vụ, cục cũng cần chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin, tài liệu có liên quan, giới thiệu các chuyên gia, các kênh tham vấn. Đồng thời, trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát thực tế trong nước và nước ngoài của các nhóm đề tài, điều này sẽ giúp cho tầm nhìn của những người làm chính sách rộng hơn, có tính thực tiễn hơn.

Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình, trong giai đoạn 2016-2018, Chương trình khoa học giáo dục đã tiếp nhận 507 đề xuất ý tưởng nghiên cứu; 50 nhiệm vụ trong số đó được xác định để thực hiện Chương trình đến năm 2020.Cũng trong gần 3 năm, đã có hơn 1225 lượt chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài, đề án của Chương trình; gần 200 hội thảo, tạo đàm, hội nghị khoa học được tổ chức; 08 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước, 04 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS.Đặc biệt, đã có hơn 1700 lượt báo cáo cung cấp luận cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động chính sách gửi góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.