Khi lợi ích của Cách mạng, của Dân tộc được đặt lên trên hết

Khi lợi ích của Cách mạng, của Dân tộc được đặt lên trên hết

(GD&TĐ) - Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, Lê Huy Doãn được theo học chữ Nho tại trường làng, sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ hết bậc sơ học và thi đậu bằng sơ học yếu lược.

Đồng chí Lê Hồng Phong
Đồng chí Lê Hồng Phong

Năm 1924, khi vừa mới bước sang tuổi 22 tuổi, chàng thanh niên trẻ Lê Huy Doãn được tổ chức gửi sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) rồi đi Trung Quốc cùng người bạn thân là Phạm Thành Khôi để liên lạc với cách mạng. Trong chuyến đi này, hai anh tự nhủ: “Không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc, quê hương”. Lê Huy Doãn đổi tên mới là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi tên thành Phạm Hồng Thái. Tháng 4/1924 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào Tân Việt Thanh niên Đoàn, tức Tâm Tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Hai tháng sau, vào ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát Méclanh khi viên Toàn quyền Đông Dương khét tiếng này trên đường sang Nhật ghé qua Quảng Châu dự tiệc ở Sa Diện. Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - một thanh niên yêu nước quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Việc không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang hy sinh, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn mất đi một người bạn, một người đồng chí thân thiết.

Sau sự kiện này, nhằm tránh sự truy lùng của mật thám, tránh tình trạng bế tắc của Tâm Tâm xã, và để có thêm kiến thức quân sự, nửa cuối năm 1924, được sự giúp đỡ của cụ Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố, khóa 2, kéo dài 16 tháng, do nhiều tướng lĩnh của Hồng quân Liên Xô và nhiều cán bộ ưu tú của Đảng Cộng sản Trung Quốc giảng dạy. Ngày 11/11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô tới Quảng Châu trong phái bộ của Bôrôđin. Khoảng tháng 12/1924, Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, và từ đây, dưới sự dẫn dắt, đào tạo của Người, Lê Hồng Phong trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường. Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc chọn Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sau đó trở thành nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Năm 1932, nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong liên lạc với trong nước củng cố cơ sở Đảng, gây dựng phong trào cách mạng. Cuối năm 1934, đồng chí được cử làm trưởng đoàn đại biểu Đảng ta, sang Liên Xô dự đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản, tại Đại hội đồng chí được bầu làm ủy viên dự khuyết của Quốc tế Cộng sản. Tháng 3/1935 tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm 1936, Lê Hồng Phong tới Trung Quốc, với danh nghĩa của Quốc tế Cộng sản bên cạnh Đảng ta, triệu tập hội nghị Trung ương, mở đầu thời kỳ mới cách mạng Việt Nam, thời kỳ mặt trận dân chủ. 

Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về nước, hoạt động ở Sài Gòn – Chợ Lớn với thẻ căn cước mang tên La Anh, một thương nhân Trung Quốc. Từ ngày về Nam Bộ hoạt động, mật thám Pháp theo dõi sát sao và lùng bắt bằng được đồng chí vì kẻ địch biết rõ đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta.

Ngày 22/6/1939, đồng chí bị sa vào tay giặc và bị Toà tiểu hình Sài Gòn kết án 6 tháng tù, 3 năm cấm cư trú. Hết hạn tù, ngày 23/12/1939, đồng chí Lê Hồng Phong được thả nhưng bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, áp giải về quê. Đầu năm 1940, dù Lê Hồng Phong đang bị quản thúc tại quê nhà, nhưng để hạn chế hoạt động và ảnh hưởng của đồng chí, Toà án Pháp kết tội đồng chí “hoạt động lật đổ” và ra trát dẫn độ về Sài Gòn. Ngày 22/10/1940, Toà thượng thẩm Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù, mất quyền công dân và chính trị, 10 năm cấm cư trú vì “hoạt động lật đổ”. Cuối năm 1940, sau một thời gian đồng chí bị giam giữ ở Sài Gòn, địch đày đồng chí ra Nhà tù Côn Đảo. 

Nhà tù Côn Đảo khi đó có 3 trại giam chính là Banh I, Banh II, Banh III và nhiều trại giam phụ. Số lượng tù nhân lên đến hơn 2000 người, đa số là tù chính trị. Lớp tù nhân ra sau khởi nghĩa Nam Kỳ đa số bị giam cầm trong Banh II và Banh III. Ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong bị cầm cố ở xà lim Sở Muối. Mục đích là cô lập Lê Hồng Phong với tổ chức tù chính trị Côn Đảo. Tuy nhiên, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Thông qua các đầu mối liên lạc, Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần văn kiện Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7-1935) cho các đồng chí có trách nhiệm, trên cơ sở của văn kiện đó, Đảng ủy Côn Đảo đã phân tích rõ thế yếu của chủ nghĩa phát xít và giáo dục rộng rãi cho cán bộ, đảng viên lòng tin yêu tất thắng vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô, vào các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít. 

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp vừa điên cuồng khủng bố trả thù, vừa nơm nớp lo sợ, sợ ngay cả những người tù đang bị xiềng xích, cầm cố. Chúng canh gác và khám xét rất kỹ, thấy một mẩu giấy vụn là quy vào tội “liên lạc”, “hoạt động chính trị ”, thấy tù nhân tụ tập sinh hoạt là vu cáo “âm mưu bạo động” và đàn áp, đánh đập rất dã man. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí đã cùng các chiến sĩ cộng sản trong tù tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Trưa ngày 6/9/1942, vào đúng ngày sinh nhật tròn 40 tuổi, trong những giây phút cuối cùng oanh liệt hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của đất nước, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhờ các đồng chí thân thương đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn gửi sắt son: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Hai vợ chồng, hai người đồng chí, hai nhà lãnh đạo của Đảng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng các đồng chí khác viết nên trang sử vàng vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. 

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ