Khi khó khăn không thể chờ đợi...

Khi khó khăn không thể chờ đợi...

(GD&TĐ) - Chiếc u – oát già nua của bộ đội biên phòng như nhảy cà tưng trên đường dẫn đến những ngôi trường giáp biên xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Từ trung tâm thành phố đến nơi này chỉ hơn 20km, nhưng con đường đầy “ổ voi, ổ trâu” lầy lội, chủ yếu là những xe tải lặc lè trung chuyển hàng hóa qua biên giới.

Đây cũng là con đường dẫn đến cửa khẩu Pò Nhùng ở biên giới Việt – Trung. Bên cạnh sự ồn ã, nườm nượp của những chuyến xe trở hàng kềnh càng, Trường tiểu học Bảo Lâm nằm lặng lẽ, cũ kỹ ngay ven đường. Từ nơi này, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những điều khó tin tại một khu vực vốn được coi chưa phải là vùng khó nhất.

Từng đoàn xe trở hàng qua biên giới thi nhau cày nát con đường qua trường học
Từng đoàn xe chở hàng qua biên giới thi nhau cày nát con đường qua trường học

Một gói mỳ tôm “cầm hơi” giữa hai buổi dạy

Căn phòng rộng chưa đầy 15m2 có chức năng cố định hẳn hoi như tấm biển trên cánh cửa đã ghi rõ: Phòng Chuyên môn. Nhưng có lẽ chưa bao giờ nó được dùng để phục vụ riêng cho cái chức năng ấy. Ngay từ khi xây dựng đây đã là “căn phòng đa năng” rồi: các thầy cô dạy tiểu học sinh hoạt chuyên môn ở đó, các cô giáo mầm non sinh hoạt chuyên môn cũng ở đó; nó còn là nơi làm việc của kế toán nhà trường, chỗ cất tài liệu của ban giám hiệu, thuốc thang của y tế trường; chỗ ở của nhân viên bảo vệ và là chỗ nghỉ trưa của các cô giáo (ưu tiên các cô thôi nhé, còn các thầy thì cứ việc “lang thang khắp sân trường” đợi đến giờ dạy – cách nói của thầy hiệu trưởng Vi Khánh Sang) những hôm phải dạy 2 buổi/ ngày.

Trường có 34 thầy cô thì chỉ có 3 giáo viên bản địa; còn lại người gần cũng ở cách trường 8 – 9 km (như Đồng Đăng, Cao Lộc), người xa lên tới trên 20 km (như ở thành phố Lạng Sơn) vẫn đều đặn sáng đi tối về trên con đường khổ ải lâu nay đã bị cày nát bởi các chuyến xe trọng tải chuyển hàng qua biên giới.

Đúng vào đợt rét đậm đầu tiên trong mùa đông, đất trời xứ Lạng lạnh tê người. Không cần hình dung, tôi cũng rùng mình nghĩ đến cảnh các thầy cô (mà chủ yếu là các cô) để kịp đến trường theo quy định thì chí ít cũng phải rời nhà từ 6 giờ, khi trời miền núi còn mù sương. Thế nên, những hôm trường dạy 2 buổi/ngày (mỗi tuần 2 buổi) thì cả 31 thầy cô nhà xa đều phải ở lại.

Đừng tưởng nói đến cửa khẩu Lạng Sơn là nơi đâu cũng sầm uất, đâu cũng “sẵn như hàng Tàu”, “rẻ như hàng Tàu”. Cửa khẩu Pò Nhùng (cách trường Tiểu học Bảo Lâm không xa) chỉ là cửa khẩu trung chuyển, không phải cửa khẩu thương mại. Đi tìm quanh xã mỏi mắt hiếm có một hàng quán để dừng chân. Mà nếu có thì cũng chẳng có tiền mà ăn.

Giáo viên mới ra trường cả lương và phụ cấp đứng lớp chưa đầy 2 triệu; giáo viên mầm non hợp đồng trừ bảo hiểm còn chưa đầy triệu rưỡi, chi tiêu dè sẻn từng đồng lẻ, đi lại khó khăn tốn kém. Trong khi đó, phần lớn quỹ công đoàn của nhà trường được lấy ra để... mua mỳ tôm cho các thầy cô ăn qua bữa trưa của các ngày dạy học 2 buổi.

Thiếu úy Hoàng Văn Khôn và thầy Vi Khánh Sang trao đổi thông tin về tình hình GD trên địa bàn
Thiếu úy Hoàng Văn Khôn và thầy Vi Khánh Sang trao đổi thông tin về tình hình GD trên địa bàn

Những buổi sinh hoạt chuyên môn, những buổi họp hội đồng của các thầy cô Trường tiểu học Bảo Lâm có lẽ là “nguội” nhất trong số những trường học tôi từng đến, từng biết. “Nguội” không phải là không khí hay chất lượng các buổi sinh hoạt, các buổi họp. Nó là sự vắng bóng của làn hơi nước bốc nghi ngút từ chén trà nóng quen thuộc. Ai khát, đã có nước lọc bác bảo vệ hàng ngày vẫn dậy sớm đun sôi để nguội cho các thầy cô dùng. Từng đồng kinh phí được dành dụm cho các gói mỳ tôm trưa cầm hơi của các thầy cô để đợi đến giờ dạy chiều mà vẫn lo canh cánh về sự tăng gia bất thường cũng có thế làm ảnh hưởng đến bữa trưa còm cõi của những con người được xã hội dành cho nhiều vinh danh, gọi trân trọng bằng “thầy” ngay giữa vùng biên sôi động...

Thành phố Lạng Sơn ngày càng phát triển. Chợ Tân Thanh, Đồng Đăng, Đông Kinh chưa bao giờ ngớt tấp nập hoạt động giao thương. Dòng xe trọng tải kềnh càng vẫn ngày đêm chen nhau trên con đường ven trường... Dường như những sôi động, ồn ã đó đều không liên quan đến các hoạt động lặng lẽ trong ngôi trường cũ kỹ này. Cũ như việc cứ hết năm thì Tết phải về.

Nỗi khổ trường chung

Vẫn biết một trong những tồn đọng của giáo dục xứ Lạng hiện nay là tình trạng trắng trường mầm non ở nhiều xã vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới; nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi biết chính xã Bảo Lâm (một địa bàn chưa phải khó khăn nhất) cũng vẫn chưa có nổi một trường mầm non mà chỉ có hai lớp mầm non ghép với Trường tiểu học Bảo Lâm. 

Thiếu úy Hoàng Văn Khôn và thầy Vi Khánh Sang trao đổi thông tin về tình hình GD trên địa bàn
Lớp học mầm non ghép với Trường tiểu học Bảo Lâm

Khuôn viên trường nhỏ hẹp. Học sinh tiểu học sau 3 tiết được ra chơi, khi ấy trẻ mầm non khi đang tham gia hoạt động gì trên sân trường cũng phải dừng lại để vào “lớp”, nhường sân chơi cho các anh chị lớn.

Khi chúng tôi tới làm việc đang có gần chục trẻ mầm non 5 tuổi bắt đầu được cô giáo dạy chữ cái; các em bé lớn hơn vào “giành chỗ” học cũng là lúc các bé này được “giải lao” ra sân chơi đùa. 15 phút trôi qua, tiếng trống vào học vang lên. Sân trường phút chốc vắng tiếng cười đùa. Trẻ mầm non lại được dẫn ra sân tiếp tục các trò chơi; nhóm trẻ 5 tuổi miễn cưỡng bước vào lớp tiếp tục làm quen với những chữ cái.

Chúng tôi thuật lại những cảm nhận và quan sát của mình với thầy Sang, thầy không khỏi trầm ngâm: “Thực tế chung trường xảy ra tình trạng khi HS tiểu học học thì HS mầm non chơi và ngược lại, nên thiếu tập trung học là hiện tượng khó tránh. Giáo viên chỉ mong muốn đề án tách riêng trường mầm non mà huyện đang triển khai sẽ sớm thực hiện, như thế không chỉ tốt cho các em HS tiểu học và mầm non, mà cũng đỡ khó cho việc triển khai các hoạt động dạy học trong nhà trường”.

Được biết, Đề án mà thầy Sang nhắc đến được đưa ra đã hơn 2 năm, địa điểm xây trường mầm non mới đã được chọn. Có lẽ ngày chọn địa điểm cũng có băng rôn biểu ngữ, rồi... thôi. Thế nên, cái nỗi khổ trường chung như tôi đang “mục sở thị” vẫn tiếp diễn còn chưa biết đến khi nào !?

Phòng Hội đồng nhà trường chỉ sau một đêm mưa
Phòng Hội đồng nhà trường sau một đêm mưa

Hơn chục lần trông chờ không bằng... một lần tình cờ

4 phòng cấp bốn xây dựng gần 20 năm (cơ sở vật chất “giá trị” nhất của nhà trường) đã hư hỏng nghiêm trọng. Hơn chục lần nhà trường đưa kiến nghị lên cấp trên xin đầu tư sửa chữa, câu trả lời vẫn là phải chờ vì chưa có kinh phí, dù có khi cần khắc phục cấp bách trước mắt là việc đảo ngói hay chống dột phòng học tạm thời.

Sự xuống cấp không đợi được với thời gian. Sức vóc của thầy cô (mà nhà trường lại chủ yếu lại là các cô giáo) thì yếu, học sinh lại quá nhỏ. Cũng may, một lần tình cờ, các chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Bảo Lâm đóng ở gần đó đến trường chơi, chứng kiến sự dột nát của phòng học, nỗi khó khăn trong hoạt động dạy và học thiếu thốn nhiều điều kiện của cô và trò, nên cán bộ chiến sĩ của Đồn đã tổ chức đảo ngói lại giúp nhà trường; nhờ vậy mấy phòng học cấp 4 mới đủ sức “trụ” được đến giờ. Nhưng có vẻ sức chịu đựng của công trình cũng đã đến ngưỡng. Chỉ một cơn mưa phùn (ngay trước thời điểm chúng tôi đến), cả nền căn phòng lớn nhất (vừa được sử dụng làm phòng Hội đồng vừa là phòng truyền thống...) đã đầy nước.

“Liệu lần này có coi là một lần tình cờ nữa không?” chúng tôi hỏi vui Thiếu úy Hoàng Văn Khôn, Đội trưởng đội vận động quần chúng đồn Biên phòng Bảo Lâm - “người dẫn đường” cho chúng tôi tới trường. Thiếu úy Khôn khảng khái: “Sẽ về báo cáo lại chỉ huy”. Bộ đội biên phòng vẫn gắn bó với nhà trường, quan tâm giúp đỡ nhà trường không ngần ngại. Thầy Sang băn khoăn: “Thật tình tôi chỉ mong cấp trên sẽ lưu ý đầu tư kinh phí sữa chữa, chứ nhà trường đã nhờ các anh em bên Biên phòng nhiều lắm rồi...”.

Là thầy Sang nói vậy, chứ tôi hiểu lắm cái nghĩa của từ “nhờ” ở đây. Phải nói là “sát cánh” và “góp sức” thì đúng hơn. “Gần như mọi hoạt động của nhà trường đều có sự giúp sức của các anh em biên phòng, nếu không chúng tôi sẽ rất khó khăn”, thầy Sang lại nhấn mạnh. Được biết, sân trường chính, sân điểm trường Kòn Háng, điểm trường Nà Phàn (2 trong 3 điểm trường của Trường tiểu học Bảo Lâm, không kể trường chính) cũng do các chiến sĩ biên phòng trực tiếp góp công, góp sức và hỗ trợ kinh phí thực hiện. Không chỉ thế, ngay trong công tác vận động học sinh ra lớp, bảo đảm sĩ số, thực hiện phổ cập giáo dục, tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục tới người dân... nhà trường cũng nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ và tận tình của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, đặc biệt là công tác vận động trẻ tới trường và bảo đảm sĩ số.

Với đặc thù địa hình, không những các thầy cô giáo ở xa trường mà nhiều học sinh cũng ở rất xa trường, trong đó ở xa nhất phải kể đến 2 anh em Lâm Quang Quyết (lớp 4) và Lâm Xuân Tình (lớp 3) nhà ở mãi bên bản Khuổi Tao thuộc thôn Cò Luông, cách trường hơn 8 km đường đèo núi, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn. Đầu năm học, cha mẹ 2 em đã quyết định cho con nghỉ học. Đích thân hiệu trưởng Sang, thiếu úy Khôn cùng cô giáo chủ nhiệm đi bộ vào tận bản, phối hợp với các già làng trưởng bản vận động được 2 em ra lớp trở lại.

Để 2 em yên tâm học tập, nhà trường còn vận động thành lập “Hũ gạo tình thương” giúp đỡ 2 em có bữa trưa đỡ lòng để có thể tiếp tục đi học. Mỗi ngày, từ 4h sáng ở bản Khuổi Tao, ít nhất các em HS này phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ để tới trường (chủ yếu là đốt đuốc băng rừng theo đường mòn). Vì thế, nhà trường cũng linh động cho phép các em không phải tuân theo đúng quy định 7h15 vào học, mà giáo viên “quán triệt” hễ khi nào các em đến được trường là được vào lớp ngồi học. Đến được lớp đã là nỗ lực phi thường của chính các em, sự quan tâm của thầy cô và không thể thiếu sự động viên, thuyết phục của bộ đội biên phòng với các em và cha mẹ các em.

Khi chúng tôi rời Bảo Lâm để tiếp tục hành trình. Trời đã gần tối, trên con đường gồ ghề qua cổng trường tiểu học có lớp ghép mầm non, những chuyến xe chở hàng tiếp tục lăn bánh, cày nát thêm con đường đến trường vốn đã khó khăn của thầy cô giáo và học sinh vùng giáp biên.

 Nhất Nguyên, La Giang, Nguyễn Đăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ