Khi học sinh tập làm… nhà nông

GD&TĐ - Nhằm trang bị cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, từ năm học 2014 - 2015, các tỉnh vùng cao Tây Bắc đã áp dụng thí điểm mô hình “Trường học - Nông trại” tại một số đơn vị trường học.

Cô và trò cùng nhau chăm sóc vườn rau sau giờ học
Cô và trò cùng nhau chăm sóc vườn rau sau giờ học

Đây là mô hình được thực hiện ngay tại trường học với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và sự tham gia trực tiếp của các em học sinh.

Trang bị kỹ năng

Căn cứ vào độ tuổi, điều kiện thực tế của nhà trường và hoàn cảnh sống của các em học sinh, các đơn vị trường học ở Lào Cai đã tổ chức thiết kế mô hình trang trại sao cho phù hợp để thu hút sự tham gia của học sinh.

Không đơn thuần là tổ chức cho học sinh làm các công việc của nhà bán trú như trước mà học sinh được hướng dẫn cách tiến hành các công việc nhà nông một cách thuần thục nhất.

Các trường như THPT số 3 Bảo Thắng (Lào Cai), PTDT Nội trú tỉnh Lào Cai, Trường Tiểu học Lùng Phình (Bắc Hà), Trường Tiểu học Bản Sen (Mường Khương - Lào Cai)… nơi có số đông học sinh người dân tộc thiểu số theo học đã bước đầu áp dụng thành công mô hình này.

Các nhà trường đã dành một không gian rộng, thoáng đãng để làm mô hình nông trại. Tại đây, các em học sinh được trực tiếp hướng dẫn làm các công việc gắn liền với cuộc sống của các em như nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, nuôi thỏ, nuôi chim bồ câu, nuôi dê, trồng nấm…

Đa số các em học sinh ở các đơn vị trường học áp dụng mô hình này cho rằng, các em rất hứng thú với công việc mà nông trại nhà trường tổ chức. Ở đây, chúng em được thầy cô trực tiếp hướng dẫn làm các công việc mà bố mẹ ở nhà thường làm.

Khi mô hình “Trường học - Nông trại” được áp dụng đồng nghĩa với việc tạo nên hiệu quả trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Ngay tại không gian trường học, sau giờ học, các em sẽ được hướng dẫn và thuần thục khi làm các công việc trong thực tế cuộc sống, những công việc thường nhật gắn với môi trường sống của các em.

Đồng thời, mô hình này cũng là phương thức gắn lí thuyết môn học với thực tế, tích hợp kiến thức các bộ môn để ứng dụng vào thực tế đời sống nông nghiệp. Sản phẩm mà các em làm ra sẽ cải thiện cho bữa ăn hằng ngày của chính các em.

Nhóm học sinh của Trường THPT số 3 Bảo Thắng (Lào Cai) bằng việc tích hợp kiến thức các bộ môn như Hóa, Toán, Sinh học, Địa lý, Vật lý đã trồng thành công nấm sò ngay tại trường học của mình.

Sản phẩm xuất sắc của nhóm học sinh này đã được chọn dự thi quốc gia. Các em học sinh của nhà trường còn tích hợp kiến thức các môn học để trồng các loại cây trái như bưởi, mít, thanh long, hồng xiêm…

Còn học sinh Trường PTDTBT Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) thì được nhà trường tổ chức nuôi lợn ngay tại sau nhà bán trú. “Các em học sinh người Mông của trường sau hướng dẫn kỹ năng nuôi lợn, chăm sóc đàn lợn của mình” - Thầy Hiệu trưởng Lục Tiến Vinh chia sẻ.

Thầy Vinh cho biết thêm, khi bắt tay vào tổ chức cho học sinh nuôi lợn, các thầy cô đã hướng dẫn học sinh từng công việc nhỏ như trồng rau khoai để lấy rau xanh nấu cám, cách thái rau, cách lên rừng chặt chuối về cho lợn ăn, cách vệ sinh chuồng lợn hằng ngày và không quên dạy các em tận dụng cơm thừa, rau già và thức ăn thừa để nấu cám cho lợn.

Niềm vui sau mỗi giờ học

Mô hình “Trường học - Nông trại” ở Lào Cai không chỉ mang lại hiệu quả cao trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm công việc nhà nông cho học sinh mà còn tạo nên hứng thú học tập và niềm vui sau mỗi giờ tan lớp.

Các em học sinh tại Trường Tiểu học Bản Sen (Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được tham gia mô hình nuôi bồ câu tại nông trại của nhà trường. Những chú bồ câu xinh xắn lớn lên hằng ngày, chúng em rất thích thú với công việc của mình”.

“Em rất thích xuống núi và ở lại trường vì sau giờ học, thay cho những trò tinh nghịch thì chúng em được hướng dẫn cách nuôi đàn lợn. Ở nhà bố mẹ cũng nuôi lợn vì thế, sau này về nhà em cũng sẽ giúp cho bố mẹ nhiều” - Em Vàng Thị Sua, HS Trường PTDTBT Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) thổ lộ.

Còn các em học sinh ở Trường THCS xã Kim Sơn (Bảo Yên - Lào Cai) lại rất hứng thú và quyết tâm với vườn rau xanh của mình. Hằng ngày, sau giờ học, các em lại ríu rít ra vườn chăm rau, xuống suối múc nước tưới và bắt sâu cho rau. Vì thế, bữa cơm bán trú của các em không ngày nào thiếu đĩa rau sạch và xanh non.

Đến trường học chữ, được áp dụng và thực hành ngay tại nông trại trường học và được rèn những kỹ năng cần thiết là điều mà các nhà trường ở tỉnh vùng cao Lào Cai áp dụng thành công. Vì thế, giữa lí thuyết và thực tiễn sẽ được rút gần khoảng cách, các em sẽ được làm và biết làm những công việc thường nhật của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ