Với việc được “sắm vai chính” các em học sinh ngày càng phát huy tính chủ động hiệu quả, đam mê học tập - chương trình nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh.
Trao quyền cho những nhà “lãnh đạo nhí”
Mỗi lớp học tại trường Tiểu học Vinschool đều có một vị trí rất “hot”: “Lãnh đạo truy bài”. Với nhiệm vụ mời cả lớp mở vở ôn bài cũ, các lãnh đạo truy bài sẽ thay mặt thầy cô để quán xuyến lớp học. Cùng một nhiệm vụ nhưng không phải bạn nào cũng có cách thực hiện giống nhau.
Là lãnh đạo truy bài, bạn Quang Vinh (lớp 2A1) phát hiện buổi học hôm trước có nhiều bạn chưa thuộc bảng nhân. Thay vì ôn lại các bài Tập đọc đã học theo dự định từ trước, bạn liền hướng dẫn cả lớp cùng học bảng nhân đó cho thuộc trước khi bắt đầu tiết học mới. Sự nhanh nhạy này của bạn đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong buổi học ngày hôm đó.
Các thầy cô giáo trường Tiểu học Vinschool còn sáng tạo và áp dụng phương pháp trao quyền cho học sinh với những vị trí khác như: Lãnh đạo ngủ trưa; Lãnh đạo giày dép; Lãnh đạo xếp hàng; Các nhóm trợ giảng nhí… Sau khi được hướng dẫn cách làm việc, các bạn đều hăng say với nhiệm vụ của mình và tìm cách hoàn thành với mức độ tốt nhất có thể. Thông qua việc trao quyền rất linh hoạt và sáng tạo, các giáo viên có thể “tàng hình”, biến lớp học thành “sân khấu” do học sinh sắm vai chính.
Trong bối cảnh công nghệ, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, khiến nhiều ngành nghề hiện tại có thể biến mất trong tương lai. Nhận thức sâu sắc về thực tế này, Vinschool đã tiên phong và liên tục đầu tư nâng cấp chương trình, chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá và bám sát mục tiêu đầu ra là bộ năng lực thế kỷ 21, chuẩn bị cho học sinh tính chủ động, sáng tạo, đam mê học tập suốt đời, dám chịu trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao, tạo lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Và việc “trao quyền” cho học sinh, các thầy cô “tàng hình” như trên chỉ là một trong những nội dung triển khai của chương tình.
Theo cô Nguyễn Lê Hoài Thanh, khối trưởng khối 2 trường Tiểu học Vinschool “bí quyết” lôi kéo và khiến học sinh hứng thú với những nhiệm vụ trên thực ra không có gì to tát: các giáo viên cần nắm được đặc điểm tâm lý của lứa tuổi để tìm ra cách tiếp cận phù hợp. Thay vì yêu cầu, gò ép học sinh phải thực hiện một nhiệm vụ, cô chỉ cần dùng “thủ thuật” gọi tên các nhiệm vụ theo một cách khác, tổ chức “tranh cử”, “bầu cử”… như các “chính trị gia” để kích thích sự hứng thú, khơi dậy trong các em sự tự tin, dám đảm nhận trách nhiệm.
“Những thủ thuật như đổi tên nhiệm vụ, sử dụng các thuật ngữ nghề nghiệp khi “tuyển dụng” sẽ giúp các bạn cảm thấy mình được coi trọng và từ đó sẽ nhiệt tình tham gia. Các con sẽ có động lực để tìm những cách sáng tạo nhất hoàn thành nhiệm vụ, bởi lúc này, con hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình với tập thể” – cô Thanh nhấn mạnh.
Với cách dạy này, cô Thanh cho rằng các giáo viên không còn là người ôm đồm, làm thay học sinh mọi việc. Từ học tập tới sinh hoạt, học sinh đều có giáo viên đồng hành nhưng các em được hướng dẫn để tự làm, tự rèn kỹ năng thiết yếu.
Kết quả thu được trên thực tế cho thấy học sinh đã trưởng thành hơn và có trách nhiệm với tập thể. Các em không chỉ đơn thuần hoàn thành vai trò “lãnh đạo” của riêng mình mà còn chủ động ghi chép kết quả và đúc rút kinh nghiệm để truyền lại cho các “lãnh đạo kế tiếp”. Thậm chí có em còn phát hiện mình không phù hợp làm ở vị trí lãnh đạo này nên chủ động xin đổi sang một vị trí khác phù hợp với sở trường bản thân.
Xây dựng kỹ năng thế kỷ 21
Việc trao quyền tại Vinschool được thực hiện xuyên suốt qua các cấp học và nội dung trao quyền được lựa chọn phù hợp với các đối tượng khác nhau. Nếu ở tiểu học, các em được trao quyền để sớm rèn luyện những kỹ năng thiết yếu, chuẩn bị nền tảng quan trọng cho các cấp học cao hơn thì ở bậc Trung học, các em được trao quyền để sớm hình thành các kỹ năng phức tạp hơn, trong đó có các kỹ năng cốt lõi là kỹ năng tự học, kỹ năng giải quyết vấn đề và quản lý thời gian.
Thầy Ngô Minh Trực (giáo viên Văn – trường Trung học Vinschool) đã thực hiện trao quyền cho học sinh ngay từ những ngày đầu tiên. Phương pháp trao quyền của thầy rất thực tế và linh hoạt: Cho học sinh biết mình có những quyền gì, việc trao quyền không có công thức nhưng cần tuân thủ nguyên tắc: Chọn quyền gì để trao cho học sinh và trao vào lúc nào thì phù hợp?
Nhờ kiên trì thực hiện nguyên tắc này, thầy Trực đã giúp học sinh lớp 6A7 có những thành quả đáng khích lệ. Được trao quyền để làm chủ bài học, lớp học, các em chủ động tiếp cận những khó khăn khi học tập, chủ động tìm hiểu các thông tin, động não để giải quyết các thách thức. Giờ đây trong mỗi tiết học Văn tại lớp 6A7, thầy Trực trở thành một nhà “tư vấn”. Với mỗi khó khăn, học sinh thường chuẩn bị trước khi hỏi thầy để có được phương án giải quyết. Thầy Trực cảm thấy hài lòng khi càng ngày càng trở nên “vô hình” nhưng vẫn là một nhân tố chủ chốt trong mỗi lớp học, luôn hiện diện bên cạnh và hỗ trợ lúc học trò cần.
Theo đánh giá của cô Nguyễn Lê Hoài Thanh, phương pháp trao quyền giúp học sinh rèn luyện tính chủ động, tự giác, sáng tạo và linh hoạt, từ đó sẽ hình thành nên kỹ năng tự tổ chức và giải quyết, quản lý công việc một cách hiệu quả. Trong thời đại cách mạng công nghệ, những phẩm chất này là điều kiện tiên quyết quyết định thành công lâu dài của trẻ. Nền tảng này cũng là hành trang giúp trẻ vững bước tiến lên các lớp học, cấp học cao hơn để làm chủ tri thức, linh hoạt ứng biến với các tình huống trong cuộc sống – những năng lực cần thiết của học sinh trong thế kỷ 21.