Khi giáo dục truyền thống làm “bệ đỡ” cho chất lượng giáo dục toàn diện

Khi giáo dục truyền thống làm “bệ đỡ” cho chất lượng giáo dục toàn diện
HS Trường THCS Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An) tham gia sinh hoạt truyền thống
HS Trường THCS Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An) tham gia sinh hoạt truyền thống
 

(GD&TĐ) - Giáo dục truyền thống là một hoạt động không thể thiếu trong các trường phổ thông. Riêng ở Nghệ An, từ Đại hội XVI (tháng 12/2005) của Đảng bộ tỉnh, Đại hội đã khẳng định phải "chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng và đưa các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hoá xứ Nghệ… vào các trường học”.

Những cách làm hay

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện đã có 386/1.041 trường phổ thông có phòng truyền thống, 363 trường biên soạn được tài liệu lịch sử của trường, 38 trường mang tên danh nhân có tài liệu về cuộc đời hoạt động của danh nhân, 450 trường có sổ vàng truyền thống…

Các trường phổ thông ở Nghệ An đã nhận chăm sóc 648 lượt di tích, trong đó có 170 lượt di tích đã được xếp hạng. Cuối năm 2008, Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu) đã nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Kỷ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Bí thư Đoàn trường: Từ đó cho đến nay, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh làm vệ sinh, bảo đảm nghĩa trang luôn luôn sạch đẹp; tổ chức cho các em dâng hoa, dâng hương vào các ngày lễ. Trường còn nhận chăm sóc, giúp đỡ 2 gia đình liệt sĩ khó khăn.

Điều đáng nói là việc chăm sóc nghĩa trang và gia đình liệt sĩ đã có tác động lớn đến việc tu dưỡng đạo đức của các em học sinh. Năm học 2012 - 2013 học sinh các lớp 11A, 11B, 12D đã góp tiền nộp học phí hàng tháng cho 3 bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Suốt trong 5 năm học liên tục, chưa hề xảy ra việc học sinh của trường gây gổ với nhau.

Các em học sinh ngoan hơn đã kéo theo chất lượng học tập cũng khá lên. Là trường ngoài công lập, đầu vào thấp, nhưng mấy năm nay trường đã bắt đầu có học sinh giỏi cấp tỉnh, riêng năm học vừa rồi có ba em.               

Cùng với đó, nhiều trường học đã tăng cường tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu di tích để thông qua đó giáo dục truyền thống cho các em. Với Trường THPT Hà Huy Tập (Vinh), việc tham quan di tích không còn là việc làm ngẫu hứng mà trở thành một nhiệm vụ bắt buộc đối với học sinh. Trong năm học lớp 10, học sinh phải được tổ chức tham quan 6 di tích ở Nghệ An; năm học lớp 11, các em được tham quan 5 di tích khác, gồm 3 di tích ở Hà Tĩnh và 2 di tích ở Nghệ An.

Hiệu quả và những điều cần khắc phục

Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá: “Công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, nhất là truyền thống xứ Nghệ đã có bước chuyển biến tốt trong các trường phổ thông, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường ở Nghệ An”.

Tuy vậy, ông Ngọ cũng cho biết vẫn còn một số Phòng GD&ĐT và không ít nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Chỉ riêng việc nhận chăm sóc di tích, nhiều trường nhận rồi nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không tốt.

Tính đến ngày 31/3/2013, Nghệ An có 131 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 123 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nhưng hiện còn tới 48 di tích cấp quốc gia và 79 di tích cấp tỉnh chưa được trường nào nhận chăm sóc. Nguyên nhân cơ bản của tồn tại chính là do nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý nhà trường về công tác giáo dục truyền thống còn hạn chế, phiến diện.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ