Khi Facebook trở thành công cụ lan truyền tin thất thiệt

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, dù tin nhắn đang lan truyền trên Facebook Messenger vài ngày gần đây không “đính kèm” virus thì người dùng cũng không nên vô tình “tiếp tay” cho sự lan truyền này mà chưa biết bản chất sự thật.

Khi Facebook trở thành công cụ lan truyền tin thất thiệt

Nhiều người dính bẫy hacker

Gần đây, nhiều người dùng Facebook Messenger đã gửi tới bạn bè một tin nhắn với nội dung cảnh báo một hacker tên là Marcella Labelle Carradori và khuyến cáo không nên kết bạn.

Thậm chí, trong tin nhắn trên còn “dọa nạt” người dùng bằng thông điệp: Đây là một hacker và kết nối với tài khoản Facebook của bạn. Nếu một trong số những người trong danh sách của bạn chấp nhận kết bạn thì bạn cũng bị.”

Và, nội dung tin nhắn cũng hướng dẫn người dùng cách chuyển tiếp tới danh sách bạn bè để đề phòng.

Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về việc tin nhắn này có chứa virus. Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay, tin nhắn nói trên không chứa virus bởi không có đường link tới các trang lừa đảo, giả mạo.

Theo nhà sáng lập CyRadar Nguyễn Minh Đức thì đây là một dạng hoax (lan truyền thông tin thất thiệt), kiểu như “nếu bạn không gửi thông tin này tới 30 người thì bạn sẽ bị chết…”

Do đó, người dùng không nên gửi thông tin này cho người tiếp theo cũng như nên đặt chế độ trong cài đặt để chỉ bạn bè mới có thể “chat” được với mình.

Đồng tình, chuyên gia của CMC InfoSec cũng nhận định rằng đây chỉ đơn giản là một hình thức gửi tin nhắn rác tới người dùng, không có đính kèm các link chưa mã độc hay mục đích tấn công cụ thể. Tuy nhiên, việc này có thể với mục đích tăng tương tác trên mạng xã hội hoặc để phục vụ cho các hoạt động phát tán tiếp theo.

Tiếp tay tin giả, dễ “dính” virus

Thực tế cho thấy, với phương châm “nhầm còn hơn sót,” nhiều người dùng Facebook Việt Nam đã chuyển tiếp tin nhắn này tới bạn bè của mình với hy vọng họ sẽ không kết bạn với “hacker” nói trên.

Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, dù nội dung tin trên không đính kèm virus thì người dùng cần phải từ bỏ thói quen nhắn cho bạn bè thông tin không được kiểm chứng.

Bởi lẽ, sẽ có lúc hacker thực hiện lừa đảo bằng cách phát tán các tin nhắn lừa đảo, có chứa các đường link lừa đảo, cài mã độc... Khi đó, thói quen kia sẽ là công cụ phát tán mã độc cho hacker.

Theo chuyên gia của CMC Infosec, dạng tin tức giả mạo (Fake news) hiện ngày càng phổ biến trên mạng xã hội như Facebook khiến người dùng hoang mang không biết tin vào đâu.

Bên cạnh đó, cư dân mạng Việt Nam có thói quen “theo số đông” và không tìm hiểu kỹ nên việc này sẽ nguy hiểm về hầu hết tin tức lan truyền qua Facebook đều không được kiểm chứng mức độ xác thực và các đường link đi kèm rất dễ bị cài mã độc.

Trước tình trạng lừa đảo này tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, CMC InfoSec khuyến nghị người dùng không click vào các link không rõ nguồn gốc trên new feed hoặc qua Facebook Messenger từ người lạ; không chia sẻ các thông tin về mật khẩu với bạn bè, người thân qua các đoạn chat trên Facebook Messenger bởi tin tặc có thể lợi dụng các lỗ hổng của Facebook để giải mã các đoạn chat và tìm kiếm thông tin chúng cần.

Cùng lúc, người dùng cần cẩn thận khi tải về và sử dụng các ứng dụng yêu cầu truy cập qua Facebook hoặc Gmail; không nên làm bạn và đồng ý với tất cả các yêu cầu kết bạn và tin nhắn mời chào từ người lạ qua Facebook và Facebook Messenger bởi đây có thể là cái bẫy mà tin tặc đặt ra.

Ở một góc độ khác, việc vô tình gửi tin nhắn “cảnh báo” hàng loạt như trên sẽ có thể làm hạ uy tín của một người, một tổ chức và rất khó để dự đoán trước hậu quả xảy ra.

Hồi đầu năm, trong cuộc gặp với đại diện Facebook, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay có khoảng 53 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, mạng Facebook…

Cùng với những tích cực, đã có gần 5.000 tài khoản giả mạo có những hoạt động gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực trên mạng xã hội này.

Cùng với sự cố 50 triệu tài khoản Facebook bị lộ lọt thông tin vừa qua gây chấn động toàn cầu, đã đến lúc cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để quản lý thông tin, bảo vệ người dùng trên mạng xã hội, giúp người dân thụ hưởng một môi trường Internet lành mạnh.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ