Rất nhiều người thường cho rằng động vật không có cảm xúc, hoặc nếu có cũng chỉ rất đơn giản ở mức độ sung sướng hoặc giận dữ. Nhưng dường như đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Tờ London News từng đưa tin, một chú chó thuộc giống Newfoundland đã cố gắng tự sát trong nhiều ngày - nó ném mình xuống nước hay tự dìm mình xuống nước đáy hồ. Người chủ đã xích nó lại nhưng chỉ vài ngày sau, con vật giật đứt dây rồi tự đắm chìm mình một lần nữa. Người chủ tội nghiệp đành gửi con vật tới một bác sĩ thú y để giúp nó lấy lại cân bằng, nhưng rồi con chó đã chạy trốn rồi đâm đầu vào một chiếc xe đang đi trên đường.
Từ đó, thế giới đã chứng kiến hàng trăm con cá heo, hàng ngàn chú cừu, hàng ngàn con mực Jumbo... tự sát để kết liễu cuộc đời. Cho tới nay, việc động vật tự sát tập thể vẫn làm một bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết "có ý thức"
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng, động vật không hề có khả năng tự sát vì những lý do xã hội giống con người, mà tất cả chỉ là sự rối loạn thần kinh tạm thời dẫn tới hành động không thể kiểm soát. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thần kinh như bệnh tật, chấn thương, tuổi già hay mất định hướng trong không gian. Các chuyên gia cho rằng, có không ít trường hợp cá tự mắc cạn là do chúng đuổi theo con mồi đến quá gần vào bờ và rơi vào vùng biển nông nguy hiểm.
Đối với một số loài như mối, bọ cạp..., một số nhà sinh vật học cho rằng, bản thân chúng sinh ra đã mang trong mình "gene tự sát". Việc cùng tìm đến cái chết trong một số hoàn cảnh nào đó giống như một hành động theo bản năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự chọn lọc tự nhiên, sao cho có lợi nhất cho nòi giống.
Theo thời gian, số lượng các vụ động vật tự sát ngày một nhiều và đáng sợ hơn. Ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình vào bờ rồi nằm phơi thân trên bãi biển khô, nóng. Nhiều du khách và nhân viên cứu hộ đã cố gắng đưa chúng ra lại biển nhưng các chú cá heo khác lại tiếp tục đâm đầu vào bờ một cách khó hiểu.
Vào năm 2005, rất nhiều người đã chứng kiến một sự kiện kì lạ, gần 1.550 con cừu nhảy xuống một vách đá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các mục đồng choáng váng trước hiện tượng này. Và dù đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng những con cừu vẫn điên cuồng lao xuống vực.Gần 450 con chết ngay tức khắc, 1.100 con còn lại bị tàn tật, thương nhẹ do nằm đè lên xác của những con đã chết trước đó. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.
Theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu động vật tại Singapore, ở Trung Quốc và Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trường hợp gấu tự sát. vào năm 2009, một điều tra viên đã chứng kiến cảnh các con gấu trong một trại nuôi lấy mật nằm tuyệt thực và nằm bất động trong lồng. Chủ trại nói chúng đã tuyệt thực trong 10 ngày, đến ngày hôm sau thì chết.
Mới đây, nhiều cá heo mẹ ở Taiji, Nhật Bản đã tự tử vì phải xa rời đứa con thân yêu của họ. Cá heo mẹ khi thấy đứa con bị giết hại hay bị lôi đi đã liên tục đập đầu vào mặt kính của bể nuôi cá hay ngừng thở vì quá đau buồn. Trước đó, năm 2012, tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo bỗng nhiên lao vào bờ tự tử. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.
Sự báo động về ô nhiễm môi trường
Bước vào thế kỷ XX, các nhà khoa học chuyển sự tập trung sang hiện tượng tự sát tập thể ở các loài sống thành quần thể lớn. Điển hình là hiện tượng chuột lemming kéo từng đàn đâm đầu xuống vách núi hoặc cá voi "tự phơi khô" hàng loạt trên bãi cát. Thế nhưng các nhà nghiên cứu ngày nay lại công nhận việc tự sát của chuột lemming là kết quả khó tránh của mật độ sinh sống quá dày đặc, buộc chúng phải di cư cùng một lúc; cũng như nhiều người cho rằng hiện tượng cá voi mắc cạn là do khi một cá thể trong đàn mắc bệnh, nó sẽ tự khắc tìm đến vùng nước cạn, an toàn hơn. Tuy nhiên, cá voi có tập tính sống bầy đàn, dẫn đến các con khác sẽ bơi theo và "chết cả cụm".
Dù vậy, cả hai trường hợp trên đều không được nhận định là tự sát vì chúng không hề có ý định "quyên sinh" tập thể này. Tương tự, nhà tâm lý học Antonio Preti nghĩ rằng việc chó tự hành xác sau khi chủ nhân qua đời là do sợi dây liên kết thân tình với chủ đã đứt và nó không dễ dàng chấp nhận thức ăn từ người khác, chứ không phải nó có ý định tự sát bằng tuyệt thực.
Ngoài ra, môi trường sống chật hẹp, tù túng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần động vật, khiến chúng hành xử bất thường, thậm chí chủ động tìm đến cái chết cho bản thân và cả đồng loại. Một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, việc tự sát hàng loạt của động vật liên quan tới khả năng dự đoán trước thiên tai của chúng. Những con vật tự thấy mình không thích nghi sẽ tự sát để các con khác được tồn tại, giúp cho giống nòi có thể vượt qua các hiểm họa đáng sợ.
Nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng chỉ con người mới nảy sinh ý định tự tử, còn động vật thì không. Mấu chốt vấn đề là con người có khả năng tiên đoán và dự tính cho tương lai, còn động vật thì hoàn toàn không tiên liệu điều gì. Tuy nhiên, một số hiện tượng tự nhiên đã bác bỏ quan điểm này; ví dụ như tinh tinh lùn, khỉ Orangutan và vài loài chim có tập tính tích trữ, dự trù thức ăn để dành cho tương lai.