Tuy nhiên nếu quan tâm thái quá, cũng khiến trẻ mắc nhiều tính xấu.
Trẻ sinh hư khi được nuông chiều
Xã hội ngày càng phát triển, vì vậy nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc con đầy đủ hơn về vật chất. Tuy nhiên, chính việc bố mẹ đáp ứng với con bất kể điều gì khi con yêu cầu, lại là điều không hay.
Bởi chính sự nuông chiều thái quá của người lớn, sẽ khiến trẻ luôn sống trong suy nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Điều này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành nhân cách cho trẻ.
Chị Phương Anh ở phố Hoàng Hoa Thám chia sẻ: Hai vợ chồng chị lấy nhau bảy, tám năm mới có con, vì vậy không chỉ có anh chị mà cả hai họ đều cưng chiều cu Tít.
Bất cứ có đồ chơi gì mới, cậu đều được sở hữu. Mỗi khi cu cậu khóc cả nhà lại bấn loạn cả nên. Khi con bước vào độ tuổi đến trường, chị mới chợt nhận ra những điều bất ổn.
Sau giờ đón con, chị thường xuyên bị cô giáo trao đổi về việc con chị luôn không muốn chia sẻ đồ chơi với các bạn. Thậm chí, nhiều khi cháu còn đánh bạn để giành đồ vật mà cháu thích. Cô giáo can thiệp, là cháu la hét gào khóc váng cả lớp… Chị thấy lo lắng, khi đã sai lầm trong cách dạy con.
Cũng chính vì nuông chiều con quá mức, nên cô con gái của chị bạn tôi năm nay đã lên lớp 8 rồi, mà không động chân động tay vào việc gì cả.
Bởi mọi việc trong gia đình, anh chị và bà nội đều giành làm tất. Không những thế, cháu chỉ luôn biết đòi hỏi người khác phải quan tâm đến mình.
Trong ngày sinh nhật của cô con gái rượu, không may bà nội bị ốm phải vào bệnh viện, nên anh chị hoãn ngày tổ chức tới tuần sau. Vậy mà cháu tỏ thái độ bực bội khiến cả nhà rất thất vọng.
Yêu thương phải đúng cách
Việc gia đình đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ, cũng như quan tâm quá mức, chăm sóc quá kỹ sẽ khiến trẻ không thể nào có cơ hội biết quan tâm tới những người xung quanh.
Trẻ sẽ đắm chìm trong cảm giác được tán dương, chỉ biết “nhận” mà không biết “cho”, không sẻ chia cùng mọi người và không còn coi việc quan tâm của con cũng là một nghĩa vụ.
Lâu dần thành thói quen và tạo cho bé tính ích kỷ lúc nào không hay. Thậm chí trong nhiều gia đình, những việc đơn giản như đi rửa tay, đi giầy, xếp sách vở vào cặp sách, đều do người thân làm hộ cho bé.
Chính điều này sẽ tạo nên thói ỉ lại vào người khác và trẻ sẽ chỉ biết đòi hỏi và coi việc người khác phục vụ mình là lẽ đương nhiên.
Theo Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, để trẻ không mắc tính ích kỷ thì: Việc đầu tiên cha mẹ lưu tâm là luôn phải công bằng.
Cha mẹ không nên chiều theo mọi yêu cầu của con, mà quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người trong nhà. Kể cả khẩu phần ăn trong gia đình, bố mẹ cũng nên chia đều, để con quen với việc tôn trọng quyền lợi của người khác.
Trong công việc hàng ngày, cha mẹ cũng nên phân công rõ
ràng hợp lý để tất cả các thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, lối ứng xử của bố mẹ với những người xung quanh sẽ là cách tốt nhất để các con học tập sự chia sẻ, yêu thương mọi người.