Khi con 18

GD&TĐ - Thương con và lo lắng cho con là tâm lý chung. Nhưng khi con đã 18 tuổi, hay 48 tuổi thì nhiều người làm cha mẹ thích bao đồng vẫn không nguôi lo lắng cho con, tìm cách hỗ trợ, đồng thời kiểm soát để con mình được sống an toàn nhất, tốt nhất. Nhưng cái tốt đó trong quan điểm của cha mẹ chưa chắc đã đúng và đem lại kết quả tốt.

Khi con 18

1. Chị H. có con gái 18 tuổi. Mặc dù biết đến tuổi đó con đã lớn và phải có trách nhiệm với bản thân, nhưng chị H. vẫn coi con gái mình như con nít, để mắt đến con từng phút và kiểm soát mọi hoạt động của con. Chị không bắt con phải làm việc nhà, nhưng bên cạnh đó lại không cho con tham gia các hoạt động bên ngoài, kết giao bạn bè theo ý con. Chị vẫn chu cấp toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt cá nhân cho con gái, nhưng sự kiểm soát gắt gao của chị khiến con gái thấy ngột ngạt.

Con gái chị bí mật đệ hồ sơ xin học bổng ở nước ngoài, sau đó khi ra được nước ngoài học tập, cô bé không về nhà lần nào, cũng không liên lạc với bố mẹ. Sau khi lấy chồng, sinh con ở nước ngoài, 10 năm sau khi rời gia đình, con gái chị H. mới bồng bế con cùng chồng về thăm bố mẹ. Nhưng cô cũng chỉ thăm bố mẹ hơn một tiếng đồng hồ ở nhà rồi kéo chồng con ra khách sạn ở. Có lẽ cô chưa hết ám ảnh về sự kiểm soát quá mức của bố mẹ.

2. Anh Jeff P. người Bỉ có cậu con trai vừa tròn 18 tuổi. Con trai anh lười học nên không thi vào đại học được, đi học nghề điện. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hè, cậu con trai không đi làm thêm mùa hè kiếm tiền như các bạn cùng trang lứa, mà lại chỉ nằm ườn ở nhà chơi điện tử và ngủ. Đã thế, cứ cách ngày, cậu ta lại dẫn bạn gái về nhà ăn ngủ với nhau. Anh Jeff bực mình, đuổi con trai ra khỏi nhà. Anh cương quyết nói con phải tự đi làm và thuê nhà ở.

Cậu con đành cùng bạn gái ra khỏi nhà, nhưng tìm đến nhà bà nội, vốn là một bà giáo về hưu, để phàn nàn với bà việc bố đuổi cậu ra khỏi nhà. Sau khi nghe xong câu chuyện cháu trai kể, bà nội cậu bảo, đó là việc của bố cháu và của cháu, bà không có quyền can thiệp. Bà già rồi, cũng mệt nên không thể nấu bữa trưa cho hai cháu ăn được, bà cho hai cháu 20 Euro để ra ngoài ăn bữa trưa nay rồi tự tính phương án phải làm thế nào mà sinh sống. Bà cũng không thể cho cháu ở nhà bà được. Nghe bà nội nói cương quyết như thế, cậu trai 18 tuổi đành cầm 20 Euro và ra khỏi nhà bà.

3. Tuy đã định cư ở nước ngoài, nhưng hàng tháng chị T. vẫn gửi 2 triệu đồng chu cấp cho cháu M. là con của em gái chị T. Lý do mà chị T. chu cấp cho M. là vì mẹ của M không có việc làm. Cho đến khi M. học xong, tìm được việc làm thì chị T. không gửi tiền chu cấp cho M. nữa, nhưng em gái chị vẫn tiếp tục thúc giục chị gửi tiền chu cấp như cũ. Chị T. không chịu, bởi chẳng có lý do gì một người đã về hưu như chị lại phải tiếp tục chu cấp cho một người trẻ đã có việc làm! Thế là hai mẹ con M. giận chị, không thèm liên lạc hay gặp chị mỗi khi chị về thăm Việt Nam nữa. Hóa ra, đồng tiền trách nhiệm kia lại tạo ra nỗi oán hận.

Qua ba câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy rằng, với mỗi đứa trẻ trong gia đình, khi đến tuổi 18, chúng ta phải dũng cảm buông tay để chúng tự sống cuộc đời của chúng, cũng như tự quyết định sống như thế nào, vật lộn với khó khăn luôn đến và đi. Các bậc làm cha mẹ, không nên làm hỏng cuộc đời con mình bằng cách bao đồng và điều khiển quá đáng cách sống của chúng. Trường đời vẫn là trường học xứng đáng nhất cho mỗi phận người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.