(GD&TĐ) - Loay hoay với những cơn trồi sụt lên xuống của giá cả trong thời kỳ lạm phát từ mấy năm trở lại đây, người tiêu dùng đã khấp khởi mừng thầm khi từ đầu năm 2013 đến nay, giá cả nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt trông thấy, trong đó đặc biệt có giá lương thực và thực phẩm (nhóm hàng hóa quan trọng trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng). Tuy nhiên, nếu so sánh với 2 - 3 năm trước, người tiêu dùng không khỏi giật mình nhận thấy hầu hết các mặt hàng thực phẩm đã đội giá lên rõ rệt so với trước; mà nguồn cung có vẻ lại giảm đi, dù chăn nuôi vẫn khá thuận lợi, nông sản vẫn được mùa đều đặn…
Thực phẩm tăng giá khiến chi phí bữa ăn gia đình thêm “căng”. Ảnh: Đức Trí |
Tăng chi phí bữa ăn gia đình
Trong bữa ăn của hầu hết các gia đình Việt Nam, thịt lợn là món ăn quen thuộc và thường xuyên nhất. Những tuần đầu tháng 6 này, giá thịt lợn các loại tại Hà Nội ở mức từ 85.000 – 100.000 đ/kg. So với cùng kỳ năm trước, dẫu mức giá đã giảm nhiệt đi nhiều (dao động giá ở thời điểm đó khoảng 100.000 – 110.000 đ/kg thịt lợn các loại), nhưng nếu nhìn lại thời điểm này của năm 2010, giá các loại thịt lợn chỉ 40.000 - 60.000 đồng mỗi kg.
Trên thị trường Hà Nội gà ta có giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg; gà công nghiệp khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg; vịt nguyên con cũng có giá khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg; cá chép khoảng 70.000- 80.000 đồng/kg,... So với cùng kỳ năm 2009, giá thịt gà chỉ xấp xỉ 90.000 đồng/kg; gà công nghiệp khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg; cá chép cũng chỉ 40.000 đồng cho mỗi kg. Đó là thực phẩm tươi sống, cũng là những loại thực phẩm chiếm chi phí quan trọng trong túi tiền "đi chợ" mỗi ngày của người tiêu dùng. Điều “gỡ gạc” là hơn 1 tháng trở lại đây, giá rau xanh lại liên tục hạ, nhất là thời điểm tháng 6 này cũng là đúng vụ, trên thị trường Hà Nội giá rau củ liên tục rớt giá mạnh.
Với kinh nghiệm của người làm nội trợ, chị Thanh Hà (đường Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết so với trước khi nắng nóng diễn ra từ nửa cuối tháng 5, nhiều loại rau quả giải nhiệt trên thị trường đợt này giá cũng giảm theo. Hiện, bầu giảm 2.000 đồng, xuống còn 6.000 đồng/quả; bí xanh giảm 3.000 đồng, xuống còn 4.000 đồng/kg; rau ngót, mùng tơi giá giảm một nửa còn 1.000 đồng/mớ; rau đay, rau dền 1.500 đồng/mớ... Chanh là loại quả được sử dụng nhiều nhất trong mùa hè giá nay cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Còn theo bà Hòa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đây là giá bán lẻ thấp nhất trong những năm gần đây, chỉ tương đương với mức giá trước giai đoạn khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008. “Nhưng cũng chẳng đáng kể gì, cả bữa ăn chi phí cho rau củ 15.000 đến 20.000 đồng là cùng, còn lại thịt cá nữa chứ. Trung bình mỗi bữa tôi đi chợ hết 200 ngàn cho gia đình 4 người, trước chỉ 100 ngàn là đủ”- bà Hòa cho biết.
Giá rau củ quả lên xuống làm người nội trợ thêm nghĩ ngợi |
Lỗ hổng quản lý thị trường
Có thể lý giải giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao do sự tác động của lạm phát, với chi phí sản xuất và vận chuyển tăng lên từ khi giá xăng, giá điện tăng. Điều đó chỉ đúng một phần. Thực tế, lương thực, thực phẩm đưa ra tới chợ hay siêu thị bán cho người dân chỉ chiếm một số lượng nhất định trong toàn bộ sản lượng. Số lượng quan trọng được thu mua bởi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng không chỉ người dân “kêu” về giá tăng mà các doanh nghiệp liên tiếp thời gian qua cũng lên tiếng về việc giá tăng cao đã đành, nguồn cung nông sản cũng rất thiếu so với nhu cầu. Nguyên nhân được xác định: Thời gian qua nông sản được thu mua để xuất khẩu quá nhiều gây khủng hoảng nguồn cung phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, đẩy giá lên cao; đối tượng thu mua chủ yếu là các tiểu thương và thương nhân Trung Quốc.
Thực tế tại nước ta hiện nay, thương nhân Trung Quốc có mặt ở hầu khắp các vùng sản xuất nông nghiệp, lập thành một mạng lưới thu mua chặt chẽ ngay từ chân ruộng và hợp đồng từ giữa mùa chứ không chờ lúc thu hoạch mới đi thu gom như phần lớn “lái thương” (và kể cả không ít doanh nghiệp thu mua nông sản) trong nước.
Khi thương nhân của thị trường khổng lồ này phải sang Việt Nam thu mua nông sản, nếu nhìn nhận một cách tích cực thì họ có nhu cầu đối với các hàng hoá đó, và giá bán tại Việt Nam cạnh tranh hơn. Đây có thể xem là một cơ hội tốt, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng để xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này.
Một nguyên nhân quan trọng, đó chính là sự yếu kém trong quản lý thị trường nội địa. Việc các thương nhân nước ngoài trả giá cao hơn để mua nông sản “trên tay” các doanh nghiệp là có thật. Việc thương nhân nước ngoài giao dịch trực tiếp với người sản xuất mà không cần đại diện doanh nghiệp địa phương là có thật. Việc không quản lý được sản lượng nông sản cụ thể và đầu ra cho thị trường cũng là có thật. Sự thiếu năng động của các doanh nghiệp trong nước cũng là có thật. Nhưng bao trùm lên tất cả, việc không kiểm soát được giá cả và hoạt động kinh doanh cũng là có thật, là minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém của các cơ quan hữu quan trong việc quản lý thị trường quan trọng này, để người dân chịu mặt bằng giá quá cao và doanh nghiệp trong nước thì “thua” ngay trên sân nhà và phần chịu thiệt không ai khác là người dân với túi tiền ngày càng eo hẹp.
Sau giá là nỗi lo thực phẩm lậu
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 768 vụ, thu giữ hơn 32 tấn gà lông, 97 tấn gà thịt, gần 450.000 quả trứng, 96 tấn phụ phẩm gia cầm nhập lậu... Công tác ngăn chặn, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được triển khai đồng loạt, trên toàn tuyến; phát hiện và quyết liệt tiêu huỷ gà nhập lậu ngay từ biên giới, đặc biệt ở Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, công tác phòng chống gà lậu vẫn còn một số vướng mắc bởi quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép còn nhiều bất cập; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe (chủ yếu phạt dưới mức 5 triệu đồng). Bên cạnh đó, biện pháp xử lý tang vật vi phạm còn chưa thống nhất, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kinh phí tiêu hủy hạn chế, tạo kẽ hở cho các đối tượng tiếp tục đưa gia cầm vào tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh nỗi lo về giá cả vẫn ở mức cao, người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi hàng ngày vẫn nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vụ phát giác vận chuyển, kinh doanh thực phẩm lậu, thực phẩm bẩn. Bữa ăn gia đình đang ngày càng “đắt” hơn, nhưng lại tỷ lệ nghịch với độ an toàn. Không chỉ túi tiền người nội trợ mà sức khỏe gia đình cũng bị "đe dọa" nghiêm trọng nếu không kiểm soát chặt chẽ được hàng hoá và giá cả trên thị trường.
Bên cạnh nỗi lo về giá cả vẫn ở mức cao, người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi hàng ngày vẫn nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vụ phát giác vận chuyển, kinh doanh thực phẩm lậu, thực phẩm bẩn. Bữa ăn gia đình đang ngày càng “đắt” hơn, nhưng lại tỷ lệ nghịch với độ an toàn. |
Thanh Tuấn