Khen thưởng phải công bằng, hợp lý

GD&TĐ - Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về dự thảo quyết định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhiều ý kiến tham gia đối với dự thảo này như cần quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng, mức khen thưởng, chế độ đối với những trường hợp rủi ro, bị thương, tử vong khi tham gia phòng chống tội phạm…

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh thưởng “nóng” cho lực lượng Hải quan Bắc Ninh, Hải quan Quảng Ninh và Công an Bắc Ninh do có thành tích phá vụ án vận chuyển 9 bánh heroin (Ảnh Thời Báo Tài Chính)
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh thưởng “nóng” cho lực lượng Hải quan Bắc Ninh, Hải quan Quảng Ninh và Công an Bắc Ninh do có thành tích phá vụ án vận chuyển 9 bánh heroin (Ảnh Thời Báo Tài Chính)

Có thể khẳng định việc thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là rất cần thiết, cấp bách để khen thưởng, động viên kịp thời cho tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào có sự công bằng, hợp lý trong việc khen thưởng thành tích phòng chống tội phạm, nhất là giữa người dân và lực lượng chức năng. Bởi vì, trong thực tế nhiều trường hợp cùng có thành tích như nhau nhưng người dân trực tiếp truy bắt tội phạm thường có mức khen thưởng ít hơn, thấp hơn so với lực lượng chức năng, cán bộ, công chức.

Thêm vào đó, trách nhiệm phòng chống tội phạm của lực lượng chức năng là đương nhiên, nhiệm vụ phải làm và các ngành đã có chế độ khen thưởng, đãi ngộ riêng. Vậy có cần thiết phải bổ sung đối tượng này vào hay không, cần được xem xét, nghiên cứu cụ thể, thấu đáo.

Bên cạnh đó, người dân mạo hiểm tính mạng, ngăn chặn, phòng chống tội phạm thì tiền thưởng phải có quy định cụ thể, chế độ cũng phải cụ thể. Bởi vì, người dân xả thân vì lợi ích chung của xã hội không phải được ưu tiên khen thưởng, thậm chí nếu không may bị rủi ro, thương tật, tử vong thì cũng cần xem xét hưởng những chế độ thương binh, liệt sĩ như đối với lực lượng chuyên trách. Như vậy, mới động viên, khuyến khích được người dân tham gia phòng chống tội phạm, toàn xã hội chung tay diệt trừ cái xấu, cái ác.

Việc dùng ngân sách nhà nước ra thưởng nóng “khủng” cho các vụ phòng chống tội phạm cũng cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ. Một số trường hợp cơ quan chức năng, người có thẩm quyền có dấu hiệu “quá tay” khi thưởng nóng với số tiền lớn làm dư luận bàn tán, xôn xao. Theo chúng tôi, việc nếu khen thưởng, động viên cũng nên vừa phải, hợp lý, hài hòa giữa các đối tượng, các ngành, nghề, đặc biệt là ưu tiên khen thưởng người dân.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục khen thưởng đối với người dân, có thể họ chỉ kê khai thành tích, các nội dung liên quan khác do cơ quan liên quan thẩm tra, xác minh tiến hành. Như vậy, làm cho thủ tục được đơn giản, thuận tiện hơn có nhiều người dân được biểu dương, khen thưởng hơn nữa, nhất là những người có thành tích xuất sắc, đột xuất trong đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ