(GD&TĐ) - Để đến được Khâu Vai, chúng tôi phải đi trên con đường gập ghềnh đá núi, quanh co trên những con dốc hiểm nguy. Chưa ở đâu như ở Khâu Vai, đá núi sắc nhọn như chông như ở nơi này. Chúng tôi đi qua những thung lũng cằn khô, đi qua những triền núi chất chồng đá sắc, mà thi thoảng màu xanh duy nhất vĩnh cửu là những cây sa mộc như mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Từ thị trấn Mèo Vạc, trên con đường dài quanh co 24 km là cả một lộ trình không dễ dàng. Trường Mầm non, Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Khâu Vai, THCS Khâu Vai, cùng UBND, Đảng ủy xã “tọa lạc” trên một mỏm núi, bên dưới là thung lũng đá. Nhìn từ xa, quần thể trường học và khối Đảng ủy, cơ quan xã- như con rồng xám vàng chồm xuống bám chặt vào mỏm núi.
Từ rất lâu rồi, Khâu Vai được biết đến như một địa danh của phiên chợ tình ( còn gọi là chợ Phong lưu), và cũng được biết đến như một địa danh nghèo khó, xa xôi. Như mọi nơi khác trên địa bàn Hà Giang, Khâu Vai luôn ở trong tình trạng khát nước và đói ăn. Bể chứa nước được dẫn ở núi đá về, dưới chân núi ( tất nhiên là được bảo vệ chặt chẽ). Muốn có nước sử dụng, các thầy cô thuê xe của dân chở nước mang lên đỉnh núi để sinh hoạt. Thầy trò đựng nước vào bình, can...rồi tiết kiệm, dè sẻn dùng dần. Từ lâu, thầy trò Khâu Vai mơ ước có một hệ thống dẫn nước lên đỉnh núi – tại nơi có các trường học từ Mầm non, Tiểu học đến THCS để đỡ nhọc nhằn ... trong sinh hoạt. Nhưng tiền không có, đành hàng ngày chắt chiu nước trong sự vận chuyển gian nan.
Các khe suối nhỏ ở Khâu Vai chỉ có nước vào mùa mưa, thuận lợi cho việc tưới tiêu, tuy nhiên về mùa đông, tất cả khô hạn. Các thầy cô phải chắt chiu từng giọt nước và chắt chiu từng chút đam mê để gắn bó và hy sinh tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người. Thầy Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng PTDTBT Tiểu học Khâu Vai cho biết: “ trường PTDTBT Tiểu học Khâu Vai được tách ra năm 2009, ban đầu là trường tiểu học Khâu Vai. Để bớt đi phần nào khó khăn của người dân nghèo ở xa trung tâm xã sống thưa thớt ở các vùng đồi núi đá cheo leo trong việc nuôi dạy con em đi học, năm học 2011 - 2012 nhà trường xây dựng Đề án thành lập trường PTDTBT tiểu học và đã được nhân dân, các cấp các ngành địa phương đồng tình ủng hộ...”.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Đó là ủng hộ trên phương diện tinh thần, đường lối, nhưng dân Khâu Vai nghèo, lực bất tòng tâm. Khâu Vai là một xã có tổng số dân là 6504 nhân khẩu và 1145 hộ, trên địa bàn 12 xóm và có 6 dân tộc thiểu số, dân tộc H’Mông chiếm 95%. Nhân dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông như trồng cây ngô, cây lúa và chăn nuôi gia súc gia cầm . Tuy cây ngô có khả năng sinh trưởng trên núi cao, nhưng thiếu đất để sinh trưởng, len qua kẽ đá, thân gầy guộc, giơ tay lá mỏng manh vẫy gió quăn queo.
Là một xã vùng 3 của huyện Mèo Vạc, có diện tích tự nhiên là 3.062,31 ha, Khâu Vai quanh co với núi đất dốc và núi đá. Dân cư ở không tập trung, địa hình phức tạp hiểm trở đường sá giao thông đi lại khó khăn không có đường xe mà chỉ đi bộ và cách xa trung tâm xã, trường chính... mọi thông tin liên lạc hầu như không có. Có những bản làng xa xôi, đi hàng ngày đường mới đến nơi, bà con chỉ biết nhìn sắc trời để đoán định thời gian sớm hay tối. Người dân Khâu Vai hầu như quanh năm thiếu đói. Mùa rét, nhiều người không đủ ấm, nhất là các em HS, co ro giữa đỉnh núi, bốn bề gió thốc. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể...đã đến đây, ủng hộ giúp đỡ cho HS Khâu Vai những mong giúp các em một phần đỡ khó khăn.
Vừa qua, dịp Tết nguyên đán, xã đã đề nghị huyện hỗ trợ cho 100 hộ/442 khẩu với 6.630 kg gạo. Đó cũng là giải pháp tạm thời. Nghèo là căn bệnh nan y không dễ chữa ở đây, vì vậy, Khâu Vai đói vẫn hoàn đói –nhất là trong mùa giáp hạt. Trong tình hình như vậy, để các em đến trường không bỏ học đã là điều lý tưởng, các thầy cô không dám hy vọng điều gì lớn hơn. Ở các lớp bán trú, “trường ca” rau xanh và cá mắm, lạc vừng...là quanh năm. Mỗi bữa ăn hơn 2000 đồng/em, cố gắng lắm, chỉ có vậy. Xã và trường chỉ đạo các thôn, xóm thay phiên nhau từng hộ cung cấp rau xanh cho bữa ăn các em. Vì vậy, bữa ăn của các em đã đầy đủ rau xanh. Còn thịt cá, nhiều khi chỉ là nỗi nhớ, thoảng qua...
2- Nỗi buồn mang tên Khâu Vai
Ai đã đến và gặp các em co ro phong phanh trong mùa giá rét, nhìn các em la liệt ngồi xổm hớn hở trước bát cơm chan rau, may mắn thì có chút cá khô mặn chát...mới thấy thật sự buồn. Nỗi buồn của sự bất lực, khi không có cách nào giúp các em có thể đủ cơm ngon, áo ấm... Điều đáng nói là khu bếp ăn nội trú, không có bàn ghế, các em ngồi ăn dưới đất, hớn hở bởi chút cá mắm mặn chát.Các em mắt sáng khi biết bữa cơm có chút cá mặn mòi. Bát cơm với 2 chú cá khô nhỏ, mặn chát, bát canh chan lõng bõng. Chỉ vậy. Theo Nghị Quyết 22 HĐND tỉnh hỗ trợ cho HS bán trú dân nuôi là 166.000/tháng /em, kể cả sự cố gắng giúp đỡ của nhà trường thì số tiền ấy chưa đủ cho một mức sống bình thường nhất, bởi hơn 2.000 đồng/ bữa ăn, các thầy cô biết xoay sở , phù phép thế nào cũng không thể đáp ứng cho các em có một bữa ăn đủ dinh dưỡng được. .
Thầy Dũng, “anh nuôi” của các em lo lắng: Thầy đã đi vay các nơi, “cắm quán”, ở nhiều nơi để mua chịu thức ăn cho các em...Nhưng vay rồi cũng phải trả. Giờ, mỗi khi qua chợ, thầy lại rảo bước nhanh nhanh...kẻo chủ quán phát hiện “...đón đường hỏi nợ”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Cường cho biết: “Tình hình dân trí ở nơi đây còn thấp, khoảng 70% hộ dân đói nghèo. Vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu trong việc ma chay, cưới xin. Nhiều người dân chưa coi trọng việc học tập của con em mình mà vẫn coi đó là "Học cũng phải ăn, mà không học cũng phải ăn" ,chính vì vậy rất khó khăn trong công tác vận động học sinh đến trường và đặc biệt là những học sinh lớn cuối cấp hay nghỉ học theo kiểu "cài răng lược" , khi các em ở nhà giúp gia đình lao động thêm, hoặc trông em, thậm chí có em còn bỏ học để xây dựng gia đình . Nhiều em lấy vợ, lấy chồng trong nỗi buồn bởi do hai bên gia đình bố mẹ gán ghép...”. Đó không chỉ là nỗi buồn mà còn là những khó khăn không thể tháo gỡ một sớm một chiều không chỉ ở Khâu Vai mà ở một nhiều nơi trên địa bàn vùng núi Hà Giang...
Tỷ lệ huy động trẻ ở Khâu Vai : 6-14 tuổi đến trường đạt 98,2 %, so với kế hoạch giao đạt 100%. Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đi học hàng ngày: Mầm non: 98%; Tiểu học: 95%; THCS: 90% trở lên. Tổng số lớp: 63 lớp, tổng số học sinh: 1.179 học sinh. Trong đó: Tiểu học: 39 lớp với 642 học sinh; THCS: 08 lớp: 212 học sinh; Mầm non: 19 lớp : 325 học sinh. Học sinh bán trú dân nuôi: 400 học sinh; Tiểu học: 205 học sinh, THCS: 195 học sinh. |
Đi tìm giải pháp
Hiểu được rõ điều ấy, nên các cấp chính quyền Khâu Vai...luôn kề vai sát cánh với GD nơi này. Bí thư xã Lê Văn Quý, người rất có tâm huyết với GD Khâu Vai cho biết, anh luôn ủng hộ GD ở mức cao nhất. Hiện nay, xã có kế hoạch phối hợp với các tổ chức tín dụng uỷ thác cho hội viên vay vốn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; tiếp tục nhân rộng các gương điển hình là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Bên cạnh đó, Đảng ủy đã và đang chỉ đạo Hội Nông dân xã tích cực vận động nhân dân, hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, vận động nhân dân gieo trồng đảm bảo thời vụ. Nếu dân ấm no, thì mới có thể tạo điều kiện cho GD được.
Vì vậy, bài toán về chất lượng GD ở đây đang được các cấp chính quyền và các thầy trò cùng giải, nhưng không ít khó khăn...
Rời Khâu Vai, trở lại Mèo Vạc trên con đường nhọc nhằn đá sỏi và chênh vênh bên vực thẳm, chúng tôi nhận ra quần thể liên hoàn của đường-trường -trạm tựa thể chú rồng mang sắc vàng xám phủ phục ấy, không biết khi nào cất cánh giữa hoang vu. Con chữ đã được treo và neo lại rất trang trọng trên mỏm núi xa xôi này.
Vùng đất huyền thoại của phiên chợ tình mang tiếng phong lưu ấy, bao giờ phong lưu trong nhịp sống đời thường?
Xin giới thiệu một số hình ảnh về các em học sinh ở Khâu Vai:
Trường học giữa lưng chừng núi |
Các em học sinh ở đây chủ yếu là người Mông |
Đến trường các em được học tập, rèn luyện toàn diện |
các em được bảo đảm các điều kiện về sinh hoạt như chỗ ở |
....chăm lo về bữa ăn |
tranh thủ giờ ra chơi |
Đến trường các em được học chữ, được kết giao bạn bè, yêu thích môi trường học tập |
Chu Thị Thơm