"Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà khóe mắt cay cay
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi
Sao không ngồi nghĩ lại
Nói với nhau nhẹ nhàng"...
Khẩu nghiệp là thứ con người thường xuyên mắc phải. Khẩu: Miệng, lời nói. Nghiệp: cái hậu quả của việc làm thiện hay ác trong kiếp trước thể hiện ra trong kiếp hiện tại bằng sự hạnh phúc hay đau khổ. Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói từ miệng mình gây ra, nên Khẩu nghiệp cũng được gọi là Ngữ nghiệp.
Khi nói Khẩu nghiệp là có ý nói: Khẩu ác nghiệp.
Khẩu ác nghiệp có 4 tội:
– Vọng ngữ (nói láo),
– Ỷ ngữ (nói thêu dệt),
– Lưỡng thiệt (đâm thọc),
– Ác khẩu (chửi rủa).
Trong 4 tôi này, người ta hay mắc nhất là ác khẩu.
Ác khẩu hay còn gọi là ác ngữ là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). Nó sẽ gây ra nhiều hối hận cho con người trong cuộc sống sau khi nói ra. Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn; lời nói nhã nhặn, lời khuyến tấn đúng thời, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi, những việc làm bất thiện.
Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời, trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
Ảnh minh họa |
Lời nói ra như bát nước hắt đi, có hối hận cũng đã muộn rồi
Người nóng nảy thì hay nói lời xúc xiểm, người dối trá thì lời nói trơn tuột, chẳng thể bắt bẻ họ, nhưng cũng không thể hiểu tâm họ ra sao? Người thâm hiểm thì nói xúc phạm đến kẻ khác bằng giọng nói như hiền từ… tất cả ngôn ngữ này đều phát sinh từ một gốc, đó là Tâm; và do đó tướng của ngôn ngữ là Tâm. Tâm Phật thì lời nói là pháp thiện, Tâm chúng sanh thì lời nói thành ác nghiệp.
Tâm chúng sanh có muôn ngàn tướng thì lời nói cũng gây muôn ngàn nghiệp báo.
Những người hay nói nhiều hay phê bình người khác thường là những người nói có thói quen nói năng bừa bãi, không chín chắn trong suy nghĩ. Thật ra, nói thì rất dễ. Thốt lên một lời phê bình một người nào đó thì rất nhanh và đôi khi chúng ta nói chỉ là cho có nói vậy thôi.
Nếu phê bình người người khác xấu thì cũng chưa chắc là mình tốt hơn người khác, nhưng phê bình người khác thì rất dễ, nhìn thấy lỗi bản thân mình thì lại rất khó. Do vậy, Đức Phật dạy chúng ta nên học cách im lặng, đó cũng là cách chúng ta chủ động để ngăn ngừa những sai phạm trong lời nói của mình.
Những người thường hay nói này nói kia tự mình làm giảm thiểu đi công đức rất lớn, có thể họ làm việc tốt do nhưng tính hay nói, nói nhiều chẳng đúng vào đâu thành ra sai, và cái nói sai đó làm tổn giảm đi những gì tốt đẹp mà mình đã làm. Do vậy, chúng ta không nên xem thường lời nói.
Lời nói tuy là gió bay nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của người khác cũng như chính bản thân của chúng ta. Do vậy, thay vì ngồi đó để phê bình người khác, tốt hơn chúng ta nên dành thì giờ để tập trung vào những công việc cần làm.
Người hay nói chuyện nhảm nhí, hay nói chuyện thiên hạ, hay nói chuyện tào lao, hay nói chuyện vô ích thì đời sau sanh ra làm người gầy còm thể chất yếu đuối - trong Kinh nói như vậy. Đối với người Phật tử, chúng ta phải hiểu rằng dầu là thân nghiệp, khẩu nghiệp hoặc là ý nghiệp thì nghiệp nào cũng có hệ quả của nó.
Tuy vậy, thân nghiệp thì khó phạm hơn khẩu nghiệp, khẩu nghiệp chúng ta rất dễ phạm do chánh niệm trên lời nói rất khó. Vì vậy, chúng ta nói lời làm cho người khác đau có thể chúng ta không để ý, chúng ta nói lời để chia rẽ người khác cũng không để ý, chúng ta nói lời làm hỏng đời người khác mình không để ý.
Hậu quả của khẩu nghiệp cũng vô cùng kinh khiếp. Không dương thì âm, sớm hay muộn thì cũng đều có báo ứng.
Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.