Khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn

Khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn

Tới dự Lễ khánh thành có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cùng đại diện các ban, ngành hai Thành phố.

Khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao bằng công nhận công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn cho Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân.

Báo cáo quá trình triển khai dự án, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để triển khai xây dựng tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo, hội đồng nghệ thuật tuyển chọn mẫu Tượng đài. Toàn bộ công trình được chia làm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: bao gồm các hạng mục: xây dựng công trình kiến trúc đế tượng bằng đá grannite tự nhiên, móng tượng, sân trước tượng đài, các tiểu cảnh quan khu đảo Hòa Bình, hệ thống ánh sáng, thoát nước và sửa chữa, gia cố kè quanh đảo…

Tiểu dự án thứ 2: là phần quan trọng nhất, gồm: lựa chọn mẫu thiết kế mỹ thuật Tượng đài. Ban tổ chức đã mời Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật TP Hà Nội tham gia sáng tác mẫu tượng. Kết quả, Ban tổ chức đã nhận được 25 tác phẩm dự thi. Từ 25 mẫu này, Ban tổ chức chọn được 10 tác phẩm vào vòng 2. Tiếp đó chọn được 3 tác phẩm vào vòng 1 và tổ chức trưng bày tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để xin ý kiến nhân dân. Cuối cùng, mẫu tượng mã số 5 của tác giả Lâm Quang Nới thể hiện “tư thế Bác Hồ đang bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II, năm 1960, bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” đã được Ban tổ chức lựa chọn.

Sau hơn 8 tháng thi công, tại cơ sở đúc đồng Phương Nam, công trình đã hoàn thành vào ngày 12/7, với chiều cao 5,43m, nặng khoảng 20 tấn bằng chất liệu đồng hợp kim. Từ 20 đến 22/7, tượng Bác Hồ - Bác Tôn được chuyển đến thủ đô Hà Nội bằng đường sắt. Việc dựng tượng tại Công viên Thống nhất đã hoàn thành vào 23/7/2010.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh, công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, tại công viên Thống Nhất - Hà Nội, là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm sâu đậm, sự tri ân, sự tôn vinh của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ, Bác Tôn, thể hiện tấm lòng ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long của nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh về công trình đặc biệt có ý nghĩa này, đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng gửi lời cảm ơn và chúc mừng tác giả Lâm Quang Nới, cảm ơn các nhà khoa học, Hội đồng nghệ thuật, các cán bộ, công nhân viên thi công và các cơ quan hữu quan đã góp phần vào thành công của công trình.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn là công trình văn hóa đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết thống nhất của cả dân tộc, với tình cảm Nam Bắc một nhà, thể hiện lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Công trình này càng đặc biệt ý nghĩa khi được khánh thành đúng vào thời điểm 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, và là biểu hiện hết sức sinh động cho tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn thể hiện lòng biết ơn vô hạn của dân tộc với 2 vị lãnh tụ kính yêu. Bác Hồ, người thầy của cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, gian khổ, đưa con thuyền cách mạng giành hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác Tôn - người bạn gần gũi, thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Bác Hồ và Bác Tôn là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam về lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, về lý tưởng cách mạng, mong muốn đấu tranh để thống nhất đất nước và là biểu tượng của đạo đức cách mạnh: cần - kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà chúng ta suốt đời học tập, noi theo. Chủ tịch nước mong muốn công trình được hoàn thành sẽ góp phần động viên, giáo dục toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục giữ gìn những thành quả to lớn của cách mạng, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu hơn, mạnh hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ