“Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quảng Tây chính là ngôi nhà chung của tình đoàn kết giữa 2 nước, 2 dân tộc”. |
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, nhân dân tỉnh Quảng Tây đã hết lòng giúp đỡ lưu học sinh Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất, sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho con em Việt Nam, điều đó không thể quên trong lòng mỗi lưu học sinh Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP Quế Lâm, lãnh đạo Đại học Sư phạm Quảng Tây cắt băng khánh thành Nhà kỷ niệm |
“Việt Nam có du học sinh ở hàng chục nước trên thế giới, nhưng chỉ có một nơi duy nhất trên thế giới có Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam – đó là Quế Lâm. Việt Nam và Trung Quốc đã ngàn năm là láng giềng, sẽ trăm năm là đồng chí. Học sinh Việt Nam ở Quảng Tây bao nhiêu dân tộc, ngàn người như một, trọng nghĩa, trọng tình, biết ơn nhân dân Trung Quốc. Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quảng Tây chính là ngôi nhà chung của 2 nước.
Việt Nam và Trung Quốc chung một mặt trời, chung một mặt trăng, chung một dòng sông, chung một biển lớn. Láng giềng hữu nghị, bạn bè, đồng chí, ngàn năm hạnh phúc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã viết tặng Nhà kỷ niệm các Trường học Việt Nam tại TP. Quế Lâm trong niềm tự hào và xúc động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan tại Nhà kỷ niệm |
Bí thư Đảng ủy Đại học Sư phạm Quảng Tây Vương Nam xúc động nói: Việc xây dựng Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Trung Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của các thế hệ thầy và trò các trường học Việt Nam tại Trung Quốc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tình cảm hữu nghị mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Hệ thống các trường học Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1951 - 1969 do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun trồng. Qua 18 năm, đã đào tạo được hơn 7.000 học sinh, chính đội ngũ này đã trở về nước trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN.Nhiều cựu lưu học sinh tại Quế Lâm nay trở thành cán bộ cấp cao trong Đảng, Chính phủ và quân đội, công an Việt Nam.
Tiếp tục truyền thống hợp tác giáo dục giữa hai nước, ngày nay hàng ngàn lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và hàng ngàn lưu học sinh Trung Quốc cũng đang học tập tại các trường đại học của Việt Nam.
Đây là những tài sản vô cùng quý báu để nhân dân hai nước cùng nhau góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Việt- Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.
Kết thúc buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các cán bộ cao cấp Việt Nam là cựu lưu học sinh Trường văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi đã ghi cảm tưởng, tặng quà lưu niệm cho Đại học sư phạm Quảng Tây và trồng cây tại Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở TP. Quế Lâm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Đại học Sư phạm Quảng Tây |
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã tiếp Chủ tịch TP. Quế Lâm Lê Chí Cương, thăm Đại học sư phạm Quảng Tây và tham dự khai mạc tọa đàm về hợp tác giáo dục giữa Quảng Tây và Việt Nam.
Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi (Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 15/10/1965, chiêu sinh từ tháng 3/1965 và kết thúc đào tạo tháng 6/1970. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, từ năm 1965 đến 1968, 1.500 giáo viên và học sinh là con em cán bộ quân đội (nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là 17 tuổi) của Trường Nguyễn Văn Trỗi đã sơ tán đến TP. Quế Lâm rèn luyện và học tập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía Trung Quốc cung cấp toàn bộ cơ sở vật chất, Việt Nam chịu trách nhiệm về đội ngũ giáo viên và chương trình rèn luyện và học tập. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã quan tâm ủng hộ mạnh mẽ, trực tiếp giao nhiệm vụ cho chính quyền và nhân dân Quế Lâm hết lòng giúp đỡ giáo viên và lưu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi. |
Theo Chinhphu.vn