(GD&TĐ) - Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM với vai trò đầu tàu cho giáo dục ĐH phía Nam, đã bước vào năm học thứ tư áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, với những cách làm khả thi. Phóng viên Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa – Trưởng ban Đào tạo ĐH-SĐH (ĐHQG TP.HCM) xung quanh vấn đề đang được công luận rất quan tâm này.
PV: Để đảm bảo chất lượng ĐHQG TP.HCM đã mời những đối tác như thế nào cùng tham gia thí điểm Chương trình tiên tiến, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Các CTTT được triển khai tại ĐHQG Tp.HCM đều là các chương trình của các trường ĐH uy tín trên thế giới, tức là các trường ĐH thuộc nhóm 200 trường ĐH hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của các Hiệp hội, Tổ chức Giáo dục có uy tín trên thế giới. Hoặc thuộc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng các ngành đào tạo của các Hiệp hội, Tổ chức Kiểm định Giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế.
Về phía các trường thành viên, các CTTT đều là các chương trình mạnh về nội dung chương trình đào tạo, có truyền thống đào tạo tốt, đội ngũ CBGD và CSVC sẵn sàng, đặc biệt là năng lực hợp tác quốc tế, có khả năng hợp tác liên thông về đào tạo với cơ sở có chương trình được lựa chọn. Tất cả các chương trình giáo dục trong ĐHQG TP.HCM đều được đào tạo theo hệ thống tín chỉ, điều này tạo sự thuận lợi cho người học, đặc biệt đối với các CTTT.
Một giờ học của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM |
PV: Ông có thể nói rõ hơn về nội dung và cách thức đào tạo của CTTT mà ĐHQG TP.HCM đang triển khai?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các môn học, tài liệu tham khảo, cách thức đánh giá người học của CTTT là theo nguyên mẫu của các chương trình nước ngoài. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh. Hoàn tất chương trình học, sinh viên (SV) sẽ được cấp bằng tốt nghiệp ĐH của các trường thành viên tương ứng của ĐHQG TP.HCM. Kết thúc hai năm đầu, nếu có nhu cầu và đủ năng lực về ngoại ngữ, học lực, tài chính, SV có thể chuyển sang học thẳng vào năm thứ 3 của ĐH nước ngoài. Kinh phí đào tạo từ hai nguồn: học phí và phần Nhà nước hỗ trợ (khoảng 55%).
PV: Chắc chắn muốn áp dụng CTTT phải có “GV tiên tiến” và “SV tiên tiến”. Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM đang tuyển chọn như thế nào để có được “thầy- trò tiên tiến”? Trong quá trình đào tạo theo CTTT, số GV cũng như SV này có buộc phải sàng lọc lại hay đào thải không?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Các SV của CTTT được tuyển chọn từ những SV đang học tại trường hoặc tân SV. Tiêu chí đầu tiên để được tuyển chọn là SV phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu TOEFL 450 điểm, đạt điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy...
GV đứng lớp phải có trình độ thạc sĩ trở lên. GV có trình độ tiến sĩ giảng dạy CTTT chiếm ít nhất 50% trong giai đoạn 2007-2010, sau đó tăng dần và đạt 100% từ năm 2015. Các GV Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ giảng dạy CTTT khi được Hội đồng, gồm các GV nước ngoài và đại diện của Bộ GD&ĐT, đánh giá đạt yêu cầu thông qua các buổi giảng thử. Đây là yêu cầu rất nghiêm ngặt, được đánh giá hàng năm thông qua Hội đồng và tham khảo ý kiến của SV đối với từng môn học...
PV: Được biết, SV khối ngành Kỹ thuật- Công nghệ nhìn chung được tuyển chọn vào học với số lượng khá ít (tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra). Lại thêm chi phí đào tạo CTTT khối ngành này rất cao, song kinh phí Nhà nước cấp lại khá ít ỏi… Theo ông, thực trạng này cần được nhìn nhận, xử lý ra sao?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Đối với 3 khóa đầu tiên, NSNN hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên cho các CSĐT để thực hiện CTTT, đạt 60% nhu cầu chi phí đào tạo. Qua 3 khóa, các CTTT tại ĐHQG TP.HCM đều tuyển sinh đạt chỉ tiêu được giao. Về học phí, nếu so với các chương trình liên kết thì mức học phí hiện nay không phải là cao.
PV: Với mức học phí cao gấp mấy lần so với chương trình đào tạo bình thường, thì việc thu hút được các SV giỏi (nhưng kinh tế gia đình khó khăn) theo học CTTT quả là nan giải... Chúng tôi muốn biết giải pháp của ĐHQG TP.HCM?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Điều quan trọng hàng đầu trong vấn đề thu hút SV giỏi chính là chất lượng, từ đó tạo ra uy tín và sự lan tỏa của chương trình. Bằng nhiều cách, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM đã cố gắng huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Cụ thể là trường ĐH KHTN có 10 SV được tài trợ từ doanh nghiệp, trường ĐH CNTT có 2 SV, trường ĐHBK có 3. Tất nhiên, để tạo sự bền vững của chương trình, các trường sẽ tiếp tục tìm tòi các nguồn tài trợ khác trong tương lai.
PV: Các trường đào tạo theo CTTT hết sức khó khăn khi mời các GV nước ngoài tham gia giảng dạy, và như vậy ít nhiều sẽ hạn chế việc đảm bảo chất lượng thực sự của CTTT. Ông có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho bài toán nan giải này?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Giải pháp được các trường đồng thuận chính là chia sẻ nguồn lực GV, phát huy hiệu quả của một lần sang Việt Nam giảng dạy, điều này được áp dụng trong ĐHQG TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng hơn nữa.
Ngoài ra, một sáng kiến rất hay là các trường hiện đã và đang bắt đầu từng bước triển khai phương thức giảng dạy từ xa qua mạng. GV nước ngoài ở tại trường, nhưng vẫn có thể giảng dạy được cho SV Việt Nam. Các bài giảng, dù là trực tiếp hay qua mạng, đều có thể ghi hình lại được. Nhờ đó các trường có thể dần dần xây dựng nguồn tư liệu quý về giảng dạy cho các khóa sau.
PV: Về lâu dài, liệu CTTT sẽ đủ sức hấp dẫn và lan toả ngày càng rộng trong nhiều trường ĐH và nhiều ngành đào tạo khác nhau hay không? Hay CTTT đến lúc nào đó cũng chỉ dừng lại ở dạng “thí điểm” quy mô nhỏ hẹp?
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Tại Hội nghị sơ kết tình hình triển khai đào tạo theo CTTT do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 10/2010, các trường đều khẳng định sức hút và sự lan tỏa của CTTT, quy trình chặt chẽ, ĐBCL, chắc chắn sẽ thu hút nhiều SV giỏi. Cùng với sự phát triển và hòa nhập của đất nước ta, các hình thức đào tạo có yếu tố nước ngoài sẽ ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Đinh Lê Yên (thực hiện)